Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Rút hồ sơ trúng tuyển, phụ huynh mất cả chục triệu đồng !

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay, các trường ngoài công lập ở Hà Nội vẫn tiếp tục lùm xùm việc không trả lại tiền nhập học cho phụ huynh khi họ rút hồ sơ trúng tuyễn để nộp sang các trường công bố điểm chuẩn muộn hơn…
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10 ở Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành  /// Ảnh: Ngọc Thắng
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10 ở Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành. ẢNH: NGỌC THẮNG
Một số phụ huynh (PH) Trường THCS Archimedes cho biết sau khi nhập học cho con vào trường này thì các trường công lập chất lượng cao như THCS Cầu Giấy, Hà Nội – Amsterdam mới công bố điểm thi và điểm chuẩn, nên họ quyết định rút hồ sơ trúng tuyển để xin học ở trường tốt hơn.
Khoản phí “giữ chỗ”
Tuy nhiên Trường THCS Archimedes chỉ cho rút học bạ chứ không được rút số tiền khoảng 14 triệu đồng đã đóng, coi như "phải chấp nhận" khi thay đổi quyết định chọn trường.
Ghi nhận của  phóng viên cho thấy, việc không trả lại tiền đã đóng được nhiều trường ngoài công lập áp dụng. Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh thu 4,5 triệu đồng và thông báo không trả lại nếu PH rút hồ sơ. Tương tự, cả lớp 6 và lớp 10 Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành đều thông báo số tiền phải nộp trước năm học là 2,15 triệu đồng và đề nghị PH “nghĩ kỹ trước khi nộp hồ sơ nhập học” vì nếu rút hồ sơ, số tiền này sẽ được chuyển vào quỹ khuyến học của nhà trường.
Là một trường ngoài công lập danh tiếng nhưng vài năm gần đây, Trường Lương Thế Vinh cũng gây ồn ào dư luận bởi những chuyện lẽ ra không nên có trong môi trường giáo dục. Liên quan đến khoản lệ phí “giữ chỗ” này, mùa tuyển sinh năm trước, sau khi có văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu trả lại lệ phí tuyển sinh cho PH chuyển trường thì Trường Lương Thế Vinh vẫn nhất định… làm ngơ. Nhiều PH làm đơn tập thể xin lại tiền như chỉ đạo của Sở nhưng nhà trường chặn cổng không cho vào. Năm nay, trường này lại tiếp tục thông báo giữ lại 4,5 triệu đồng của PH nếu rút hồ sơ trúng tuyển. Việc tuyển sinh lớp 6 năm nay cũng khiến PH bất ngờ khi tối hôm trước công bố điểm chuẩn nhưng sáng hôm sau lại lặng lẽ nâng lên khiến PH vô cùng bức xúc vì con họ chỉ sau một đêm đã từ… đỗ thành trượt. Sau khi báo chí lên tiếng, trường này mới xin lỗi PH và hạ điểm chuẩn về mức ban đầu.
Phụ huynh bị làm khó
Các trường ngoài công lập được chủ động về thời gian tuyển sinh nên nhiều trường thường ấn định thời gian nhập học rất nhanh chóng. Thời gian hết hạn nộp hồ sơ trúng tuyển với học sinh lớp 6 thường diễn ra sớm hơn các trường công lập đặc thù công bố kết quả thi. Nhiều trường chỉ nhận hồ sơ trong vòng 1 – 2 ngày nên buộc PH có con trúng tuyển phải nhập học trong khi chưa biết các trường mà con họ muốn học có trúng tuyển hay không, khiến PH không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhập học, nếu rút hồ sơ thì mất tiền. Trường ít nhất là 2 triệu đồng, nhiều nhất là cả chục triệu đồng.
Cũng là một trường ngoài công lập danh tiếng ở Hà Nội, nhưng cả năm trước và năm nay, Trường phổ thông Marie Curie lại có một cách hành xử khác hẳn. Trường này thông báo rất rõ ràng về mức điểm chuẩn của đợt 1 và đợt 2 (nếu có) và thêm một lưu ý quan trọng: “Sau khi nhập học lớp 10 cho con, nếu có cơ hội khác phù hợp hơn, cha mẹ học sinh có thể rút toàn bộ hồ sơ  trúng tuyển và các khoản kinh phí đã nộp”. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, thẳng thắn: Việc gây khó khăn khi cha mẹ hồ rút hồ sơ bằng cách giữ lại tiền không phải là cách tốt, thậm chí làm tổn hại đến uy tín của trường.
Mùa tuyển sinh năm 2018, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã khẳng định “phí giữ chỗ” các trường ngoài công lập là sai quy định. “Truy cứu thế nào là phí và lệ phí sẽ thấy không có khoản nào nói về phí đặt chỗ và ghi danh. Như vậy, việc các trường đặt ra khoản đó là sai”, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh và thông tin thêm: Luật Giáo dục cũng chỉ nói đến học phí và lệ phí tuyển sinh chứ không hề nhắc tới các khoản đặt chỗ hay giữ chỗ.

Việc gây khó khăn khi cha mẹ hồ rút hồ sơ bằng cách giữ lại tiền không phải là cách tốt, thậm chí làm tổn hại đến uy tín của trường

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội)
Ngoài các quy định, theo ông Quang, việc thu nhiều khoản phí như vậy là chưa hợp tình. Ông Quang cũng nhận định, việc so sánh lệ phí giống khoản mua bán, đặt cọc ngoài thị trường, đưa vấn đề thương mại hóa vào trường học là không phù hợp. "Làm sao trẻ có thể nhân ái, vị tha, khoan dung khi biết chúng được vào trường nhờ tiền, nhờ mua và bán", ông Quang nói.
Còn ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định không có quy định nào về phí đặt cọc, phí ghi danh, nên nhà trường không được đặt ra các khoản thu này.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)