Y tế - Văn hóaThư giãn

Sách Đông Dương: Xu hướng và… giẫm chân

Tạp Chí Giáo Dục

Trên Tuần san Indochine năm 1941, Georges Bois công bố bài viết ''Đọc gì về Đông Dương'' nhằm đưa ra một danh mục sách báo về đất nước, con người, lịch sử, tôn giáo, văn minh… An Nam.

Trước G. Bois, từ rất sớm đã có các thư mục về Đông Dương của Barbié du Bocage, A. Landes, A. Folliet, H. Cordier, P. Boudet, R. Bourgeois… nhằm phục vụ cho những nghiên cứu toàn diện về các xứ thuộc địa của đế quốc thực dân Pháp.

G. Bois mở đầu bằng giới thiệu bộ sách hai tập công phu do Maspero chủ biên, đây là bộ sách lớn, khổ to, quy tập những chuyên gia hàng đầu về Đông Dương lúc bấy giờ. Trong danh mục của Bois, đến nay, năm 2020, chỉ có vài đầu sách được dịch ra tiếng Việt: Tỉnh Thanh Hóa (Robequain), Rừng người Thượng (Maître), Người nông dân châu thổ Bắc kỳ (Gourou), Tiểu luận về dân Bắc kỳ (Dumoutier), một phần trích dịch của Lịch sử hiện đại nước An Nam (Maybon), Bắc kỳ tạp lục (A+B), một phần của Gia đình và tôn giáo (Cadière), Nghệ thuật Huế (Cadière và Gras), tập san BAVH (Đô thành hiếu cổ), Vương quốc Champa (Maspero).

Rừng người Thượng của NXB Tri Thức

Nếu làm một thống kê rộng hơn về các đầu sách Đông Dương đã từng xuất bản, sẽ thấy số lượng sách được dịch ra tiếng Việt (từ Pháp ngữ) không bao nhiêu trong kho sách Đông Dương đồ sộ. Nếu chỉ chọn lọc theo thư mục của Bois thôi, chúng ta có thể chọn được khoảng 15-20 đầu sách có nội dung phù hợp để tổ chức dịch và xuất bản. Các tác giả Louis Malleret, Étienne François Aymonier, Georges Coulet, Édouard Diguet, Adrien Launay, Bonifacy, J.C. Baurac… còn nhiều công trình quan trọng khác cần phải khai thác.

“Giẫm chân" nhau trong xuất bản

Một công trình quan trọng xứng đáng có hơn một bản in để độc giả có những lựa chọn tốt nhất cho riêng mình, tuy nhiên hiện cùng lúc xảy ra mấy trường hợp khai thác trùng lặp: Nghệ thuật Huế (Cadière và Gras) với hai bản dịch của Lê Đức Quang (Thaihabooks) và Nguyễn Thanh Hằng (Nhã Nam); Một chiến dịch ở Bắc kỳ (Hocquard) cũng có hai bản dịch của Thanh Thư (Omega+) và Đinh Khắc Phách (Đông A), hai bản dịch Tâm lý dân tộc An Nam của Phan Tín Dụng (Omega+) và Nguyễn Tiến Văn (Nhã Nam)…. Điều này đặt ra câu hỏi: phải chăng các đơn vị xuất bản đang thiếu một đội ngũ khai thác tài liệu bài bản, thiếu một cách làm có hệ thống, thiếu yếu tố chuyên gia thẩm định và tư vấn?

Đông A và Omega+ cùng ra mắt sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ vào tháng 5/2020

Các đơn vị xuất bản khai thác lại trên tinh thần đóng góp cho ngành xuất bản những đầu sách tốt, tuy nhiên nhìn ở góc độ nguồn lực vốn hạn chế của ngành xuất bản thì đó là sự “hao tài nguyên” khi những công trình mới mang tính khai phá, nghiên cứu chuyên sâu đóng góp cho học thuật vẫn còn quá ít.

Dịch sách về Đông Dương từ Pháp ngữ không phải bây giờ mới bắt đầu, có chăng là cùng một thời điểm, các đơn vị xuất bản lập các dự án xuất bản bài bản như “Tủ sách Pháp ngữ”, “Tủ sách Đông Dương”, triển khai tập trung và quy mô hơn trước.

Các đơn vị xuất bản quan tâm và có xuất bản phẩm cũng đông đảo hơn: Omega+, Nhã Nam, Đông A, Thaihabooks, Maihabooks, NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Văn hóa – Văn nghệ. Có lẽ, khai thác mảng sách Đông Dương đang là xu hướng trong vài năm tới vì những tiềm năng to lớn về kinh doanh và đa dạng thể loại đề tài.

