Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Sả xay trộn hóa chất

Tạp Chí Giáo Dục

Sả cây tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) được các vựa xay nhỏ không chỉ trong điều kiện mất vệ sinh mà còn trộn với các loại hóa chất, đóng bao bì, phân phối nhiều nơi.
Cán bộ kiểm tra bắt quả tang công nhân tại vựa sả Thùy Linh đang trộn hóa chất vào sả /// Ảnh: Công Nguyên
Cán bộ kiểm tra bắt quả tang công nhân tại vựa sả Thùy Linh đang trộn hóa chất vào sả. ẢNH: CÔNG NGUYÊN
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức) được xem là một trong những nơi cung cấp nhiều nông sản cho TP.HCM. Từ thông tin bạn đọc phản ánh về việc các chủ vựa kinh doanh sả trong và ngoài chợ sử dụng các loại hóa chất để sả xay có màu xanh và không bị hôi trước khi đóng bao, đưa đi bỏ mối, PV đã vào cuộc điều tra.
Xay sả thâu đêm
Tại khu vực trong và ngoài chợ đầu mối Thủ Đức có nhiều địa điểm kinh doanh sả xay. Những vựa sả này hoạt động từ 19 giờ đến rạng sáng hôm sau để kịp hàng cung cấp cho các mối. Qua quan sát và tìm hiểu, có ít nhất 3 địa điểm kinh doanh sả có dấu hiệu trộn hóa chất nên PV đã tiếp cận điều tra.
Mỗi đêm tại vựa sả Thùy Linh số 101A QL1, KP.2, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức (gần chợ nông sản Thủ Đức), công nhân cấp tập lựa sả cây, xay sả, trộn hóa chất, đóng bao bì. 19 giờ 30 ngày 20.1, xe tải chở sả cây tới giao tại vựa Thùy Linh. Khi xe rời đi, công nhân ở vựa lựa, phân loại sả, cạnh đó công nhân khác đưa các chùm sả vào máy xay, rồi cho ra thau loại lớn. Mỗi lần sả đầy thau, công nhân cho nhiều muỗng bột hóa chất màu trắng vào thau sả xay và trộn đều, chuyển ra cho hai công nhân khác đóng bịch, cân ký rồi cột lại.
Công việc diễn ra liên tục, sả trước khi được đưa vào máy xay đều không qua rửa. Trong lúc xay sả, công nhân cho vào cối xay một hóa chất dạng lỏng màu xanh được chứa trong các chai nhựa.
Cách vựa sả Thùy Linh 200 m là vựa sả Thanh Thảo nằm ở mặt tiền QL1 (gần chợ đầu mối Thủ Đức) cũng hoạt động tấp nập, đây là vựa sả được xem lớn nhất tại khu vực này. Mỗi đêm tại đây có hơn 10 công nhân làm việc mới kịp hàng cho các mối đến lấy. Giống như vựa sả Thùy Linh, vựa sả Thanh Thảo cũng xay sả cây cho nhỏ rồi trộn với một loại hóa chất màu trắng, đóng bao. Trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, PV Thanh Niên cũng phát hiện vựa sả Nguyên Phương lô N1-20 cũng có hành vi trộn hóa chất vào sả xay trước khi bán ra thị trường. Mỗi đêm tại vựa sả này có 4 công nhân làm việc: phân loại, chặt lá sả để đưa vào máy xay nằm dọc đường đi của các dãy sạp chợ. Người và xe đẩy qua lại liên tục khiến bùn đất và rác thải tràn ngay bên đống sả cây nguyên liệu. Sả xay xong được đổ trong các chậu cáu bẩn và đổ ngay trên nền gạch không hề có tấm lót. Máy xay, máy trộn cáu bẩn, đóng dày từng lớp đất bẩn và dẻo như keo. Từng đống sả xay được người làm vô tư dùng tay trần đóng vào các bao ni lông rồi vứt ngay hành lang chợ. Trong vựa sả chất đầy bao bì, sọt lớn và ngổn ngang dụng cụ bám đầy bụi. Nền nhà nơi sản xuất và xung quanh vựa sả toàn sình đất và rác, trông rất mất vệ sinh. Sả đưa vô máy xay sau đó trộn loại hóa chất màu trắng và đóng bao bì đưa đi tiêu thụ.
Trộn hóa chất màu xanh cho sả bắt mắt !
Trong nhiều đêm ghi nhận tại các vựa sả nói trên, PV phát hiện ngoài việc trộn hóa chất bột vào sả xay thì các vựa này đều “biến” các bịch sả xay hôi, đổi màu thành những bịch sả có màu xanh rất bắt mắt. Đêm 21.1, một chiếc xe máy chở những bịch sả xay (không bán hết trong ngày) tới vựa sả Thùy Linh để trả lại. Quá quen thuộc, một công nhân tại đây nhận, mở bao ni lông đổ số sả hư vào thau trộn với một ít sả mới rồi cho vào cối xay. Trong lúc xay, nam công nhân lấy một chai nhựa đổ dung dịch màu xanh vào cối xay làm cho sả có màu xanh mới, rất đẹp, rồi vô lại bao mới, tiếp tục đưa đi bán.
Sả xay trộn hóa chất - ảnh 2

