Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sắc diện nông thôn mới: Bài 1: Những con đường, ngôi trường từ lòng dân

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh Trường THCS Xuân Thới Thượng vui chơi, học tập trong Cụm văn hóa – thể thao Xuân Thới Thượng

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, hầu như những người trực tiếp tham gia đều bị động, lúng túng do chưa hề có mô hình trước đó nên phải mất một thời gian để định vị các bước và hướng đi.

Với “lợi thế” riêng mình, ngay từ khi thực hiện NQ 26, TP đã có quyết tâm, lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, việc nhân dân chung sức – đồng lòng đã giúp cho các huyện ngoại thành thay da đổi thịt.

Hiến đất làm đường, trường, trạm

Một trong những cá nhân tiêu biểu cho việc hiến đất mở đường của huyện Hóc Môn là bác Phạm Văn Cáo (xã Xuân Thới Thượng). Gia đình 4 đời gắn bó trên mảnh đất ông bà để lại với 2.000m2, hàng năm cũng giúp cho gia đình ông có thu nhập ổn định từ vườn cây ăn trái, rau màu. Tuy nhiên, con đường đi vào khu dân cư nhỏ hẹp, chỉ đủ một xe máy đi qua. Vào mùa mưa học sinh tới trường thì bì bõm lội nước, quần áo lấm lem. Những hình ảnh đó làm bác xốn xang. Sau khi bàn bạc cùng con cháu, anh em trong gia đình, có một số ý kiến nói hiến đất là mất tiền tỷ, nhưng bác Cáo đã kiên trì thuyết phục, để gia đình trên thuận dưới hòa, nhận ra cái lợi cho bà con, hàng xóm nên đồng ý để hiến 1.500m2, chỉ giữ lại 500m2 vừa là chỗ gia đình ăn ở, sinh hoạt và thờ tự ông bà.

Chiều về, hai tuyến đường Xuân Thới Thượng – 41 và Xuân Thới Thượng – 18 được tôn cao, trải nhựa phẳng lì, mặt đường rộng thênh thang xe cộ ngược xuôi, từng nhóm học sinh tan học về rộn rã tiếng cười vui vang trên thôn xóm. “Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, thấy tôi hiến cho Nhà nước cả ngàn mét vuông để làm đường, thời điểm lúc đó 5 triệu đồng/m2, tính ra cũng đến tiền tỷ, nhiều người cho tôi là gàn dở. Nhưng đến giờ tôi vẫn cho mình là đúng, không hối tiếc một điều gì. Tôi làm vậy vì muốn đóng góp phần nhỏ công sức cho xã hội. Vì đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, mỗi người có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM sẽ giúp cho chính đời sống của mình tốt hơn”, bác Phạm Văn Cáo thổ lộ.

Học sinh Trường THCS Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn, TP.HCM) vui chơi trong khu trung tâm TT-VH vừa được xây dựng theo chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố

Chúng tôi đến thăm nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông (79 tuổi, ngụ ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi). Người mẹ tiêu biểu của “Đất thép thành đồng”, ngoài việc hiến đất mẹ còn vận động con cháu trong gia đình cùng hiến đất để huyện, xã làm đường nông thôn, làm trường. Mới đây nhất, hai người con mẹ Nông cũng vừa hiến 800m2 đất để làm đường. Nhai trầu bỏm bẻm, tiếng cười rộn rã, khi được hỏi vì sao mẹ lại đồng ý hiến đất, mẹ Nông nói: “Mẹ và các con hiến đất cho Nhà nước làm đường, làm trường để bà con có đường đi lại rộng rãi, thuận tiện, các cháu học sinh có được những ngôi trường mới. Đời mẹ vất vả nhưng tự hào vì đã hiến dâng cho đất nước những “núm ruột – mang nặng đẻ đau” còn không tiếc, thì tiếc chi một ít đất vườn mà vì nó mà bà con, lối xóm phải khổ”.

