Khán giả điện ảnh hẳn chưa quên bộ phim Sắc, giới của đạo diễn Lý An (giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venice năm 2007, với sự tham gia của cặp diễn viên Lương Triều Vỹ – Thang Duy) từng được trình chiếu tại VN thời gian vừa qua. Hẳn đó là một lý do để tìm đọc "ngược lại" tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn nữ Trung Quốc Trương Ái Linh. Sách được NXB Trẻ cho ra mắt dịp đầu tháng 2.2009.
Sắc, giới là tập truyện, trong đó ngoài truyện vừa cùng tên được độc giả chú ý còn có những truyện ngắn Vui hội ngộ, Phận hoa thường, Bó hoa gặp mặt của Ân Bảo Liễm, tập hợp ghi chép Võng nhiên ký, tiểu thuyết Hận đầy vơi.
Dù tác giả không mấy quan tâm đến những vấn đề chính trị, mà tập trung vào những số phận, cá nhân, nhưng những nhân vật nữ trong tác phẩm của Trương Ái Linh cũng mang đậm phong cách của người phụ nữ thời kỳ này, với sự lãng mạn, tinh tế mà yếu đuối, buồn sầu; có khi cứng cỏi mà lại thiếu may mắn và gặp nhiều dang dở. Bối cảnh Thượng Hải – Hồng Kông thời những năm 1920 – 1950 với những đặc trưng về chính trị đáng quan tâm không gần nhưng chưa quá xa để bạn đọc tìm hiểu và cảm nhận về một không gian và thời cuộc ẩn chứa những bất trắc, ngột ngạt và cũng đầy hấp dẫn. Và như nhiều nhận xét của các nhà phê bình, cuộc đời thực đầy bi kịch và đau khổ của nữ nhà văn (cha mẹ ly hôn, cuộc hôn nhân đầu của chính bà cũng tan vỡ vì sự phản bội) đã nhuốm vào tác phẩm của bà một nỗi bi quan thăm thẳm.
Truyện vừa Sắc, giới là câu chuyện về cô sinh viên Vương Giai Chi – người có nhiệm vụ quyến rũ kẻ thù – "tên Hán gian" – bằng vẻ đẹp và thân xác của mình, để từ đó ám sát hắn; nhưng rồi chính những lần ân ái với kẻ phản bội đã khiến cô yêu hắn. Một cái kết bi kịch cho một cuộc tình nhục cảm, hay bản năng sâu xa của con người đôi khi dẫn dắt họ đến những ngã rẽ bất ngờ, cuồng loạn, những hấp dẫn ma mị không thể trông chờ vào một chiếc dây cương…
Ở một sức hút khác, như tờ New York Times nhận xét: "Trương Ái Linh – một tiểu thuyết gia và cây bút truyện ngắn nổi tiếng – người mài sắc những nghiên cứu tâm lý đầy tinh tế và ngôn từ chuẩn xác", là một lý do để người ta tìm đọc văn của bà.
Hạ Minh (Theo TNO)
Bình luận (0)