Bà chủ quán ốc nóng trên phố Pháo Đài Láng cho hay, quán mở ra phục vụ cho sinh viên là chính, cho nên quán chủ yếu nhập các loại rượu quê rẻ chứ không bán “rượu nhà máy” như một số quán ăn, nhà hàng. “Sinh viên thì làm gì có tiền, cho nên tôi chỉ lấy loại rượu quê vừa rẻ vừa “bảo đảm” chất lượng về để bán thôi”.
Sau loạt bài đăng tải phản ánh tình trạng rượu cồn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được xuất ra thị trường, bày bán công khai khiến cho sức khỏe của người dân bị nguy hại đăng trên Báo CAND vừa qua, đường dây nóng của tòa soạn liên tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ phía dư luận, đặc biệt đã có một số ý hiến xoay quanh vấn đề: Loại rượu trên hiện đang không thể thiếu được trong những buổi “đàm tửu” tại một số quán nhậu cóc (quán nhậu phục vụ chủ yếu cho sinh viên) gần các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội.
Tràn lan rượu quê không rõ xuất xứ…
Chúng tôi có mặt tại đường Nguyễn Quý Đức, đoạn nằm sau khu ký túc xá Mễ Trì – nơi cư trú của hàng nghìn sinh viên Trường Đại học KHXH và NV, Đại học KHTN Hà Nội vào buổi tối ngày cuối tuần. Mặc dù đường chưa ráo nước do cơn mưa ban chiều để lại, song hầu như toàn bộ bàn nhậu quán ốc nóng nơi chúng tôi dừng chân đã chật kín người. Người nói, người chúc tụng nhau thông qua chén rượu, chốc chốc lại làm cho không khí của quán trở nên náo nhiệt một cách lạ thường.
Phải cố giành giật cho mình những chiếc ghế mà thực khách vừa đứng lên thanh toán tiền, chúng tôi mới được anh chủ quán bố trí cho một chỗ ngồi liền kề ngay gian bếp có diện tích chưa đầy 1 mét vuông “Uống rượu chứ hai em?” – anh chủ quán có bộ râu quai nón mời chào. “Nhà mình có những loại rượu gì hả anh?”, tôi làm ra vẻ như một anh chàng sinh viên “Nátsuchê” – ngôn ngữ mà giới trẻ hiện dùng cho những người nghiện rượu. Vừa thấy thực khách hỏi, anh chủ quán liền “lia” một loạt những lời chào hàng cho sản phẩm mà quán ốc của mình có: “Nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, nếp đục… Loại nào cũng có!”. “Rượu thuốc có không anh?”, “Cướp đâu ra!” – anh chủ buông một câu chỏng lỏn.
Theo như anh chủ, rượu mà quán bán toàn là rượu quê, tất cả đều nhập từ các vùng quê ven Hà Nội. Còn rượu thuốc do khách ít dùng nên quán không lấy về bán. Khi thấy chúng tôi bán tín bán nghi về sự khẳng định nơi xuất xứ rượu của quán là ở các miền quê, anh chủ bèn lôi ra từ gầm bàn một chai La Vie loại 500ml đựng đầy thứ nước màu trắng đục. “Rượu nếp đục đấy! Có cả nhãn đây này” – vừa nói anh chủ vừa chỉ tay vào dòng chữ quảng bá cho sản phẩm mà không có địa chỉ nơi sản xuất in trên nền “mác” dán bên ngoài chai rượu.
Quán ốc nóng trên đường Triều Khúc của chị H., dù phải thắp nến để thay vì ánh điện đã mất, song lượng sinh viên đổ về đây uống rượu vẫn cứ nườm nượp. Mang vẻ mặt của một sinh viên đi mua thêm rượu về uống cho đủ “độ”, chúng tôi được chị H. tiếp thị hết sức nồng nhiệt: “Em giai uống rượu quê loại gì? Mấy chai?”. Thấy chúng tôi đắn đo không biết chọn mua loại rượu nào trong số những chai rượu bày la liệt trên bệ bê tông nằm kế sát tủ chứa hàng, chị chủ H. quảng bá: “Mua đi! Rượu nhà chị lấy từ các hộ ở quê, có nhãn mác đàng hoàng, uống vào đảm bảo không đau đầu”.
Trong quá trình mua rượu, chị chủ H. còn khẳng định như đinh đóng cột về việc sau khi uống rượu của cửa hàng sẽ không có tác dụng phụ như đau đầu, ngái rượu, buồn nôn… (?!). Nếu ai đã từng nghe qua lời khẳng định của chị sẽ khó có thể kìm lòng trước rượu quê mà chị mời chào.
