Nói đến miền Tây, nhiều người sẽ nghĩ đến chợ nổi, chợ cá hay những đặc trưng của miền sông nước… Và cũng tại vùng đất này, từ hàng chục, hàng trăm năm về trước nhiều chợ gạo đã được hình thành, trong đó duy trì và hoạt động ổn định lớn nhất là chợ gạo Bà Đắc. Chính sự phồn thịnh và phát triển từng ngày, nơi đây đã trở thành chợ gạo lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – đầu mối cung ứng gạo cho các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu khắp năm châu…
Thương lái đang chuyển lúa về nhà máy chà thành gạo
Bức tranh quê miền sông nước
Xuôi theo QL1 từ TP.HCM khoảng 100 cây số, chúng ta sẽ dễ dàng đến với chợ gạo Bà Đắc (thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Nếu đến đây vào sáng sớm, đứng trên cầu Bà Đắc, du khách sẽ thấy được cảnh buôn bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, sôi nổi trên đường bộ lẫn đường thủy. Mặt tiền của vựa gạo nằm ngay trên QL1, mỗi ngày khu vực này có hàng trăm chiếc xe tải các loại đậu chật kín bên đường để vận chuyển gạo về các tỉnh, thành hoặc đưa thẳng về cảng Sài Gòn xuất đi các nước. Phía sau, chợ gạo tựa lưng vào con sông An Cư uốn thành một vòng cung, trải dài tạo nên “thế trận” trên bến dưới thuyền. Với lợi thế ấy mà nhiều thập kỷ qua đã giúp cho chợ gạo Bà Đắc trở thành đầu mối mua bán gạo lớn nhất ĐBSCL, không chỉ thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của một vùng đất yên bình, mộc mạc, thấm đậm nghĩa tình của người miền Tây sông nước.
Công nhân đang chuyển gạo lên dây chuyền chuyển lên xe tải
Chợ gạo Bà Đắc có từ bao giờ và năm nay bao nhiêu tuổi thì không ai nhớ rõ. Trong ký ức của chú Tèo (60 tuổi, người dân sống lâu năm ở đây) thì khu vực này ngày xưa rất sầm uất, chủ yếu là trồng các loại cây ăn quả lâu năm. Cả khu vực chỉ có duy nhất vựa trái cây của ông Hai Đức. Trồng trái cây đôi khi cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu thu hoạch vào những vụ mùa nên thu nhập cũng không mấy khấm khá, còn chủ vựa trái cây cũng không có hàng để giao mỗi khi hết mùa. Thấy vậy, ông Hai Đức nghỉ vựa trái cây chuyển sang vựa gạo. Vựa gạo của ông Hai Đức đã khởi đầu cho vựa gạo Cửu Long, Tấn Tài và hàng loạt vựa gạo khác liên tục ra đời, kéo dài từ cầu An Cư đến cầu Bà Đắc gần 4 cây số. Bên cạnh các vựa gạo, là những nhà máy chà gạo. Theo thời gian, những nhà máy này thấy nơi đây không phù hợp để hoạt động nên chuyển sang nơi khác, nhường chỗ lại cho nhà máy lau gạo và vựa gạo. Nhận thấy làm vựa “có ăn”, cuộc sống người dân được ấm no, khá giả, khu bến Đá (thuộc ấp An Thạnh, xã An Cư, huyện Cái Bè), trước đây trồng cây, trồng lúa cũng chuyển sang làm vựa. “Từ khi lên vựa, cuộc sống người dân nơi đây khá giả hơn, những người không có nghề nghiệp cũng có công ăn việc làm, đời sống ấm no, hạnh phúc” – chú Tèo hồ hởi cho biết.
Mỗi ngày, chợ gạo Bà Đắc hoạt động từ sáng đến tối, những vụ mùa các vựa giao dịch luôn cả ban đêm để không ảnh hưởng đến chất lượng của gạo. Để gạo đảm bảo tiêu chuẩn, những vựa gạo còn đầu tư máy lau, máy lọc tạp chất… cho hạt gạo được sáng, bóng bán ra có giá. Theo chị Trần Thị Hiệp (thương lái đến từ Phú Tân, An Giang) việc mua bán gạo lên xuống từng ngày, thậm chí từng buổi, từng giờ. Thường giá cao vào buổi sáng, còn chiều thì đôi khi bị tuột nên mua bán cũng phải biết nắm bắt thị trường.
