Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rước họa từ bong bóng bay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các bậc phụ huynh cần cân nhắc kĩ càng trước khi cho trẻ chơi bóng bay
Các loại đồ chơi bong bóng nhìn rất đa dạng, nhiều màu sắc, bắt mắt, dường như vô hại. Nhưng bên trong nó có chứa rất nhiều các chất độc hại, vô cùng nguy hiểm và có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
Bóng bay gây tai nạn
Cách đây không lâu, một vụ tai nạn nổ bóng bay đáng tiếc đã xảy ra với chị Nguyễn Thanh Nguyên (Ba Đình – Hà Nội). Khi đến chơi nhà một người bạn ở quận Hoàn Kiếm, chị Nguyên thấy gia chủ có một chùm bóng bay to đã ngỏ ý xin về cho cháu chơi. Trong khi vội, gia chủ đã không dùng dao kéo để cắt dây bóng mà dùng bật lửa gas để đốt dây. Bất ngờ quả bóng bay nổ như bom khiến toàn bộ cửa kính, đồ đạc gần đó bị nứt vỡ. Kết quả là chị Nguyên và gia chủ bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
Mới đây, vào cuối tháng 4, Trường THCS Suối Dây (xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh), tổ chức công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Sau khi  kết thúc buổi lễ, nhiều em học sinh xin thầy cô những  trái bong bóng bay hình trái tim dùng để trang trí trong buổi lễ để đem về chơi. Thầy Vũ Quốc Khánh cùng một thầy giáo đã đến lấy bóng chia cho các em. Khi mọi người đang tụ tập chia bóng thì đột nhiên chùm bóng hơn 100 quả phát nổ hàng loạt, một ngọn lửa bùng lên làm 2 thầy giáo và 11 em học sinh đang tụ tập xung quanh bị bỏng mặt và tay. Kết quả là 8 em học sinh bị bỏng nặng và 2 thầy giáo phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh để cấp cứu do vết bỏng quá nặng, còn 3 em học sinh thì được cấp cứu tại trạm y tế xã.
Đây chỉ là một số vụ tai nạn đáng tiếc do bong bóng bay gây ra khi người dùng không biết rõ được nguyên nhân làm bóng bay phát nổ. Các BS cho biết, các vụ tai nạn do bóng bay gây ra không hiếm gặp, nhất là vào các dịp lễ tết, đám cưới… Mặc dù, bỏng bóng bay không nguy hiểm như bỏng xăng, lửa nhưng các vết bỏng thường rơi vào các vị trí hiểm như đầu, tai, cổ, vai, hai bàn tay… Nó ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và có thể để lại di chứng lâu dài.
Tổ hợp các hóa chất
Theo ThS. Nguyễn Đình Vinh (giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên): “Các loại bóng bay, cả bóng thường và bóng bay khí đều là sự tổ hợp của nhiều hóa chất”. Cũng theo thầy Vinh thì nguyên liệu chính làm nên bong bóng là mủ chích từ cây cao su, cùng các hóa chất như lưu huỳnh, bột màu, bột tan… Trong đó, lưu huỳnh (S) được sử dụng nhằm mục đích lưu hóa mủ cao su giúp dẻo, dai, không bị dính. Bóng bay có nhiều màu sắc là do được trang trí bởi các chất bột màu gồm hai loại: Chất màu vô cơ và chất màu hữu cơ. Các dung dịch màu này không phải là các màu thực phẩm mà là các màu dành cho ngành công nghiệp. Ngoài ra, dùng thêm các chất phụ gia khác nhằm làm tăng các màu sắc xanh, đỏ , tím, vàng. Trong đó, các chất màu vô cơ thường là những kim loại nặng như sắt (Fe), Crôm (Cr), Titan (Ti), đồng (Cu), chì (Pb)… Các loại bóng màu đỏ có chất Pb, màu xanh và vàng có chất Cr…  Bên cạnh đó, còn có các chất hữu cơ thường là các chất chứa vòng Benzen. Các chất này rất độc cho trẻ nhỏ, nhất là khi cầm, nắm, thổi… Vì vậy, đối với các loại bóng thường thổi thì độc nhiều do chất liệu và  phẩm  màu, nếu thường xuyên cho trẻ chơi bóng, thổi bóng thì khả năng nhiễm độc càng cao. Mặt khác, có nhiều trẻ em còn nuốt, hóc phải khi thổi bóng.
Các loại bóng bay bơm sẵn trên thị trường thường bơm bằng nhiều loại khí: Hydro, không khí, heli, ôxy… Thầy Vinh cho biết thêm rằng: “Các loại bóng trên thị trường chủ yếu được bơm bằng khí hydro, bởi vì khí này dễ điều chế, chỉ cần cho kim loại như nhôm (Al), kẽm (Zn) vào axít hoặc kiềm là thu được hydro. Tuy nhiên, việc bơm bằng khí này rất nguy hiểm vì nó dễ phát nổ khi gặp nhiệt độ. Đặc biệt việc chế tạo khí nếu không được tiến hành cẩn thận sẽ lẫn không khí vào hydro và tạo nên hỗn hợp nổ. Tốc độ cháy của hydro là 3.500m/s, nhiệt độ là 3.1000C. Do cấu trúc phân tử bé nên hydro phát tán cực nhanh, có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Nếu được bơm bằng khí helium (He) thì tương đối an toàn tuy nhiên khí này khá đắt và bóng nhanh bị xẹp”.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kĩ càng trước khi cho trẻ chơi bóng bay. Bởi vì, các tác hại mà bóng bay mang lại khá lớn, ngay bản thân chúng ta cũng không lường trước được hậu quả.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Không nên cho trẻ thường xuyên tiếp xúc với các loại bóng bay
ThS. Nguyễn Đình Vinh khuyến cáo rằng không nên cho trẻ thường xuyên tiếp xúc với các loại bong bóng. Bởi trẻ em có thể nuốt bóng vào bụng trong khi thổi, hay bị hóc, bị nhiễm độc từ phẩm màu trên quả bóng. Thậm chí có thể phát nổ nếu quả bóng đó bơm bằng khí hydro, gây rát, bỏng, nếu hít phải khí hydro có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh vì đây là một loại khí rất độc.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)