Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Rượu giả, rượu lậu tung hoành

Tạp Chí Giáo Dục

Các mặt hàng, đặc biệt là rượu bia, vào thời điểm này đã bắt đầu "nóng" với không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm rượu giả, rượu lậu có thể “tung hoành” mạnh nhất trong năm, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Tại Hà Nội, dạo qua các cửa hàng, đại lý rượu ngoại trên phố Trần Bình Trọng, Yên Phụ, Bưởi, Giảng Võ, Đội Cấn, chợ Hàng Da…, đều có thể thấy những chai rượu ngoại mang các nhãn hiệu như Chivas, Brandy, Johnnie Walker, Henessy, Remy Martin… được bày bán tràn lan. Lượng khách mua và sử dụng rượu ngoại tại các cửa hàng cũng đang tăng rõ rệt trong nhiều ngày gần đây.

Điều đáng lo ngại là nhiều khách mua rượu không hề có khái niệm phân biệt rượu giả, rượu kém chất lượng, không rõ về nguồn gốc xuất xứ của mỗi chai rượu. Anh Tô Linh Giang, khách hàng tại đại lý rượu Chivas – Bà Triệu, cho biết: những khách hàng không am hiểu về rượu ngoại sẽ khó có thể phân biệt được rượu giả và rượu kém chất lượng do được làm giả khá tinh vi bằng các loại rượu trắng với tỉ lệ rượu “xịn” khoảng 10 – 15%, cộng với chất tạo màu. Vỏ và nút chai được thu mua lại từ các nhà hàng, quán rượu, quán bar, khách sạn có bán rượu ngoại. Những chai rượu tiếp tục trải qua khâu dán tem giả trước khi tung ra thị trường. Nếu như không có thiết bị chuyên dùng thì không thể nào phát hiện được.
 

Kiểm tra nhãn mác rượu và phát hiện rượu giả ở một nhà hàng ăn. Ảnh: Hữu Oai – TTXVN
Nhiều bác sỹ chuyên khoa chống độc ở bệnh viện Bạch Mai cho biết, các loại rượu giả thường được làm bằng các loại cồn công nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc, có pha phẩm màu công nghiệp hoặc có thêm một số hoá chất để tăng nồng độ rượu… Rượu giả gây độc hại rất lớn, người sử dụng rượu giả có thể bị suy gan, suy thận, hôn mê…, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong. Nếu uống phải rượu giả sẽ tác động mạnh và cảm giác đau đầu, có thể gây ra độc hại ngay cho cơ thể. Đặc biệt, nhiều trường hợp sau khi hết ngộ độc còn để lại những di chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ như ứ đọng mỡ ở gan gây viêm gan, chảy máu đường tiêu hoá, bệnh tim mạch, huyết áp cao…

Theo đơn vị quản lý thị trường Hà Nội, trong thời gian qua, đơn vị này đã bắt và thu giữ nhiều vụ rượu giả, rượu lậu. Điển hình như vụ bắt giữ 572 chai rượu Chivas tại quận Hoàng Mai. Gần đây, ngày 20/11, đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường đã bắt giữ gần 400 chai rượu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu dán tem nhập khẩu giả, mang nhãn hiệu Henessy XO và Martell… Đại diện đội quản lý thị trường cũng cho biết, công tác thẩm định rượu giả rất phức tạp, việc phân biệt tem rượu giả không thể thực hiện bằng mắt thường mà buộc phải sử dụng tia cực tím. Còn đối với rượu giả chỉ có cách duy nhất là phải giám định chất lượng.

Để nhận biết rượu giả, khách hàng cần chú ý đến lượng rượu trong chai, kiểm tra nhãn rượu và tem nhập khẩu, tem chống giả, nắp, nút, đáy chai… Thông thường, các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất công nghiệp và đóng chai tự động, do đó màu sắc và lượng rượu bên trong các chai rất đều nhau. Nhãn hiệu cũng là yếu tố có thể nhận biết. Các nhãn hiệu xịn được in chữ nổi, màu ánh kim trong khi nhãn giả không thể làm được như vậy.
Ngoài ra, rượu giả khi để ở nhiệt độ thấp sẽ có hiện tượng đóng đá, khi sử dụng có nồng độ cồn cao, không có vị thơm ngọt như rượu xịn và có vị đắng, uống gắt miệng và gây đau đầu.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo 127/TW có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trạm kiểm soát liên hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu, bia, thuốc lá trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn 2012. Thời gian tiến hành kiểm tra từ nay đến hết tháng 1/2012.

Ban Chỉ đạo 127/TW yêu cầu các đơn vị khẩn trương mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh các mặt hàng rượu, bia, nhập lậu và gian lận thương mại; chống sản xuất, buôn bán rượu bia giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên tất cả các tuyến biên giới, đất liền và các tuyến địa bàn trọng điểm, các thành phố lớn, các tụ điểm trong nội địa; kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh rượu đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh các mặt hàng này; đồng thời, kiểm tra hợp đồng đại lý rượu, bia; kiểm tra thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán, chứng từ thuế; quy định dán tem đối với rượu ngoại nhập khẩu, kiểm tra việc chấp hành pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo, khuyến mại đối với các mặt hàng trên. Đối tượng kiểm tra bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu, bia; các điểm cất giấu rượu, bia giả; các điểm phân luồng, tập kết hàng hóa, các chợ buôn bán, nhà ga, bến xe, bến tàu.

Đây được xem là tín hiệu đáng mừng giúp ngăn chặn vấn nạn rượu giả, rượu lậu đang "hoành hành" trong nước như hiện nay, đồng thời giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước.

Theo Đức Dũng

(timtuc)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)