Sách Đông Dương – một giai kỳ lịch sử

Sách về Đông Dương nói chung, do người Pháp viết, đa lĩnh vực, thượng vàng hạ cám. Các tác giả thuộc mọi thành phần: bác sĩ, thừa sai, quân nhân, thông tín viên, du khách, nhà văn, nhà giáo dục, quan chức thuộc địa, chính trị gia, nhà nghiên cứu… Sách được viết dưới nhiều thể loại: hồi ký, văn chương, tiểu luận, du ký, ghi chép tản mạn những quan sát thoáng qua, tường trình, khảo cứu.

Tựu trung, không ít sách được viết ra để phục vụ công cuộc mở rộng thuộc địa của người Pháp, để người Pháp hiểu và cai trị tốt người bản xứ… Do vậy sách thường tập trung vào vấn đề tìm hiểu lịch sử văn minh xứ sở, văn hóa và đời sống tinh thần của người Việt.

Người Pháp, trong nhiều vai trò khi đến Việt Nam đã cố gắng hiểu một dân tộc khác, hiểu Đông Dương với những khác biệt về văn hóa, qua con đường giao lưu văn hóa Đông – Tây, qua sứ mệnh khai hóa mà họ là những người đi chinh phục.

Chính từ sự cố gắng hiểu người khác của người Pháp, chúng ta nhìn thấy một thế hệ những người Việt vươn lên sánh vai với họ để hiểu chính mình, hiểu cùng: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế Bính, Lương Đức Thiệp…

Những quan sát gần, từ bên ngoài và đa dạng, được ghi chép dưới ngòi bút kẻ cả không khoan nhượng, của “chủng tộc thượng đẳng” nhân danh “khai hóa văn minh” mà họ tự nhận, mô tả và nhận xét về đời sống, phong tục, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, văn minh… người Việt thật sự sống động dù đôi chỗ mang tính trịch thượng. Ngày nay, chúng ta đọc lại những ghi chép đó, thấy nhiều mô tả vẫn còn đúng, nhiều nhận xét xác đáng; cùng với đó là một số nhận định mang tính chủ quan, phân biệt chủng tộc và sai lệch…

Voyage d’exploration de Huê en Cochinchine, par la route mandarine xuất bản năm 1889

Camille Paris, người chịu trách nhiệm xây dựng đường điện tín Trung kỳ, đã viết trong “Lời nói đầu” cuốn sách Voyage d’exploration de Huê en Cochinchine, par la route mandarine (Hành trình thám hiểm từ Huế vào Nam kỳ bằng đường cái quan – xuất bản ở Paris năm 1889) rằng: “Mục đích duy nhất của tôi khi biên soạn cuốn sách này là thuật lại hai năm làm việc đầy nhiệt huyết mà đam mê. Tôi mong muốn cuốn sách này được công bố, nó sẽ nhanh chóng được hoàn thiện và sẽ có những tác phẩm khác vượt xa.”

Nhiều tác phẩm cũng được viết ra trên tinh thần đó, có tác giả ở Việt Nam được vài tháng, vài năm, có người lựa chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của họ và chết trên mảnh đất này. Phải trái, đúng sai chúng ta không thể lấy lăng kính, tư duy khoa học hiện đại và tinh thần dân tộc để phủ nhận những gì đã viết ra cách đây trên dưới trăm năm. Những di sản của một thời đoạn đó cần được nhận định, chắt lọc, khai thác trên tinh thần phê phán, sàng lọc kỹ càng.

Gạn đục khơi trong, giải thuộc địa là tinh thần cần có khi tiếp cận kho sách Đông Dương Pháp ngữ, từ nội dung cho đến tranh ảnh. Suy cho cùng, câu chuyện về giáo dục thuộc địa, văn hóa tinh thần người Việt qua lăng kính của người Pháp là một lịch sử giải thực văn hóa tại Việt Nam.

Trong mảng sách khoa học xã hội và nhân văn nói chung, mảng sách Đông Dương nói riêng, các đơn vị xuất bản đang dừng lại ở việc dịch và công bố những ghi chép tản mạn, du ký nặng về tranh ảnh.

Có quá ít những công trình dịch thuật mang tính mới, những nghiên cứu mới từ bên ngoài một cách công phu, bài bản, chuyên sâu. Công tác nghiên cứu trong nước chững lại vì mất đi một thế hệ cha anh. Người làm chuyên môn thiếu vốn ngoại ngữ Pháp, Hán Nôm. Thiếu những nghiên cứu/dịch thuật lớn từ Hàn, từ Nhật.

Chúng ta đang thiếu một cơ chế xuất bản thông thoáng để giới thiệu những nghiên cứu hiện đại của sử gia phương Tây.

Một số sách làm ra khó xin giấy phép xuất bản, dẫn đến tâm lý sợ hãi không dám khai thác, không dám mua bản quyền vì không biết có triển khai xuất bản được không, tâm lý sợ khiến một số đơn vị xuất bản lựa chọn “an toàn” và vô tình bỏ qua những tác phẩm xứng đáng.

Theo Thư Hương/PNO

 

Bình luận (0)