Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sắc diện nông thôn mới: Bài 2: Đào tạo nghề – Trao cho nông dân “cần câu cơm”

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, đặc biệt là dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao… đa số lao động nông thôn tại các huyện ngoại thành sau đào tạo đều có việc làm, tăng thu nhập và không ít người thoát nghèo, làm giàu bằng chính nghề mình đã học.

Dám làm mới thoát nghèo

Tìm tới trang trại nuôi bò sữa của anh Huỳnh Văn Chánh (SN 1980, ấp Trung Việt, Phước Hiệp, Củ Chi), một trong những nông dân tiêu biểu, điển hình trong vươn lên thoát nghèo, rồi trở thành một chủ trang trại gần 5 hécta. Không rào trước đón sau, anh Chánh bộc bạch: “Phải đi làm thuê cho người thân với công việc chính là nuôi bò và vắt sữa. Sau 6 năm làm thuê, tiền nợ của gia đình vẫn không trả hết, mà sức khỏe của cha mẹ ngày một suy giảm. Được người thân và Hội Nông dân xã giúp đỡ cho đi học nâng cao kỹ thuật về nuôi bò sữa và hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ của TP, tôi quyết định ra làm riêng, sau một thời gian “chật vật” nhưng không bỏ cuộc, hiện tại, đàn bò của tôi đã có 100 con, dự tính từ nay đến cuối năm tôi sẽ mở rộng trang trại nuôi bò của mình khoảng 5 hécta”.

Tương tự, con đường thoát nghèo vươn lên làm giàu của anh Lê Văn Sáu (SN 1965, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) cũng nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhớ lại cuộc sống gia đình trước đây, anh Sáu chia sẻ: “Cả gia đình sống bằng nông nghiệp, vốn không có, chuyên môn cũng không nên cuộc sống ngày càng chật vật, khó khăn, nguồn thu không đủ. Không thể cam chịu mãi cảnh nghèo, anh quyết tâm phải làm giàu bằng chính đất đai của mình. Cơ hội đến khi năm 2010 anh được hỗ trợ vay vốn mua bò, tham gia vào Hội Nông dân của xã, anh Sáu có cơ hội được dự các lớp dạy nghề, lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và nuôi bò sữa. Được tập huấn tốt, kết hợp với kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi đến nay gia đình anh đã có thu nhập ổn định với 3.000m2 rau sạch an toàn, thu nhập 6 triệu đồng/tuần (chưa trừ chi phí) và 7 con bò sữa.

Anh Huỳnh Chí Công (xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM) với trại nuôi rắn mỗi năm thu lợi hơn 500 triệu đồng

Điển hình trong số những xã làm tốt công tác dạy nghề, giảm nghèo tăng hộ khá, nâng cao thu nhập cho người dân phải kể đến xã Tân Phú Trung (Củ Chi). Bà Phan Liên Trì – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tính đến nay, xã đã lập được 12 dự án cho vay từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo gồm 28 hộ vay với số tiền 434 triệu đồng. Đối với công tác thực hiện chính sách xã hội ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho trên 1.000 người trong độ tuổi lao động”.

Trao cho nông dân “cần câu cơm”

Anh Huỳnh Chí Công (SN 1980 ở ấp 6 xã Phước Vĩnh An, Củ Chi) trước khi trở thành ông chủ của trang trại nuôi rắn, thỏ…, mang lại lợi nhuận hàng năm khoảng 500 triệu đồng tiền lời và tạo việc làm cho 12 lao động trong xã lại có cách thoát nghèo khác, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng/người. Học hết cấp 3, gia đình quá khó khăn, cha lại bị tật. Đối mặt với cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, gia đình sẽ không thể khá lên nếu lao động chính như anh vẫn mãi đi làm thuê. Thế rồi, anh Công quyết định không đi học nghề nuôi thỏ và rắn. Sau đó vay mượn tiền từ họ hàng, từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo… anh Công “quy hoạch” ruộng nông nghiệp của mình thành trang trại nuôi rắn, thỏ, ếch và trồng xen kẽ cây, trái… “Tiền đầu tư ban đầu dù có cao đôi chút nhưng nhanh thu hồi vốn, hiện tại trừ hết chi phí, tôi còn lãi từ thỏ, rắn… khoảng gần 500 triệu đồng mỗi năm”, anh Công “bật mí”.

Thu nhập bấp bênh vì giá nông sản không ổn định “được mùa mất giá”, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (ấp Ba Sòng, An Nhơn Tây, Củ Chi), đã quyết định phá bỏ 5 hécta cây cao su để chuyển sang làm trang trại trồng hoa lan và bây giờ có lời 2 tỷ đồng/năm. Chị Huyền còn có cách giúp mọi người làm giàu theo đúng tên trang trại hoa lan của mình. Chị Huyền kết hợp cùng Hội Nông dân TP, hỗ trợ cho các hộ dân trong và ngoài huyện về kỹ thuật, giống và kinh nghiệm của mình trong việc trồng, chăm sóc hoa lan.

Ông Dương Văn Nhân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM đúc kết: “Để nông dân và người lao động của các xã ngoại thành có được công việc ổn định thì điều quan trọng nhất là “trao cho họ cần câu cơm”, đây chính là cách giảm nghèo bền vững! Do đó, hội đã kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn, đúng theo thuận lợi của từng địa phương. Từ khi thực hiện đề án, đã hỗ trợ cho gần 54.000 lượt lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,5%”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)