Cần cảnh giác trước khi sử dụng
Các loại rượu quê có nhãn mác “nếp đục”, “nếp cái hoa vàng”, “nếp mới”… được các chủ quán nhậu xung quanh các trường đại học, cao đẳng, ký túc xá nhập về bày bán. Một số tuyến đường, khu phố có mật độ tập trung sinh viên ngồi lai rai bên chén rượu “quê” cao như: Pháo Đài Láng, Nguyễn Quý Đức, Phùng Khoang, Triều Khúc…
Bà chủ quán ốc nóng trên phố Pháo Đài Láng cho hay, quán mở ra phục vụ cho sinh viên là chính, cho nên quán chủ yếu nhập các loại rượu quê rẻ về để bán chứ không bán rượu nhà máy như một số quán ăn, nhà hàng.
“Sinh viên thì làm gì có tiền, cho nên tôi chỉ lấy loại rượu quê vừa rẻ vừa “bảo đảm” chất lượng về để bán thôi” – bà chủ lấy làm cảm thông cho những khó khăn mà sinh viên “nghiền” rượu gặp phải. “Trung bình mỗi tối, lượng rượu của quán bán ra cho sinh viên dao động từ 20- 30 lít” – bà cho biết thêm.
Không chỉ những quán nhậu cóc ở phố Pháo Đài Láng có mật độ xuất rượu ra thị trường cao đến như vậy, mà theo quan sát, chúng tôi nhận thấy, trung bình mỗi nhóm sinh viên (từ 3-5 người) ngồi uống rượu thường “nạp” hết 2-3 chai (loại 500ml/chai). “Uống hết từng đấy mới đủ độ “phê”…”- Tuấn Anh, sinh viên Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội bộc bạch.
Thậm chí, có nhóm còn đạt tới “ngưỡng” 5-7 chai trong một bữa nhậu. Như vậy, trước “khả năng” uống rượu của các bạn trẻ sinh viên như hiện nay, số lượng rượu tiêu thụ từ 20-30 lít mỗi tối của từng quán nhậu cóc là hoàn toàn có thể.
Cầm những chai rượu mua được tại các quán nhậu xung quanh các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi không khỏi giật mình trước lời quảng cáo chắc như đinh đóng cột về chất lượng cũng như công dụng của nó được in trên nhãn mác dán bên hông của chai rượu: “Rượu nếp đục… dễ uống không đau đầu, rất tốt cho sức khỏe”, đặc biệt kế liền sau đó là dòng chữ có phần đối nghịch với “nhãn hiệu” của rượu ở trên: “…Rượu được sản xuất bằng nếp cái hoa vàng ngâm hạ thổ 3 tháng, uy tín chất lượng…”.
Sự “bảo hành” chất lượng của các loại rượu quê bày bán tại một số quán nhậu cóc này chỉ được khẳng định bởi lớp nilông mỏng bọc kín ở cổ mỗi chai rượu chứ không hề thông qua tem, dấu của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Mặc dù qua mắt thường ai cũng biết, công đoạn “bảo hành” sản phẩm rượu làm ra này không khó để tạo dựng, song với các chủ quán mỗi khi bán rượu cho khách hàng thường dựa vào đó để khẳng định, rượu của mình bán ra là rượu quê xịn, là rượu chưa có ai “sờ” tay vào.
Bên cạnh đó, nếu ta để ý kỹ, thông số in trên vỏ chai rượu quê bày bán tại các quán nhậu cóc thường chỉ ghi rõ công dụng, lời quảng cáo công đoạn làm rượu… chứ không hề ghi rõ nơi sản xuất, cung cấp (!).
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lai, Bí thư UBND xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), chúng tôi được biết, rượu nếp xịn (tính theo giá bán buôn) được các hộ dân chưng cất thủ công có giá dao động từ 22.000đ – 25.000đ/ lít. Cũng theo ông Lai, với những loại rượu cồn mà một số cơ sở ở làng Đại Lâm (xã Tam Đa) sản xuất ra, các quán nhậu dễ dàng có thể sở hữu cho mình các loại rượu “nếp cẩm”, “nếp cái hoa vàng”, “sắn”… sau khi đã cho thêm một số hương vị phụ gia để bán ra cho khách hàng.
Đồng quan điểm với ông Lai, TS Bế Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khi nhận định về thực trạng “mốt” uống rượu quê không rõ nguồn gốc của sinh viên một số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn TP Hà Nội: “Vì rượu quê, rượu pha lẫn các tạp chất không rõ nguồn gốc hiện đang được bày bán tràn lan trên thị trường, tại một số quán nhậu cóc nằm gần các trường đại học, cao đẳng cho nên từ đầu năm 2008 đến nay, trong tổng số hơn 100 trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu, lứa tuổi sinh viên chiếm một phần không nhỏ. Nguyên do cũng chỉ vì uống quá nhiều rượu quê không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở các quán nhậu cóc”.
Theo lời khuyến cáo của TS Thu, người tiêu dùng, nhất là giới sinh viên – những người chủ nhân tương lai của đất nước, hơn lúc nào hết ngay bây giờ cần phải tránh xa những loại rượu quê không rõ xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường.
(Theo CAND)
Bình luận (0)