Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Rwanda: Mâu thuẫn trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Tất cả trẻ em Rwanda được đến trường miễn phí, còn sinh viên công lập thì… kêu trời!

Học phí 6 năm tiểu học và 3 năm trung học sẽ được miễn phí cho tất cả học sinh ở Rwanda. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp hàng tháng dành cho sinh viên thì bị cắt giảm hoàn toàn.
Chương trình 9YBE
Năm 2009, Rwanda đưa vào thực hiện chương trình giáo dục 9 năm cơ bản (9YBE) miễn phí dành cho mọi trẻ em bước vào độ tuổi đi học. Nỗ lực này của Chính phủ xuất phát từ mong muốn bù đắp cho quá khứ nhiều trẻ em Rwanda không được đến trường – nguyên nhân chính cản trở họ có những cơ hội tốt đẹp khởi đầu trong cuộc sống. Theo đó, hàng ngàn phòng học được xây dựng trên khắp đất nước Rwanda. Bộ Giáo dục cũng đã tuyển dụng thêm nhiều giáo viên để có thể giảm tỷ lệ từ 74 xuống còn 45 học sinh/giáo viên.
Tuy nhiên, 9YBE cũng gặp nhiều khó khăn khi mà hầu hết các hiệu trưởng đều than phiền việc không có máy tính, phòng thí nghiệm cũng không đủ cho các bài học thực tế. Điều này ít nhiều sẽ cản trở sự thành công của chương trình. Ông Theophile Ntiqura, Hiệu trưởng Trường Groupe Scolaire Rukira phát biểu: “Làm thế nào để có thể đưa ra các bài kiểm tra mà không được thực hành trước đó”. Hiện tại, 307 học sinh của trường này phải san sẻ 3 chiếc máy tính xách tay nhận được từ các nhà tài trợ. Nhiều trường khác cũng cho rằng, Chính phủ nên nghĩ đến việc cung cấp thêm tài liệu để nâng cao chất lượng bài học, nhất là trong lĩnh vực khoa học. Và điện cũng là một thách thức lớn cho giáo dục ở nông thôn bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập. “Rất khó để chúng tôi xem lại bài học tại nhà vào ban đêm, bởi vì không có điện”, Rachid Bizimana – một học sinh cho biết.
Mặc dù vậy, sau một năm khởi động chương trình 9YBE, tỷ lệ trẻ em nhập học ở nước này tăng lên đáng kể. Không giấu nổi niềm vui, bà Anna Mukandahiro – một phụ huynh chia sẻ: “Khi còn trẻ, tôi đã không thể đi học vì gia đình không đủ khả năng. Bây giờ, các con tôi có thể đi học vì chương trình 9YBE và tôi không phải lo lắng gì đến khoản học phí cho các con ngay cả khi không làm ra tiền. Tôi từng rất buồn nếu các con không được đi học giống như tôi”. Thế nhưng, Chính phủ Rwanda kêu gọi các phụ huynh từ lúc này nên bắt đầu lập kế hoạch tiết kiệm để sau 9 năm, các em sẽ có điều kiện học tiếp lên cao.
Sinh viên mất lợi
Liền sau chương trình 9YBE là quyết định cắt giảm toàn bộ khoản trợ cấp 40 USD hàng tháng mà Chính phủ Rwanda dành cho mỗi sinh viên đang học tại các trường công lập. Quyết định này sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2011. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Charles Murigande giải thích: “Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy giáo dục phổ cập cơ bản. Còn những ai muốn học tiếp đại học mà không có khả năng sẽ tự tìm trợ giúp ở nơi khác. Thực tế nhiều sinh viên có thể duy trì việc học mà không cần đến sự giúp đỡ của Chính phủ”.
Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên tỏ vẻ không bằng lòng, thậm chí chỉ trích gay gắt quyết định này của Chính phủ. “Nó giống như một tiếng sét giáng xuống nhiều sinh viên. Bởi một khi thực hiện, quyết định xem như “bước đường cùng” đối với những sinh viên nghèo”, Jean Claude – sinh viên Trường Đại học Tài chính Ngân hàng cho biết. Bản thân Jean Claude đã, đang nhờ vào học bổng hàng tháng của Chính phủ để đối phó với cuộc sống đại học. “Cha mẹ tôi không có khả năng chi trả cho tất cả các nhu cầu của tôi. Có cảm giác rằng giấc mơ đại học của tôi đã kết thúc ở đây!”, Jean Claude than thở.
Còn tại Trường Đại học Quốc gia Rwanda, một cảm giác tuyệt vọng “nhấn chìm” rất nhiều sinh viên khi ông Hildebrande Niyomwungeri – lãnh đạo trường khẳng định sinh viên sẽ không được Chính phủ trợ cấp vào những năm tiếp theo. “Chúng tôi đang lo lắng cho tương lai các em khi mà khoản trợ cấp là sự “sống còn” đối với họ. Rất nhiều trong số họ có thể phải từ bỏ giấc mơ nghiên cứu của mình”, ông Niyomwungeri nói.
Hiện tại, ông Niyom-wungeri kêu gọi Bộ Giáo dục nên cho nhiều thời gian hơn nữa trước khi thực hiện quyết định để sinh viên có thể chuẩn bị và tìm cách đáp ứng các chi phí của mình. Theo ông Niyomwungeri, 40 USD/tháng/người vốn đã khiến nhiều sinh viên “vật lộn” để tồn tại. Bây giờ, họ phải tự hủy bỏ một số bữa ăn, thậm chí chia sẻ với nhau một không gian sinh hoạt hạn hẹp để theo đuổi các nghiên cứu của mình. riêng Bộ trưởng Giáo dục Murigande cho biết sẽ có cuộc gặp gỡ với sinh viên để giải quyết việc này.
 (Theo AllAfrica.com)
Ngân Du

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)