Trong những ngày sát tết, thị trường thức uống tăng mạnh, trong đó có rượu ngoại. Tuy nhiên, giữa muôn trùng “thật giả lẫn lộn”, để chọn cho mình một chai rượu “xịn” cũng không phải dễ…
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua rượu ngoại nhằm tránh nhầm rượu giả.
|
Công nghệ pha chế
Mới đây, Công an quận 2, TPHCM đã bắt quả tang vợ chồng Lưu Văn Hiếu (26 tuổi) và Nguyễn Thị Tại (25 tuổi, cùng ngụ quận 2) đang vận chuyển 15 chai “rượu ngoại” tự chế tại nhà, mang các nhãn hiệu Johnnie Walker, Red Label, Hennessy… đi tiêu thụ tại các đại lý. Khám xét ngôi nhà cặp vợ chồng này thuê, cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn rượu ngoại được làm giả và dụng cụ, hóa chất để pha chế rượu ngoại giả. Hiếu khai nhận, để làm một chai rượu giả, rất đơn giản. Chỉ cần pha chế rượu trắng với một tỷ lệ nhỏ rượu “xịn” cộng với chất tạo màu: xanh, đỏ, sẫm tùy theo từng loại rượu sẽ có ngay thành phẩm “rượu ngoại”. Vỏ chai, bao bì được thu mua từ các nhà hàng, quán rượu, quán bar có bán rượu ngoại.
Để bơm rượu giả vào vỏ chai ngoại, các cơ sở sản xuất lậu dùng xilanh bơm rượu vào đối với những chai có cổ bi. Một số loại chai khác, chỉ cần khoan lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Nút chai cũng được thu gom tại các quầy bar hoặc nhập lậu và sử dụng công nghệ dập nút chai của Trung Quốc. Sau khi ấn nút xong, chỉ cần dán thêm chiếc tem sáng bóng là thành một chai rượu ngoại “dỏm” khó ai phát hiện. Tem rượu được nhập từ Trung Quốc với giá 1.000 – 2.000 đồng/chiếc.
Từ đây, lượng rượu thành phẩm được các “đầu nậu” bỏ mối cho đại lý. Từ các đại lý này, rượu giả được tung vào các quán bar, vũ trường… Nhiều đại lý còn chào hàng tới các công ty vào dịp cuối năm để biếu đối tác, khách hàng. Từ đó, rượu dỏm tràn lan thị trường. Những ngày gần tết, rong ruổi trên một số tuyến đường tại TPHCM, không ít lần chúng tôi thấy “rượu ngoại” theo những người bán hàng rong xuống phố.
Chivas, Johnnie Walker, Macallan, Ballantine’s, Martell, Royal Salute, Hennessy,… là những thương hiệu được ưa chuộng nên bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt vào thời điểm giáp tết. Theo anh P.X.H (38 tuổi, chủ một cửa hàng rượu trên đường Võ Thị Sáu), còn có một cách pha chế khác là pha rượu trắng trong nước cùng mật ong hoặc đường thắng và một tỷ lệ nhỏ rượu xịn rồi đóng chai đem bán với danh nghĩa… hàng xách tay.
“Bắt bài” rượu giả
Theo ông Phan Minh Trí (45 tuổi), chủ một cửa hàng ở quận 1, TPHCM, để mua rượu thật, người tiêu dùng nên tìm những địa chỉ quen thuộc. Khi mua, cần quan sát kỹ vỏ chai, nút chai, tem nhãn xem có dấu hiệu bất thường và đặc biệt cảnh giác với các lời giải thích “hàng bị trầy xước trong quá trình vận chuyển”. Người tiêu dùng nên quan sát số sê-ri trên tem của nhiều chai rượu trên một quầy kệ vì hàng nhập chính ngạch có số lô, tem đầy đủ và các đơn vị phân phối bán lẻ thường nhập hàng theo lô, do đó trên một kệ hàng, nếu nhiều chai rượu có số sê-ri trên tem liền nhau, theo thứ tự thì yên tâm.
Trước khi uống rượu ngoại, đem chai rượu để vào ngăn đá tủ lạnh, sau 12 giờ lấy ra nếu như có hiện tượng đông đá, đó có thể là rượu giả. Rượu thượng hạng thường được chưng cất từ nho và được ngâm ủ lên men trong thùng gỗ sồi. Ngoài ra, rượu phải có độ sánh và có mùi thơm của nho, của gỗ sồi, mật ong… Khi rót rượu vào ly chỉ cần lắc nhẹ ly rượu, mùi thơm tỏa ra mùi vị rất đặc trưng và rượu vẫn còn bám nhẹ trên thành ly. Tuy nhiên, với rượu giả mùi vị này không có. Trước khi uống, đổ một ít rượu ra lòng bàn tay, xoa hai tay với nhau rồi đưa lên mũi ngửi, nếu thấy có mùi xốc của cồn có thể rượu giả được pha chế từ cồn. “Uống rượu ngoại cũng rất công phu. Giữa thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng nên cẩn thận để chọn cho mình một chai rượu chính gốc. Đừng vì thấy rẻ mà mua phải rượu dỏm. Lúc đó, tiền mất mà tật mang”, ông Phan Minh Trí chia sẻ.
Minh Trung / SGGP
Bình luận (0)