Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rượu hay bia độc hơn?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người cho rằng uống nhiều rượu không tốt nên chuyển sang uống bia. Họ chỉ nghĩ đơn giản, bia “nhẹ” hơn rượu, uống thoải mái mà không biết rằng do lượng uống nhiều hơn nên độc chẳng kém gì rượu.

Bia tuy nhẹ độ hơn rượu nhưng vì uống nhiều nên cũng độc không kém rượu
Theo BS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, rất nhiều người có quan niệm bia kém độc so với rượu. Nhất là ở những người bị xơ gan do bia rượu, nhiều người sau khi được ra viện, do không “cai” được chất kích thích này đã chuyển từ rượu sang bia với suy nghĩ bia “nhẹ” độ nên không nguy hại. Nhưng thực tế, bất cứ loại bia rượu (kể cả bia rượu ngoại, bia rượu nhà máy hay bia rượu nấu thủ công) cũng nguy hiểm vì chất etanol có trong đó. Chất etanol có trong bia rượu, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành aldehyde, một chất rất có hại cho cơ thể. 
Trung bình, cứ 100ml rượu 40 độ thì có 400g etanol, 100ml bia có 5g etanol, 100ml rượu vang có 13,5g etanol. Như vậy, nếu uống 1.000ml bia thì sẽ nạp 50g etanol vào cơ thể. “Bia nhẹ độ hơn nhưng đa phần dân nhậu đều uống với số lượng rất nhiều nên cũng độc như rượu”, BS Khanh nhấn mạnh. 
Cũng theo BS Khanh, vài năm trở lại đây, số bệnh nhân bị xơ gan do bia rượu phải nhập viện điều trị rất nhiều. “Khoảng 10 năm trở về trước, bệnh nhân xơ gan chủ yếu do vi rút, còn hiện nay, trung bình mỗi năm trong số 3.500 – 3.700 bệnh nhân tiêu hóa nội trú tại bệnh viện, có tới 60% là bệnh gan, trong đó xơ gan chiếm chủ yếu, với khoảng 50% nguyên nhân do rượu bia. Bệnh nhân chủ yếu là nam ở lứa tuổi 40-50, nhưng có không ít người mới ở tuổi ngoài 30”, TS Khanh cho biết.
 Không ít các trường hợp, khi vào viện điều trị xơ gan, được bác sĩ giải thích bệnh dễ dẫn đến ung thư, đã nghĩ đến đoạn tuyệt chất cồn. Nhưng khi bệnh ổn định, không còn mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, rối loạn tiêu hóa… họ quên mất lời bác sĩ dặn, lại nhớ rượu bia. Thời gian đầu còn ý thức, uống một chút cho đỡ “thèm”, sau lượng ngày càng tăng, nghiện lại lúc nào không biết. Hậu quả là tái phát xơ gan. 
Một quan niệm sai lầm nữa của người bệnh, đó là khi đã bị xơ gan thì không khỏi được. Thực tế không phải vậy, nếu bị xơ gan do nguyên nhân từ bia rượu mà bỏ được sớm những chất kích thích này, phát hiện và điều trị khi bệnh mới ở giai đoạn nhẹ thì sẽ chữa khỏi mà không để lại biến chứng, không bị ảnh hưởng nhiều sức khoẻ. Nhưng nếu không bỏ được rượu, tình trạng xơ gan sẽ ngày càng nặng hơn. Khi đã ở giai đoạn muộn thì gan không còn cơ hội phục hồi nữa, đáp ứng điều trị cũng kém. 

Điều nguy hiểm nhất là bệnh xơ gan diễn biến bệnh rất âm thầm, khó nhận biết, Các triệu chứng của bệnh rất nghèo nàn. Người bệnh chỉ thấy hơi đau ở hạ sườn phải, bụng trướng nhẹ, thậm chí nhiều người không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, người bệnh vẫn lao động, học tập bình thường. 
Hồng Hải (dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)