Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Sa thải chưa hẳn đã là tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng ngày, báo chí liên tục đưa tin về cơn suy thoái toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đẩy không ít doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ vào vòng khốn đốn, hậu quả là nạn thất nghiệp không ngừng tăng trên toàn thế giới.

Hầu hết ban giám đốc các công ty đều đối mặt với tình trạng chi phí vẫn tiếp tục tăng cao, hạn mức tín dụng bị thắt chặt hơn và doanh thu ngày càng giảm. Từ đó, họ phải tiến đến một quyết định nghiêm trọng hơn là giảm chi phí lương và lợi ích của nhân viên, thậm chí cắt giảm tạm thời hoặc sa thải nhiều lao động để tránh bị vỡ nợ hay đóng cửa doanh nghiệp.

Nếu cũng bị rơi vào tình cảnh buộc phải sa thải nhân viên, bạn nên đi theo trình tự sau.

Bước đi đầu tiên là gặp gỡ nhân viên theo nhóm lớn hay từng nhóm nhỏ riêng lẻ. Họp một nhóm lớn chỉ một lần duy nhất cũng đủ để mọi người tham dự lắng nghe bạn truyền đạt thông tin chính thức, tránh được sự đồn đại “tam sao thất bản”. Tuy nhiên, điểm bất lợi khi họp nhóm lớn để nói về vấn đề nhạy cảm này là mọi người sẽ cảm thấy một bầu không khí bi quan nặng nề. Còn họp với nhóm nhỏ nhân viên thì có thể quản lý được tình thế, dễ dàng tạo ra một không khí mang tính xây dựng hơn.

Dù với cách tổ chức nào, trong suốt buổi họp bạn nên truyền đạt thông tin theo những bước sau:

– Miêu tả hoàn cảnh tài chính khó khăn đang đe dọa nền kinh tế đất nước, khu vực và chính công ty.

– Sẻ chia với họ những thông tin quan trọng mà bạn đang đối mặt để minh họa cho những thách thức dữ dội đang đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp.

– Thật lòng nói lên những hành động bạn đang sắp phải thực hiện, dù biết rằng sẽ rất khó khăn cho bạn và cho các nhân viên toàn công ty.

– Trình bày một vài ý đồ đã được thảo luận trong ban giám đốc và nghe những phản hồi từ người tham dự, sau đó động viên họ đưa ra những kế sách của mình. Những nhân viên nào tỏ ra tích cực động não có thể sẽ cố gắng đề xuất được giải pháp hay.

– Thông báo những điều cần thay đổi và khi nào chúng sẽ diễn ra.

– Khẳng định sẽ còn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bất cứ nhân viên nào.

Tiếp theo, hãy cố gắng chọn lựa vài ba cách dưới đây để tránh sa thải nhiều nhân viên:

– Giảm một phần lương trong một giai đoạn nhất định, không loại trừ bất cứ ai.

– Đề nghị các nhân viên chọn cách về hưu tình nguyện hay tự giác xin thôi việc.

– Yêu cầu tăng thời gian làm việc nhưng không tăng lương.

– Chuyển một số nhân viên sang chế độ làm việc bán thời gian.

– Giảm lương nhưng vẫn giữ nguyên hoặc tăng lợi ích khác cho nhân viên.

Trong tình cảnh kinh tế khủng hoảng có thể kéo dài, việc sa thải số đông nhân viên một cách đột ngột sẽ mang đến những tác động khôn lường cho doanh nghiệp. Vì vậy, những gợi ý trên có thể sẽ giúp các nhà quản trị cách làm chủ động và hợp lý, hợp tình hơn.

Theo THỐNG LÂM
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần/Entrepreneur

Bình luận (0)