Sang chiết hóa chất màu xanh từ trong chai ra. ẢNH: CÔNG NGUYÊN – TIỂU THIÊN CẮT TỪ CLIP

Trong vai một tiểu thương mua bán tại chợ Bà Chiểu cần tìm nguồn sả xay lớn về bỏ nhà hàng, quán ăn và bán lẻ, PV tìm đến vựa sả Thùy Linh để hỏi mua. Tại đây, ông Huỳnh (chủ vựa) cho biết có sả băm và sả xay nhuyễn giá bỏ sỉ 8.000 đồng/kg. Khi chúng tôi lo ngại sả xay để trong bịch ni lông sẽ hư và đổi màu thì ông Huỳnh nói “yên tâm, sả xay chúng tôi có trộn chất tẩy đảm bảo sẽ để được lâu. Còn màu xanh thì bao luôn, muốn xanh cỡ nào cũng có, đảm bảo sả đẹp như mơ”. Ông Huỳnh còn cam kết, sả không bán hết, hư hỏng thì ông sẽ nhận lại như giá bán lúc đầu. Tại vựa sả Thanh Thảo, Nguyên Phương cũng báo giá 8.500 đồng/kg sả xay và đảm bảo sẽ không hư và luôn có màu xanh bắt mắt, chấp nhận trả lại hàng nếu không bán hết…
Sả xay trộn hóa chất - ảnh 3

Hai loại hóa chất được trộn vào sả xay (vựa sả Thùy Linh). ẢNH: CÔNG NGUYÊN
Dùng hóa chất không rõ nguồn gốc
Tối 23.1, PV phối hợp với tổ công tác thuộc Đội 2 Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM kiểm tra 3 vựa sả nói trên. Khi đoàn kiểm tra vào cơ sở Thùy Linh thì phát hiện một công nhân đang trộn hóa chất màu trắng vào sả xay. Công đoạn lựa sả, xay, và đóng gói sả được thực hiện dưới nền nhà dơ bẩn. Đoàn kiểm tra phát hiện một bao (25 kg) bột hóa chất Sodio Matabisolfito HP và hai chai nhựa chứa hóa chất dạng nước có màu xanh. Ông Đinh Văn Huỳnh (54 tuổi – chủ vựa sả Thùy Linh) thừa nhận với đoàn kiểm tra, hai loại hóa chất trên được mua từ chợ Kim Biên, để trộn cho sả khỏi thâm đen, bảo quản được lâu và có màu xanh cho dễ bán. “Khu này ai làm sả cũng dùng hai loại hóa chất này hết, lâu nay sử dụng mà có thấy ai bị sao đâu”, ông Huỳnh nói.
Tại vựa sả Thanh Thảo, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở của ông Vũ Hữu Thông (chủ vựa) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; không thực hiện khám sức khỏe xác nhận kiến thức ATTP cho nhân viên; chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ nguồn gốc nguyên liệu, hóa chất. Cơ sở sản xuất sả xay dưới nền gạch cáu bẩn…
Sả xay trộn hóa chất - ảnh 4

Sản xuất sả xay tại vựa sả Nguyên Phương diễn ra dưới nền đất .ẢNH: TIỂU THIÊN

Sả xay trộn hóa chất - ảnh 5Máy xay sả tại vựa sả Nguyên Phương không đảm bảo vệ sinh. ẢNH: TIỂU THIÊN

