Mùa xuân đang đến theo từng bước đi. Có bước đi xông xáo của tuổi trẻ, có bước đi thận trọng của tuổi già. Ngành giáo dục cũng có nhiều bước đổi mới, tuy rằng lúc nhanh, lúc chậm. Việc đổi mới là cần thiết nhưng không phải cứ thấy mới… là đổi.
Muốn đổi mới giáo dục cần sự quyết tâm của toàn ngành, của từng người trong từng vai trò cụ thể. Ảnh: Anh Khôi
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển chương trình của các nước tiên tiến, trong đó đổi mới phương pháp dạy học là một giải pháp được xem là then chốt, có tính đột phá cho việc thực hiện chương trình này. Khi áp dụng thay sách giáo khoa mới, người ta thường đặt ra câu hỏi chương trình đã giảm tải chưa, có còn gây áp lực với học sinh không? Nhưng điều chúng ta thật sự trông chờ ở mỗi lần đổi mới là chương trình giáo dục sẽ mang đến điều gì để giúp học sinh cách tiếp cận tri thức chủ động hơn. Liệu có thể học nhẹ nhàng, học thoải mái mà vẫn đạt được điểm số cao? Đó là điều đòi hỏi thật khó và rất vô lý! Áp lực học tập là tất yếu phải có, nhưng làm sao để học sinh chủ động giải quyết áp lực đó thay vì bị động hứng chịu áp lực hoặc buông xuôi, mất động lực học tập.
Hiện nay, giáo viên có nhiều hình thức đánh giá thường xuyên để đánh giá sát năng lực học sinh, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh, khuyến khích các em cải thiện khả năng học tập. Việc thực hiện đánh giá học sinh thông qua các hình thức: Hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập, đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Việc kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức… sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn; chuyển từ chủ yếu đánh giá tổng kết kết quả học tập cuối môn học, khóa học sang sử dụng các loại hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích phản hồi, điều chỉnh quá trình dạy học. Giáo viên có thể kết hợp giữa hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận nhằm phát huy những ưu điểm của mỗi hình thức đánh giá này, cũng như tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá, sử dụng các phần mềm thẩm định, các mô hình thống kê vào xử lý phân tích, lý giải kết quả đánh giá. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy học là một điều cần thiết.
Vai trò của người thầy trong việc tổ chức các hoạt động dạy học là không thể thiếu. Giáo viên cần vận dụng mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến; cùng với việc tổ chức cho người học thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, giao nhiệm vụ và hướng dẫn việc học tập tại nhà, ở ngoài nhà trường. Ứng dụng công nghệ vào dạy học ở nhà trường phổ thông là xu thế tất yếu của giáo dục, nhưng nó vẫn còn là “mục tiêu chiến lược lâu dài”, nguồn nhân lực và trang thiết bị hiện tại không đáp ứng kịp với nhu cầu xã hội. Câu chuyện dạy online mùa Covid cho thấy sự lúng túng của ngành giáo dục ra sao, các giải pháp đưa ra chỉ là giải pháp tình thế. Thầy cô phải “tự bơi” để học sinh không ngồi chơi! Nền tảng số cho giáo dục nước nhà vẫn còn đang bị bỏ ngỏ. Kho học liệu số mà Bộ GD-ĐT cung cấp cho giáo viên cả nước vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Môi trường học tập số vẫn còn xa lạ với nhiều thầy cô và học sinh. Nơi có điều kiện tốt thì làm, chỗ chưa có điều kiện thì “cầm hơi”. Việc ứng dụng công nghệ vào dạy học mang tính tự phát, chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc. Nhưng đến một lúc nào đó thì cái “phụ” này lại trở thành cái ưu tiên, là xu thế của giáo dục hiện đại, ở đó giáo dục là môi trường mở, nơi mà học sinh linh hoạt lựa chọn phương pháp học tập, chủ động tiếp cận tri thức, dễ dàng trao đổi hoặc làm việc theo nhóm. Đây là cái mới, là cái cần nhưng chưa thể nói đổi là đổi. Xây dựng cơ sở vật chất thì không khó nhưng làm thế nào để vận hành, quản lý hạ tầng cơ sở và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thầy cô vẫn còn nhiều trăn trở.
Hiện tại Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ sách giáo khoa chỉ mới là bước khởi đầu. Để thay đổi phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh thì cần xây dựng nhiều kênh tra cứu, hỗ trợ học tập, đưa ra những tài nguyên học liệu mở, khai thác các không gian học tập, các mạng xã hội học thuật… để học sinh và giáo viên “có bột mới gột nên hồ”. Trong khi các bộ sách giáo khoa “viết năm nào biết năm đó” thì liệu chương trình giáo dục có vận hành đồng bộ, giáo viên sẽ tiếp cận ra sao để kịp thích nghi? Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới “đẻ” nhiều tổ hợp, giúp học sinh bậc THPT học ít môn hơn và được lựa chọn nhiều môn học hơn, phù hợp với năng khiếu, sở thích của bản thân. Tuy nhiên, điều này cũng làm phụ huynh, học sinh gặp lúng túng trong việc chọn lớp phù hợp và cũng băn khoăn liệu có được thay đổi tổ hợp môn nếu học sinh cảm thấy không phù hợp sau một thời gian học. Ngoài ra, hình thức thi cử trong những năm tiếp theo vẫn chưa được công bố, càng làm phụ huynh lo lắng việc lựa chọn các bộ môn tự chọn của học sinh có phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân, có đáp ứng được các hình thức xét tuyển hay không?
Thay đổi là một điều không dễ, bởi vì gặp khó khăn, vì những thói quen sẵn có. Nhưng để đi đến thành công thì cần phải kiên trì. Kế hoạch năm học diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi và đang đi đúng lộ trình đã đặt ra, dù rằng vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; một số vấn đề liên quan đến chuyên môn, tổ chức dạy và học tại các trường, thu, chi tài chính, văn hóa học đường… Những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cần cùng nhau trao đổi để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả. Thầy cô cần chủ động, hiểu thật sâu, thật kỹ bản chất về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tìm ra sự khác biệt giữa chương trình hiện hành và chương trình mới, từ đó mới có thể triển khai một cách tốt nhất. Những giá trị mà giáo dục mang đến cho người học sẽ là hành trang để hòa nhập vào cộng đồng, đáp ứng các yêu cầu nguồn lực của xã hội. Làm sao để nhiệm vụ của giáo dục phải bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn, còn mục đích giáo dục nhất thiết phải hướng tới phục vụ mọi vấn đề cấp thiết của cuộc sống. Đây là những đòi hỏi cấp thiết, là định hướng đổi mới của giáo dục. Chúng ta rất trông chờ Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cho học sinh tiếp cận được phương pháp học tập tích cực của các nền giáo dục tiên tiến. Những thập niên gần đây, qua nghiên cứu tình hình xã hội hiện đại, các nhà giáo dục đã đi đến quan điểm thống nhất rằng, trường học các cấp nên chú ý và tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện, giúp học sinh có được năng lực tư duy độc lập, tư duy sáng tạo, không bắt chước, sao chép hay làm theo ý tưởng người khác mà phải biết tạo ra cái mới trong khoa học và cuộc sống.
Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Sự đổi mới trong giáo dục cần sự quyết tâm của toàn ngành, của từng người trong từng vai trò cụ thể. Mùa xuân về thật đẹp trên từng cánh hoa khoe sắc.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)