Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rút ngắn thời gian cử nhân: Liệu có hợp lý?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra tờ trình Thủ tướng Chính phủ về hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, điểm mới nổi bật là giáo dục phổ thông sẽ phân thành 3 luồng, thời gian học ĐH được đề xuất là 3-4 năm (trong quy định cũ là 4-6 năm). 

Theo tờ trình, hệ thống đào tạo cần tập trung thành 3 luồng chính là luồng hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu), luồng ứng dụng và luồng thực hành (nối các chương trình đào tạo kỹ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao).

Giáo dục nghề nghiệp gồm: Đào tạo sơ cấp 1-3 năm; trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); cao đẳng 2-3 năm.

Giáo dục bậc cao gồm: ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, ĐH từ 3-4 năm (quy định tại khoản 2 điều 38 Luật Giáo dục: 4-6 năm) phân thành 3 luồng: Định hướng nghiên cứu; Định hướng ứng dụng; Định hướng thực hành. Thạc sĩ từ 1-2 năm, phân thành 2 luồng: Định hướng nghiên cứu; Định hướng ứng dụng. Trình độ tiến sĩ đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 4 điều 38 Luật Giáo dục: 2-4 năm). Các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục ĐH tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo ĐH và sau ĐH.

GS. Trịnh Minh Thụ 

Theo GS. Trịnh Minh Thụ – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi, hiện nay, các trường ĐH đã được Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ thì nên để khung thời gian rộng hơn. So với nước ngoài, ngoài đào tạo các môn chuyên ngành, các sinh viên vẫn phải học giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và ngoại ngữ. Nếu khống chế thời gian thế thì thời gian dành cho các môn chuyên ngành ít quá. Trường nước ngoài cũng không có trường nào 3 năm (ngoại trừ kinh tế của Mỹ là 3 năm). “Tôi nghĩ, mỗi ngành nghề đào tạo có khung thời gian khác nhau. Kinh tế khác, y khác, kỹ thuật khác, nghệ thuật khác. Mỗi trường có yêu cầu khác nhau thì ngành nghề sẽ khác nhau. Chính vì vậy nên để khung thời gian rộng hơn”, GS. Trịnh Minh Thụ đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh 

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội thì cho rằng: Trường y mang tính đặc thù. Chúng tôi đang đề xuất sẽ học với thời lượng 6 + 2 là 8 năm thì bác sĩ ra trường mới phục vụ Nhân dân được. Nên ngành y không thể đào tạo 3 năm hay 4 năm. Sinh viên y khoa sau 8 năm ra trường có thể hành nghề như sản, bác sĩ gia đình… còn một số ngành khác còn phải học chuyên sâu nữa.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)