Chợ gạo Bà Đắc có đầy đủ các loại gạo, từ Hàm Châu, Đài nguyên cho đến gạo lứt, nếp, đa số được thu từ nhà vườn các tỉnh thành ĐBSCL, nhiều nhất là Đồng Tháp, Long An, An Giang… Chính vì sự đa dạng chủng loại gạo nên chợ gạo Bà Đắc đã trở thành nơi cung cấp gạo hàng đầu của cả nước, thậm chí còn được xuất khẩu sang cả các nước châu Âu. Một điểm đặc biệt là chợ gạo Bà Đắc thuộc nằm lòng hết tình hình lúa gạo của người nông dân, muốn biết năm nay loại lúa nào được trồng nhiều, thị trường lúa, gạo thế nào… những người mua bán gạo ở khu vực chợ gạo Bà Đắc đều biết. Anh Nguyễn Văn Nam (công nhân lâu năm ở ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh) cho biết: “Lượng gạo đổ về nhiều nhất là mùa hè thu và đông xuân, còn bình thường chỉ đủ để cung ứng cho thị trường, nhiều lúc hút hàng, giá cả tăng cao, thu nhập của công nhân cũng tăng theo, nuôi sống được vợ, con”.
Áp dụng công nghệ để theo kịp thời đại
Khi công nghệ chưa phát triển, các vựa gạo phải thuê nhân công rất nhiều để lao động. Anh Phạm Thành Lãnh (47 tuổi, ngụ ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A) nhớ lại: “Hồi trước người công nhân phải vác gạo lứt từ ghe lên nhà máy để lau thành gạo trắng, sau đó tiếp tục vác lại xuống ghe hoặc lên xe chuyển đi phân phối, công việc rất vất vả, nếu người nào không có sức khỏe thì không cầm cự nổi vì mỗi bao gạo có trọng lượng đến 50kg. Còn giờ, công việc nhàn hơn, mọi thứ đều dùng máy móc, dây chuyền, nên người công nhân chỉ cần đưa hàng lên dây chuyền và sắp xếp lại cho ngay ngắn là được, vì lẽ đó nên mỗi vựa gạo cần vài công nhân là đủ”.
Việc áp dụng công nghệ còn giúp quy trình sản xuất gạo nhanh, đảm bảo chất lượng hơn, bán chạy hơn.
Từ khi hình thành đến nay, chợ gạo Bà Đắc trải qua không ít thăng trầm, thử thách đó là những lúc gạo lậu xâm nhập vào thị trường, những lúc lúa, gạo tuột đến ngưỡng thấp nhất khiến cuộc sống người dân lao đao… nhưng bằng sự cần cù, chịu khó vươn lên cũng như tính nhẫn nại, dẻo dai của người miền Tây sông nước và đặc biệt là ứng dụng CNTT vào từ khâu sản xuất – thu gom – giao dịch – xuất khẩu… đã giúp chợ gạo Bà Đắc lấy lại vị thế. Chợ gạo ngày càng phát triển, sung túc, thịnh vượng, trở thành con đường huyết mạch tiếp sức cho các phương tiện vận tải vận chuyển lúa, gạo đi khắp nơi với hàng triệu tấn gạo được giao dịch/năm và đã có mặt khắp năm châu.
Nhiều người dân khu vực chợ gạo Bà Đắc nói vui, khu này hưng thịnh, bán đắt nhờ vào cái tên. Thêm vào đó là xã An Cư (có an cư mới lạc nghiệp – PV) nên ai sống khu vực này cũng có cơm ăn áo mặc. Những người không buôn bán gạo cũng có thu nhập nhờ vào cho thuê bến, bán quán cơm, quán nước mỗi ngày. Nếu tiếp tục phát huy tiềm năng này, trong tương lai, chợ gạo Bà Đắc sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa… quan trọng của cả nước.
Ghi chép của Hồ Sông Hậu
Bình luận (0)