Khi đoàn kiểm tra vào vựa sả Nguyên Phương (lô N1-20 chợ đầu mối Thủ Đức), phát hiện 4 công nhân đang phân loại, xay sả và đóng bao bì; công nhân đang trộn sodium metabisulphite màu trắng vào sả xay với liều lượng không xác định. Đoàn kiểm còn tra còn phát hiện tại đây một bao (25 kg) bột sodium metabisulphite và 2,7 kg bột hóa chất đang dùng dở dang. Khối lượng sả xay đã được trộn hóa chất là 200 kg.
Sả nguyên liệu thì để dưới nền đất dơ bẩn, sả xay đổ trực tiếp trên nền nhà. Tiếp tục kiểm tra, đoàn còn phát hiện cơ sở này dùng hóa chất màu xanh đậm dạng nước đựng trong chai nhựa. Chủ vựa cho biết mỗi đêm vựa làm khoảng 1,7 – 2 tấn sả xay.
Đoàn kiểm tra lập biên bản ghi nhận vựa sả Thùy Linh, Thanh Thảo không có giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện vệ sinh ATTP, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ. Tại vựa sả Nguyên Phương, đoàn kiểm tra buộc tiêu hủy 200 kg sả xay trộn hóa chất, không đảm bảo ATTP. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu hai loại hóa chất về kiểm nghiệm.
Hóa chất trộn vào sả đã bị cấm sử dụng
Theo chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ, sả xay được trộn Sodium Metabisulphite (hay natri metabisunfit – Na2S2O5). Na2S2O5 là chất được dùng làm chất chống ô xy hóa và là chất bảo quản được dùng trong thực phẩm dưới tên gọi phổ biến là E223. Do có khả năng chống lại quá trình ô xy hóa, nó có công dụng ngăn chặn tình trạng biến màu thực phẩm, duy trì độ tươi tốt của các loại trái cây, rau xanh, sả . . . cũng như hạn chế quá trình phân hủy, biến chất của thực phẩm. Tuy vậy, nó được xem là một trong số các chất gây dị ứng hàng đầu. Một số người cảm thấy khó thở khi dùng các thực phẩm được bảo quản bởi chúng. Đặc biệt những người mẫn cảm với thuốc aspirine và các bệnh nhân mắc bệnh hen có thể cảm thấy khó thở, viêm phù nề hầu họng. Đặc biệt, natri metabisunfit còn được coi là tác nhân phá hủy vitamin B1 là vitamin cần thiết cho quá trình chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể. Từ những năm 1980, natri metabisunfit đã bị cấm sử dụng trong việc bảo quản trái cây và rau xanh tại Mỹ sau khi có 13 người đã chết do sử dụng các loại thực phẩm được xử lý quá mức bởi hóa chất này. Hóa chất này dùng dạng bột hay hòa bột với nước thành dung dịch. Liều lượng khuyến cáo dùng cho người tối đa 0,7 mg/1 kg trọng lượng cơ thể/ngày, nếu sử dụng nhiều hơn thì có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Ví dụ một người 50 kg thì ăn được 35 mg/ngày – là lượng rất nhỏ. Việc không cân đo đong đếm mà bỏ hóa chất một cách cảm tính trực tiếp vào thực phẩm là ẩu và rất nguy hiểm cho người dùng. Đáng nói, chất có màu xanh được dùng làm cho sả có màu sắc bắt mắt, nếu là màu công nghiệp thì cực kỳ nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm các kim loại nặng, có thể gây ung thư, gây quái thai ở các thế hệ sau.

Bộ Y tế kiểm tra mua bán hóa chất tại chợ Kim Biên
Ngày 24.1, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đi kiểm tra đảm bảo ATTP tại TP.HCM. Đoàn đã đi kiểm tra nguồn gốc hóa chất tại một số sạp trong và ngoài chợ Kim Biên (Q.5); kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm của Công ty Vissan.
Chiều cùng ngày, đoàn làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP.HCM về công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2018. Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn TP cung cấp nhiều thực phẩm an toàn cho người dân, bởi nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tạo ra thực phẩm an toàn để người dân tích trữ dùng tết. Thứ trưởng đề nghị TP tiếp tục phát triển chuỗi ATTP; tập trung công tác thanh tra; phát huy mô hình, cách làm mới ngoài kiểm soát nguồn gốc thịt heo, gia cầm thì tập trung vào chợ truyền thống, thức ăn đường phố. Thứ trưởng chỉ đạo TP đánh vào trọng tâm, trọng điểm đó là hóa chất bảo vệ thực vật…

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)