Vì sao bị rò ruột? Khi bị rò ruột sẽ để hàng loạt hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe
Thực phẩm sau khi giúp làm “sướng miệng” sẽ bì “vùi dập” ở dạ dày với sự nhúng tay của hydrochloric acid và những men tiêu hóa từ tụy tạng. Những gì còn lại sau khi thực phẩm tiêu hóa sẽ gồm 2 phần: “phần nhỏ” và “phần lớn” vốn là tất cả những gì mà cơ thể cần cho sự sinh tồn.
“Phần nhỏ” bao gồm các vitamin và khoáng tố. “Phần lớn” bao gồm protein, carbohydrate và chất béo. Để giúp “con voi chui qua lỗ kim”, các chất dinh dưỡng “phần lớn” cần phải được băm nhỏ thành nhiều mảnh. Protein sẽ được chia nhỏ thành các aminoacid; carbohydrate sẽ được chia nhỏ thành các loại đường như glucose, sucrose và fructose. Chất béo thì bị chia thành các acid béo và glycerol.
Đối với một cơ thể khỏe mạnh, những chất dinh dưỡng “phần lớn” phải được phân chia thành những phân tử nhỏ thì thành ruột mới chấp nhận cho những phần tử nhỏ này vượt “ruột môn” để vào hệ tuần hoàn máu.
Thành ruột được cấu tạo bởi hàng triệu triệu tế bào vốn chỉ cho phép chất dinh dưỡng phân tử nhỏ đi vào máu. Thông thường khi những phân tử lớn được chuyển hóa thành những phân tử nhỏ như glucose, aminoacid… thì mới được “cấp hộ chiếu” để đi vào máu. Những chất dinh dưỡng có phân tử lớn chưa được chuyển hóa như protein, carbohydrate sẽ bị “vịn” lại tại thành ruột.
Ruột rò gây áp xe hậu môn rất khó chịu ảnh: dieutribenh.com
Tuy nhiên, đôi khi những chất dinh dưỡng có phân tử lớn vẫn có thể “lách luật” để đi vào hệ tuần hoàn máu. Đó là khi ruột bị rò. Và chúng bắt đầu giở trò. Lúc này, cơ thể chúng ta tưởng chúng là thành phần “lạ” xâm nhập trái phép nên “khua chiêng gióng trống”, huy động lực lượng đến để tiêu diệt kẻ thù. Hệ miễn dịch phái bạch huyết cầu tới tấn công những phân tử lạ. Khi chiến đấu, bạch huyết cầu sẽ tiết ra những hóa chất gây viêm, sưng…
Những tế bào ở màng thành ruột được liên kết chặt chẽ với nhau theo một cấu trúc chỉ cho những chất dinh dưỡng có phân tử nhỏ đi qua. Khi xảy ra quá trình sưng, viêm thì những tế bào ở thành ruột sẽ liên kết yếu ớt, lỏng lẻo, khoảng cách giữa các tế bào càng rộng ra, lúc này các loại protein chưa được tiêu hóa sẽ ngang nhiên đi vào hệ tuần hoàn máu.
Vậy cái gì khiến ruột bị rò? Có rất nhiều nguyên nhân. Do sử dụng dược phẩm bừa bãi, nhất là các loại thuốc giảm đau NAIDs, các thuốc ngừa thai, thuốc kháng axít dạ dày… Cũng có thể là do chế độ dinh dưỡng có quá nhiều đường, bột, phụ gia thực phẩm, sử dụng rượu bia quá mức… Ngoài ra, ruột bị rò còn do các vi sinh vật và các gốc tự do gây ra. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cũng gia tăng tình trạng rò ruột. Kẽm và vitamin B6 rất cần thiết để duy trì độ bền vững của thành ruột, vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ màng nhày ở ruột. Sự rò ruột cũng có thể là hậu quả của một số bệnh tật mà “thân chủ” đang mang như bệnh Crohn, bệnh viêm ruột kết, viêm tuyến tụy; bệnh nhân HIV/AIDS cũng rất dễ bị rò ruột do việc sử dụng các loại dược phẩm đặc trị… Ngoài ra, một lá gan mong manh yếu ớt, gan bị suy cũng là một trong những nguyên nhân gây rò ruột.
Ngoài những nguyên nhân trên thì lối sống cũng có thể gây ra sự rò ruột. Những người làm việc căng thẳng, hoặc bị áp lực công việc, thường xuyên đối mặt với stress… sẽ khiến lưu lượng máu đi tới ruột bị giảm, đồng thời stress cũng hình thành nhiều gốc tự do. Khói thuốc và rượu bia cũng là những thủ phạm khét tiếng gây ra sự rò ruột
Vần đề “gay cấn” nhất ở chỗ khi ruột bị rò thì sẽ gây ra quá trình viêm (inflammation). Khi xảy ra sự viêm thì ruột lại càng cho phép thêm nhiều protein chưa được tiêu hóa đi vào máu. Điều đó làm cho sự rò ruột ngày càng “bát nháo”.
Rò ruột sẽ gây một loạt hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe. Các triệu chứng mà người bệnh phải vất vả chống chọi là đau bụng, lên cơn hen suyễn, khó tiêu, tâm lý thất thường, lo âu, miễn dịch yếu, viêm nhiễm âm đạo, nổi mẩn da, tiêu chảy, đái dầm, nhiễm trùng bàng quang, trí nhớ kém, mỏi mệt… Điều mà các thầy thuốc “ngán” nhất là sự rò ruột sẽ dẫn đến các bệnh tự miễn (autoimmune disease).
Để tránh sự rò rỉ ruột, cần phải học ăn, học uống thuốc sao cho đúng cách; cần hạn chế rượu bia, thuốc lá; giữ gìn vệ sinh môi trường thật tốt. Điều quan trọng nhất là phải tạo cho mình một tinh thần phơi phới, một thể chất dồi dào. Đừng quá căng thẳng lo âu, cứ “quẳng gánh lo đi mà vui sống”.
Theo NLĐ
Bình luận (0)