Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sắc màu văn hóa Gia Lai trưng bày tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 23-10, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Gia Lai khai mạc trưng bày chuyên đề “Gia Lai – Sắc màu văn hóa”.

Đại biểu tham quan di sản văn hóa của Gia Lai trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM

 

Trưng bày gồm 3 phần với hơn 200 hình ảnh, bảng trích, hiện vật giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, công trình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Phần 1 “Gia Lai – Cao nguyên xanh” giới thiệu đến công chúng khái quát về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thành phần các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trong đó nổi bật là các danh lam thắng cảnh nổi tiếng được thiên nhiên ban tặng như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng Đạo gắn với phong trào nông dân Tây Sơn, Di tích khảo cổ học cấp quốc gia đặc biệt Rộc Tưng – Gò Đá – một trong những cái nôi của lịch sử nhân loại.

Phần 2 “Nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar” giới thiệu hai nghề thủ công truyền thống của của đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar ở Gia Lai đó là nghề đan lát và nghề dệt thổ cẩm. Nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar đã và đang phát triển mạnh, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa lưu giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trên miền đất đại ngàn.

Các bạn trẻ tìm hiểu nghề đan lát

Phần 3 “Các di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh” giới thiệu 3 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Bahnar ở 4 huyện phía Đông của tỉnh và Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.

Trong đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu của nhân loại vào ngày 25-11-2005.

Theo bà Đoàn Thị Trang – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng TP.HCM, trong nhiều năm qua, được sự chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện về mọi mặt của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, song song các hoạt động tại đơn vị, công tác phối hợp về chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng TP.HCM được thực hiện đồng bộ, rộng khắp, góp phần giới thiệu lịch sử, văn hóa TP đến đông đảo công chúng tại các tỉnh thành trong cả nước và ngược lại.

Khách tham quan các hiện vật được trưng bày

Theo đó, Bảo tàng TP.HCM có những trưng bày, triển lãm và nhiều hoạt động với các hội, ngành, bảo tàng, di tích với nhiều tỉnh thành khác.

Cụ thể, năm 2023, bảo tàng đã có tuần lễ giới thiệu không gian văn hóa TP.HCM đến với người dân Gia Lai tại “Ngày hội di sản văn hóa”.

“Hôm nay chúng tôi chuyên đề “Gia Lai – Sắc màu văn hóa”. Mong rằng trưng bày sẽ tiếp tục là cầu nối để chúng tôi có cơ hội kết nối, gắn bó với tất cả các đơn vị trong công tác gìn giữ, lan tỏa và viết tiếp những câu chuyện về lịch sử, văn hóa của đất nước mình”, bà Trang chia sẻ.

Trưng bày diễn ra từ ngày 23-10 đến 10-11 tại Bảo tàng TP.HCM.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)