Chiều 30-9, Bộ GD-ĐT đã có buổi báo cáo với Chính phủ về công tác tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2015. Theo Bộ GD-ĐT tổng chỉ tiêu (CT) 2015 do các cơ sở đào tạo xác định là 647.222, bao gồm 396.810 CT ĐH và 250.412 CT CĐ. Hết đợt 2, các trường đã tuyển được 89,75% CT.
Thí sinh giảm nhưng CT “phình”
Trả lời về số CT và số lượng thí sinh trên điểm sàn của Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết trong tổng số 647.222 CT mà các trường ĐH, CĐ đăng ký thì chỉ có hơn 516.000 CT lấy từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trong khi đó, theo tính toán của Bộ GD-ĐT, số lượng TS đạt từ 12 điểm trở lên là khoảng 620.000. Như vậy, số lượng dôi dư khoảng trên 1,2. Còn số CT lấy từ kết quả tốt nghiệp THPT khoảng 130.000.
Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, theo con số báo cáo của 28 trường xét tuyển đợt 4 thì vẫn còn thiếu tới hàng ngàn CT. Tiêu biểu như CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội thiếu hơn 9.000 CT, các trường ĐH ngoài công lập và ĐH địa phương cũng còn thiếu rất nhiều CT. Sự thiếu hụt này có thể lý giải từ nguồn tuyển không còn dồi dào như trước đây. Trong khi CT của các trường ngày càng “phình” ra thì số lượng thí sinh dự thi lại ngày càng giảm.
Bộ GD-ĐT có “ôm đồm”?
Bộ GD-ĐT khẳng định, kết quả tuyển sinh năm nay đã phản ánh rõ đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường; bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng trong số các trường ĐH, CĐ; không phân biệt trường công lập, ngoài công lập, trình độ CĐ hay ĐH. Ở tất cả các nhóm trường đều có nhưng trường tuyển sinh đủ CT. Các trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao.
Bên cạnh những mặt tích cực trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận một số bất hợp lý như công tác truyền thông làm chưa tốt; thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 còn dài; quy định về thay đổi nguyện vọng trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đợt 1 chưa hợp lý; Một số trường tốp trên chưa xác định được điểm ĐKXT hợp lý. Trong đó, một số trường quy định điều kiện nhận hồ sơ ĐKXT chỉ trong ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu nên lượng thí sinh ĐKXT lớn, gây xáo trộn do thí sinh phải rút, nhập hồ sơ trong những ngày cuối đợt 1. Tình trạng thay đổi ĐKXT chỉ diễn ra ở khoảng 30 trường ĐH trong tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ. Số lượng thí sinh thay đổi ĐKXT tuy chỉ chiếm 8,7% số thí sinh ĐKXT nhưng do tập trung ở một số ít trường nên gây ra hình ảnh không tốt đối với dư luận. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định vấn đề kỹ thuật còn bất cập. Các cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung trong khi việc xét tuyển lại diễn ra ở các trường dẫn đến sự bất cập cho cả nhà trường lẫn thí sinh khi thay đổi nguyện vọng ĐKXT. Đây cũng là lý do để một số trường cho rằng Bộ GD-ĐT “ôm đồm” và hạn chế quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.
Những hạn chế này đã được Bộ GD-ĐT khắc phục trong những đợt xét tuyển sau. Đồng thời bộ cũng cho biết tiếp thu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho những năm tới trong lộ trình đổi mới GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)