Ngoài làm lồng đèn, gia đình bà Giao còn may áo bà, phục trang lễ hội |
Từ đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn là trung tâm giao thương, buôn bán của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM. Trong đó, phố Lương Nhữ Học (P.11, Q.5) được xem là cái nôi sản sinh ra những món đồ phục vụ lễ hội, nghệ thuật cải lương, tuồng cổ…
Phố Lương Nhữ Học là con phố chuyên kinh doanh các món đồ trang trí dịp lễ, tết, hội hè… Ở mỗi con phố vốn đã có sự khác biệt độc đáo, về đêm càng nổi bật, lộng lẫy hơn với gam màu tươi trẻ từ các mặt hàng như lồng đèn; xiêm y cung đình; liễn thờ; câu đối…
Thế giới phục trang nghệ thuật
Gọi nơi này là phố chuyên kinh doanh theo mùa bởi mùa nào người ta bán mặt hàng nấy. Vào mùa xuân, những món đồ trang trí, thờ tự trong gia đình như liễn thờ, câu đối, phong bao lì xì… được xem là chủ đạo. Vào mùa Noel thì đâu đâu cũng bày bán đồ trang trí cho đêm Giáng sinh. Đặc biệt, cây thông Giáng sinh và những món đồ trang trí đi kèm được bày bán tại đây có độ sắc xảo, ấn tượng không ở đâu bằng. Không chỉ sản xuất để bán cho thị trường TP.HCM mà tất cả các món đồ được làm ra từ phố chuyên doanh theo mùa được phân phối đi nhiều tỉnh, thành gần xa và cả nước ngoài.
Nói đến Chợ Lớn, người ta sẽ nghĩ ngay đến phố Lương Nhữ Học, là địa chỉ chuyên bán phục trang dành cho những người theo đuổi nghệ thuật cải lương và tuồng cổ. Các nghệ sĩ, bầu sô ở rất nhiều nhà hát lớn thường xuyên lui tới để đặt hàng may những bộ xiêm y cung đình, mũ áo… phù hợp với từng vở diễn. Nghệ nhân Lâm Đạt cho biết: “Những món đồ phục vụ cho cải lương, tuồng cổ thì có nhiều người bán nhưng số người làm ra nó nay chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Theo nghệ nhân Đạt, nguyên nhân là do hiện nay ở các nhà hát, đoàn cải lương đã có đội ngũ chuyên làm công việc này. Tuy họ làm không đẹp, thiếu độ tinh xảo, chất lượng hạn chế nhưng phần nào đã đáp ứng được yêu cầu nên người làm nghề này trở nên “rớt” giá.
Vào dịp Tết Trung thu, đi đến bất kỳ con hẻm, góc phố nào ở Chợ Lớn chúng ta có thể nghe tiếng trống lân rộn rã. Mỗi sáng, đến ngã ba Lương Nhữ Học – Hồng Bàng, ta bắt gặp hình ảnh chiếc xe ba gác đạp chở đầu lân, trên xe có người ngồi đánh trống lân đi bán dạo. Mùa này, trẻ con ở Chợ Lớn buổi đi học, buổi còn lại đi dán lồng đèn thuê hoặc tháp tùng những đoàn lân gia đình để kiếm tiền. Phố Lương Nhữ Học còn thu hút khá đông du khách nước ngoài đến chiêm ngưỡng và mua sắm những chiếc lồng đèn ấn tượng.
Chợ Lớn còn nổi tiếng với sản phẩm đầu lân, trống. Không chỉ làm ra những sản phẩm dành cho lễ hội mà nơi đây còn là “lò” đào tạo ra những đội lân sư rồng chuyên nghiệp, danh tiếng. Ông Dương Hoa, một cư dân ở phố Lương Nhữ Học có nhiều năm làm đầu lân tự hào: “Với nghề gì còn lo sợ mai một, không ai nối dõi nhưng nghề làm đầu lân thì bao năm nay vẫn cứ đều đều. Nhiều người có tay nghề lão luyện còn nhận làm theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài, Việt kiều. Số lượng hàng xuất đi không nhiều nhưng cũng phần nào khẳng định được thương hiệu lân sư rồng Chợ Lớn”.
Con phố và giá trị văn hóa
A Lũ là thế hệ thứ 3 trong một gia đình người Hoa có nghề làm và bán đồ trang trí cho biết: “Lúc này buôn bán không bằng trước nữa vì hàng Trung Quốc xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đa số người ta làm là cố để giữ cái nghề truyền thống của gia đình chứ lợi nhuận chẳng được bao nhiêu”. A Lũ cũng cho hay, vào những năm trước, thời gian này (tức gần Tết – PV) làm ngày làm đêm cũng không kịp hàng để bán. Nhưng bây giờ vừa làm vừa chơi vậy mà hàng tồn cả kho.
Bà Ngọc Giao, chủ cửa hàng lồng đèn tỏ ra không lo ngại mấy khi nhiều mặt hàng Trung Quốc dần chiếm ưu thế trên thị trường. Bà Giao nói: “Tiền nào của đó. Người tiêu dùng là những người thông thái, họ luôn suy tính, đắn đo trước khi bỏ tiền mua một món đồ. Hàng giá rẻ chưa chắc đã đảm bảo tiêu chí an toàn, chất lượng. Cho nên, người làm ra các mặt hàng này cần xem lại mẫu mã cũng như chất lượng để sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.
A Lũ tâm sự: “Nếu trước đây, 90% chủ cửa hàng ở phố chuyên doanh theo mùa là người Hoa thì nay nét đặc trưng ấy đã bị phá vỡ bởi nhiều người Việt cũng thuê mặt bằng để buôn bán. Tuy nhiên, về cung cách mua bán vẫn còn đậm chất người Hoa”. Điều mà A Lũ cũng như nhiều người lo ngại là những mặt hàng ngày một cách tân khiến giá trị của các món đồ truyền thống có phần lệch lạc. Cụ thể là chiếc phong bao “lì xì”. “Lì xì” ngày Tết tựu trung là mừng tuổi (bằng tiền) nhằm cầu chúc người nhận gặp nhiều may mắn, phát đạt. “Lì xì” ngày nay được không ít người quan trọng ở chiếc phong bao “độc” hay không “độc”. “Chính cái “độc” ấy đã làm mất đi nét mộc mạc, đơn sơ của chiếc phong bao, từ đó người nhận cũng có cảm giác nhận một món hàng hơn là nhận lời cầu chúc may mắn, phát đạt”, A Lũ giãi bày.
Phố Lương Nhữ Học góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa nói chung và của TP.HCM nói riêng. Qua dòng chảy thời gian, diện mạo của khu trung tâm Chợ Lớn đã đổi thay từng ngày, khu thương mại sầm uất nhưng vẫn còn nguyên vẹn nét cổ kính, hoang sơ. Phố Lương Nhữ Học cũng thế, nó là một minh chứng cho sự thăng trầm của phố chuyên doanh theo mùa độc nhất vô nhị ở Sài Gòn.n
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Đến hẹn lại lên, các nghệ sĩ không chuyên cũng tìm đến để sắm cho mình bộ đồ nghề hợp với từng lễ hội như cúng đình, cúng miếu. Đó là những chiếc áo bà, áo chúa, phục trang dành cho ông Địa, ông Thần Tài cũng như y phục phục vụ cúng tế theo truyền thống của người Việt. |
Bình luận (0)