Tới gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng – người hiến trên 2.500m2 đất để Nhà nước xây Trường Tiểu học Trung Lập Thượng. Ông Hoàng nói: Nếu tính quy đổi ra giá tiền, lô đất đó của ông cũng trên 3 tỷ đồng nhưng ngôi trường cho con cháu mình đi học xập xệ, xuống cấp đã lâu muốn xây được trường mới phải có sự chung tay của các hộ dân có đất trong quy hoạch xây trường. “Xã nhà có dự án xây Trường Tiểu học Trung Lập Thượng từ lâu nhưng do vướng trong nhiều khâu mãi mà không xây được. Không ngần ngại, luyến tiếc, tôi quyết cái rụp, hiến đất cho huyện ngay, nhìn ngôi trường xinh đẹp, con cháu tới trường quần áo sạch sẽ, học tập ngày càng tiến bộ, giỏi giang, tôi vui lắm nếu Nhà nước cần thêm đất tôi tiếp tục hiến cho Nhà nước”, ông Hoàng quả quyết.

Đóng góp to lớn của nhân dân

Từ một vùng đất bị bom đạn chiến tranh cày xới đến hoang hóa, qua thực hiện chương trình, xã Thái Mỹ (Củ Chi) đã “thay da đổi thịt”. Không đợi chúng tôi hỏi, ông Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ khẳng định ngay: “Từ một vùng đất nghèo nàn, đất còn hoang hóa, cằn cỗi chưa được khai phá, chỉ toàn nhà tranh – vách đất, đường đi chỉ là lối mòn rộng từ 1-1,5m mưa thì đường lầy lội, nắng thì bụi mù. Thực hiện đề án xây dựng NTM của TP, bằng sự chung sức đồng lòng của toàn dân đến nay, các tuyến đường giao thông nông thôn đã được ủi hoang thiết lập nền hạ và nhựa hóa, ven hai bên đường toàn cây xanh, nhà nhà ngói đỏ… Sự thành công đó không thể thiếu sự đóng góp to lớn của nhân dân xã nhà”.

Bác Phạm Văn Cáo – người nông dân hiến đất tiêu biểu của huyện Hóc Môn

Tính đến tháng 8-2015, TP đã huy động được 19.650 hộ dân hiến 2.014.690m2 đất để làm đường, xây trường, làm thủy lợi…, quy giá trị trên 1.455,2 tỷ đồng.(nguồn UBND TP.HCM).

Thích thú với những trang thiết bị phục vụ cho việc vui chơi, rèn luyện sức khỏe tại Cụm văn hóa – thể thao của xã nhà, em Nguyễn Hoàng Trang (lớp 7/3, Trường THCS Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) hồ hởi: “Con và các bạn vui lắm, trước đây xem trên ti vi thấy các bạn ở nội thành thật sướng, nào công viên, vườn thú, khu vui chơi… con và các bạn ai cũng mơ ước cuối tuần được về nội thành tới những nơi này vui chơi cho thỏa thích. Còn bây giờ, không phải đi đâu xa, ngay tại trung tâm xã chúng con đã được đáp ứng nhu cầu này”. Tận mắt chứng kiến cảnh vui chơi của các cháu học sinh, lòng dâng lên một niềm vui khó tả, ông Nguyễn Minh Thảo – Giám đốc Trung tâm Thể dục – thể thao huyện Hóc Môn nói như khoe: “Trên toàn địa bàn huyện, chúng tôi cũng đã xây dựng đồng bộ nhiều khu vui chơi phục vụ cho người dân, học sinh và thanh niên có nơi sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, Cụm văn hóa – thể thao Xuân Thới Thượng là một trong những cụm được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay đã gần 3 năm, việc tổ chức các hoạt động về thể dục – thể thao – văn hóa cho nhân dân các xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Đông và Bà Điểm đạt hiệu quả cao, qua đó cũng giúp huyện tuyển chọn được nhiều vận động viên xuất sắc”…

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

LTSTP.HCM có 5 huyện với 58 xã nông thôn (2 xã đô thị hóa) và 5 thị trấn với diện tích trên 1.600km2, dân số trên 1.500.000 người. Mặc dù, đây là một bộ phận cấu thành của một đô thị lớn – đô thị đông dân nhất trong cả nước và có vai trò là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa xã hội của khu vực. Nhưng đời sống người dân các huyện ngoại thành vẫn còn những khoảng cách lớn so với các quận nội thành, trong đó có chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng từ khi TP.HCM thí điểm thực hiện mô hình Xây dựng nông thôn mới (NTM) của Trung ương, sau đó mở rộng ra các xã khác, đời sống nhân dân về văn hóa –  giáo dục – dạy nghề – thu nhập… có sự thay đổi rõ rệt, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn – thành thị…

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)