Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sắc diện nông thôn mới: Bài cuối: Nền tảng để hiện đại hóa nông thôn đô thị

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể khẳng định: Kể từ khi chính thức phát động và thực hiện vào năm 2010, Đảng bộ – Chính quyền cùng Nhân dân TP.HCM đã luôn nỗ lực, thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), giúp TP  giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước.

Khu vực nông thôn ngoại thành ngày càng có diện mạo khởi sắc, đời sống người dân khấm khá, tốt đẹp hơn. Trong 5 năm, TP đã huy động tổng lực đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau với giá trị gần 42.000 tỷ đồng để thực hiện 7.804 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, trường học, chợ, bưu điện, CSVC văn hóa, nhà ở…

Vui và sung sướng lắm

Chúng tôi tới xã Nhị Bình (Hóc Môn) và ngạc nhiên thấy hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đã có những bước tiến vượt bậc. Đầu tiên là Trường TH Võ Văn Thặng được xây dựng với qui mô 1 trệt 3 lầu, gồm 35 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại với tổng vốn đầu tư xây dựng là 130 tỷ đồng, đây là ngôi trường TH hiện đại bậc nhất của huyện Hóc Môn. Gương mặt biểu lộ niềm hãnh diện, cô Lương Thị Hồng – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Trước đây, TH Võ Văn Thặng chỉ có 10 phòng học nhưng nằm rải rác ở ba phân hiệu, mỗi nơi chỉ có vài ba phòng học, tất cả các phòng chức năng khác như thư viện, thiết bị đều dồn cả vào một phòng. Sau khi được khởi công năm 2014, đến đúng ngày khai giảng năm học mới 2015-2016, ngôi trường khang trang – hiện đại được khánh thành, ngoài phòng học, trường còn được trang bị 3 phòng vi tính, phòng media với 108 máy tính, thư viện hiện đại, nhà thi đấu đa năng, hội trường… đảm bảo chất lượng để cô và hơn 1.100 học sinh của trường thi đua dạy tốt – học tốt, xứng đáng với niềm tin yêu, trao gửi của các cấp lãnh đạo”. Ông Phạm Văn Tới – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp 4 (xã Nhị Bình – Hóc Môn) – bật mí: “Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng Trường TH Võ Văn Thặng, khách bộ hành khi qua đây đều dừng lại chụp hình làm kỷ niệm, hỏi thì họ nói: Trường thật đẹp, chúng tôi cũng ước mong sao quê mình có được ngôi trường như thế này…”. 

Để có được ngôi trường này, đích thân ông Tới phải tìm tới những hộ gia đình nằm trong diện giải tỏa, động viên, thuyết phục nhưng đâu phải ngày một ngày hai là được. Có ba hộ dân với diện tích đất bị giải tỏa gần 10.000m2, nhất quyết không chấp nhận mức giá đền bù của Nhà nước, mà phải là giá thị trường. Ông Tới kết hợp cùng xã, huyện tìm về tận gia đình của họ (người ở Q.3, người ở Tân Bình), thấy ông và mọi người đến nhiều, kiên trì thuyết phục, họ nói thẳng: Chấp nhận giá đền bù này, không phải vì tiền mà chúng tôi nể các anh, chị đã tận tâm vì giáo dục, vì các cháu học sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo TP.HCM xem các sản phẩm nông nghiệp từ chương trình xây dựng NTM của TP

5 năm xây dựng NTM, ngành GD-ĐT của 5 huyện ngoại thành có 263 trường các cấp với 5.524 phòng học, đã có 58 trường học đạt chuẩn quốc gia về CSVC. Đã giúp cho con em nhân dân ngoại thành có điều kiện học tập tốt hơn, rút ngắn khoảng cách so với các quận nội thành. Bên cạnh các trường được xây mới, trong 5 năm qua các huyện đều tiến hành sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hàng trăm trường của các bậc học để đáp ứng nhu cầu khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia về CSVC… qua đó, tạo niềm tin nơi phụ huynh, đủ điều kiện cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Thành công lớn nhất là lòng dân

Tất cả vì mục tiêu chung – vì chính mình, Nhân dân của 5 huyện ngoại thành đã hy sinh quyền lợi riêng của mình cho con đường, trường học thêm rộng, thêm đẹp… Xúc động trước những đóng góp to lớn của Nhân dân, ông Võ Văn Thưởng – Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM khẳng định: Hiểu được giá trị của từng mét đất, trong giai đoạn đang đô thị hóa mới thấu hiểu được tấm lòng của bà con, đồng thời khẳng định vai trò chủ thể, vai trò đặc biệt quan trọng của người dân trong quá trình xây dựng NTM. “Đô thị hóa càng cao, tình làng nghĩa xóm phải càng sâu. Cán bộ, đảng viên càng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó hơn với người dân, xây dựng mối quan hệ máu thịt với Nhân dân. Đặc biệt phải nhận thức rõ mục tiêu chính của xây dựng NTM nhằm chăm lo cho dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Phải xác định chủ thể của quá trình xây dựng NTM là người dân. Bởi sức mạnh trong dân là sức mạnh lớn nhất – thành công lớn nhất là lòng dân!”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cũng đánh giá cao những cách làm rất thiết thực, những kinh nghiệm hay từ thực tiễn của các địa phương, đơn vị, làm nền tảng để TP đẩy mạnh hơn nữa quá trình nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhấn mạnh đến 5 vấn đề lớn mà TP cần tập trung trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Trong đó, xác định mục tiêu xây dựng NTM phải bảo đảm nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho nông dân ngoại thành, tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đô thị; các địa phương tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy, chi ủy cơ sở, để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn, nhất là xây dựng NTM; nâng cao chất lượng xây dựng các tiêu chí NTM sát với đặc điểm nông thôn đô thị, sát với tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP …

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước về số lượng và chất lượng các chỉ tiêu với nhiều tiêu chí đạt ở mức cao hơn quy định của Trung ương. Kết quả xây dựng NTM ở TP đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước về phát triển kinh tế, xã hội nói chung, xây dựng NTM nói riêng. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm mà TP.HCM cần thực hiện trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020: Cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả gắn với xây dựng NTM bền vững; tập trung ưu tiên nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân chủ động, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Lê QUang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)