Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Sách chuẩn” chưa chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thay vì áp dụng tài liệu chuẩn kiến thức và kỹ năng môn học vào cuối học kỳ 2 như năm học trước, năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT triển khai áp dụng tài liệu này ngay từ đầu năm học. Theo đó, đầu năm học 2010-2011, các sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn giáo viên dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình THPT. Tuy nhiên, sau khi tham dự buổi tập huấn này, nhiều giáo viên đã lắc đầu ngao ngán về những bất cập trong việc dạy và học theo tài liệu chuẩn.

Dư âm đề thi tốt nghiệp

Nhiều giáo viên, tổ trưởng bộ môn phụ trách môn sử tại các trường THPT TPHCM tâm sự: Sự cố “lệch pha” giữa đáp án và hướng dẫn ôn tập của bộ năm học vừa qua vẫn còn là nỗi ám ảnh của giáo viên và học sinh.
Giáo viên THPT càng thêm quá tải khi dạy theo tài liệu chuẩn.
Cô Nguyễn Hải Hằng, Tổ trưởng bộ môn sử, Trường THPT Trần Phú cho biết: “Chúng tôi vẫn còn giữ văn bản của bộ yêu cầu dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học để không phụ thuộc vào sách giáo khoa (SGK), giảm tải cho học sinh (HS) trong kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng kết quả cuối cùng lại để chính HS của mình thiệt thòi. Do đó, giáo viên cảm thấy “sợ” khi phải áp dụng dạy và học theo chuẩn này”.
Không riêng gì cô Hằng, nhiều giáo viên dạy sử dự tập huấn dạy và học theo chuẩn kiến thức kỹ năng do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tại Trường Bùi Thị Xuân vừa qua cũng bức xúc với vấn đề này. Cô Nguyễn Thị Kim Trang, cựu giáo viên Trường THPT Lương Văn Can cho rằng: “Tốt nhất giáo viên nên dạy học theo kinh nghiệm, bám sát SGK là chính, nhấn trọng tâm bài giảng cho HS, không nên làm theo hướng dẫn của tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng một cách mách móc. Bằng chứng là năm vừa rồi, giáo viên nào ôn tập theo SGK, nhấn trọng tâm bài giảng có kết quả cao, giáo viên nào làm đúng theo hướng dẫn có kết quả thấp”.
Một giáo viên Trường THPT Bà Điểm than thở: “Nếu đầu năm bộ yêu cầu giáo viên dạy học theo tài liệu nào nên thống nhất là sẽ ra đề thi dựa trên tài liệu đó. Đừng để đầu năm, giáo viên dạy theo cách của mình, rồi đến giữa tháng 3, sau khi công bố môn thi tốt nghiệp lại có công văn yêu cầu hướng dẫn ôn tập theo cách khác, khi đi thi lại ra đề khác nữa thì chúng tôi không kịp trở tay”.
Tài liệu chuẩn có nhiều sai sót
Năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT ban hành bộ tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng đối với cả bậc giáo dục tiểu học và trung học vào giữa học kỳ 2. Nguyên nhân của việc biên soạn là do nhiều giáo viên còn thụ động, không có khả năng xác định và bám sát chuẩn tối thiểu dẫn đến việc dạy và học vượt chuẩn đối với HS có trình độ trung bình, dưới trung bình, khiến HS bị nhồi nhét kiến thức, quá tải.
Tuy nhiên, đánh giá về tài liệu này, nhiều giáo viên THPT than thở: “Sách chuẩn mà không chuẩn”. Thầy Nguyễn Mạnh Tiến, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, thành viên Hội đồng bộ môn sử, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Có những kiến thức trong tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng chưa chính xác và có nhiều sai sót”.
Cô Nguyễn Thanh Hằng, Tổ trưởng tổ bộ môn văn Trường THPT Marie Curie nói: “Góp ý thì nhiều, nhưng kết quả vẫn đâu vào đó. Khách quan mà nói chỉ có giáo viên mới hiểu rõ học trò của mình trình độ ở mức độ nào, hiểu chương trình, nội dung bài giảng đến đâu. Khâu biên soạn SGK, phân bố khung chương trình THPT là do Vụ Trung học quyết định, khâu ra đề thi lại do Cục Khảo thí làm. Hai khâu này dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”.
Một giáo viên dạy văn Trường THPT Đông Du bức xúc: “Nói là giảm tải cho giáo viên nhưng tôi thấy việc áp dụng bộ tài liệu này khiến thầy trò chúng tôi càng thêm quá tải. Giáo viên vừa đọc SGK, vừa đọc khung phân phối chương trình các môn học, rồi lại đối chiếu tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng, lọc ra trọng tâm bài giảng. Chưa kể hiện nay, SGK biên soạn có nhiều chỗ đính chính, thậm chí NXB phải phát hành thêm cuốn đính chính các nội dung sai, giáo viên vừa dạy vừa dò lỗi. Nay lại thêm cái gọi là tài liệu chuẩn mà cũng không chuẩn. Ngoài việc phụ trách chuyên môn, các giáo viên còn phải làm công tác chủ nhiệm… mất khá nhiều thời gian, vậy mà còn phải dò từng lỗi của người biên soạn sách. Thật là vô lý”.
Nhiều giáo viên không đồng tình tên gọi của bộ tài liệu này. Theo các giáo viên, đã gọi là tài liệu chuẩn, nội dung, kiến thức biên soạn trong đó phải đạt đến độ hoàn hảo, chính xác. Nhưng những gì trong tài liệu này lại cho thấy  chưa đúng như tên gọi thật sự của nó. Các giáo viên muốn dạy nâng cao, mở rộng cho HS phải dùng thêm SGK và các tài liệu khác hỗ trợ. Thậm chí dùng các tài liệu này để nhặt lỗi và sửa sai cho sách chuẩn.
Từ năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt và triển khai nhiều đề án. Trong đó, việc chuẩn hóa giáo dục cũng sẽ được triển khai trên nhiều lĩnh vực: đánh giá cán bộ quản lý và giáo viên theo chuẩn; chuẩn thiết bị dạy học tối thiểu; các trường đào tạo có chuẩn đầu ra; công tác kiểm định chất lượng cả phổ thông và đại học đều theo tiêu chí chuẩn; các nhà trường phổ thông và mầm non tiếp tục hướng đến chuẩn quốc gia, ban hành bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi… Có thể nói giáo dục VN sau năm 2010 sẽ tiệm cận hơn với “chuẩn hóa” và việc áp dụng dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng cũng nằm trong mục tiêu này. Do đó, việc hoàn thiện và điều chỉnh bộ tài liệu chuẩn này là đòi hỏi bức thiết của ngành giáo dục
NGUYỄN THỦY- ANH KHOA / SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)