Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sách giáo khoa sau 2015: Giảm hàn lâm, tăng thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo chương trình (CT) tổng thể sách giáo khoa (SGK) sau 2015. Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Ở CT hiện hành, đa số chúng ta quan niệm có kiến thức là có năng lực nhưng CT sau 2015 sắp tới cần xác định rõ để có được năng lực sẽ phải có nhiều yếu tố, trong đó kiến thức và rèn luyện vận dụng kiến thức là quan trọng nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: CT mới tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực của người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Tiếp cận theo hướng năng lực đòi hỏi HS làm, vận dụng được gì, không dừng lại ở yêu cầu HS biết những gì; tránh tình trạng biết rất nhiều nhưng làm, vận dụng không được bao nhiêu, biết những điều rất cao siêu, nhưng không làm được những việc rất thiết thực đơn giản trong cuộc sống thường nhật. Xuất phát từ những yêu cầu đó mà lựa chọn các nội dung dạy học; ưu tiên những kiến thức cơ bản, hiện đại nhưng gắn bó, thiết thực với những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày, giảm đi những kiến thức xa rời thực tiễn, không cần hoặc chưa cần phải trang bị cho HS phổ thông; ưu tiên thực hành/vận dụng, tránh lý thuyết suông; tăng cường hứng thú, hạn chế quá tải.

PV: Vậy CT-SGK mới sau 2015 sẽ thay đổi như thế nào? Đâu là vấn đề “cốt tử” để  CT-SGK mới khác với CT-SGK hiện hành?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: CT mới phải đảm bảo giáo dục toàn diện, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS. CT mới sẽ phù hợp với 2 giai đoạn tương ứng của giáo dục phổ thông. Tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, trang bị kiến thức nền tảng, hình thành cơ bản phương pháp tự học để HS học xong THCS có thể tự học suốt đời; các em biết tự điều chỉnh theo các chuẩn mực đạo đức, văn hóa của xã hội. THCS cũng cần cho HS biết được năng lực và hiểu cơ bản nghề nghiệp ngoài xã hội, để có thể quyết định học tiếp lên THPT hay đi học nghề, làm nghề ngoài xã hội. Như vậy, ở CT mới, xong lớp 9 đã cơ bản xong CT phổ thông, thay vì 12 năm như hiện nay. Do đó, CT sẽ thiết kế nội dung dạy học theo hướng tích hợp, giảm số môn học, những kiến thức liên quan được sắp xếp lại gần nhau, tạo thuận lợi cho việc dạy và học dễ vận dụng tổng hợp kiến thức, dễ hình thành năng lực cho người học.

Giai đoạn 2 là giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT. Giai đoạn này dạy học phân hóa sẽ có ít môn bắt buộc, tăng số môn tự chọn, đồng thời HS sẽ được chọn học các chuyên đề để cung cấp kiến thức nâng cao và để hiểu thêm các nhóm ngành trong đào tạo ở ĐH và ngoài thực tế xã hội. Lớp 10 phân hóa ít, lớp 11, 12 sẽ phân hóa nhiều hơn. Với cách như vậy việc tổ chức dạy học ở THPT sẽ khác bây giờ, phức tạp và khó hơn. Điểm nổi bật của giai đoạn này là CT thiết kế mở để đáp ứng nguyện vọng của HS trong khả năng của nhà trường. Nhà trường có thể phát triển thêm phòng học, tăng giáo viên được đi học bồi dưỡng, có thể mời người ngoài trường về dạy, HS có thể học ở trường lân cận rồi trình kết quả về trường… Do đó, HS được chọn môn, chọn chuyên đề để học dựa vào khả năng riêng của mình trên cơ sở nền chung bắt buộc. Học xong THPT HS hình thành ý thức, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân, ý thức và năng lực hội nhập. Từ định hướng đổi mới CT sẽ được thể hiện vào đổi mới SGK sắp tới.

Các tác giả viết SGK cũng nhận thấy CT hiện hành còn mang tính hàn lâm, nặng về lý thuyết.  Sau 2015, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào ở CT-SGK mới, thưa ông?

CT mới chủ trương tất cả HS đạt được mặt bằng học vấn chung khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 9), đủ trang bị nền tảng tri thức phổ thông và biết cách học để HS có thể học tiếp lên bậc cao hơn hoặc đi vào học nghề, lao động. Tăng cường tích hợp một số môn học ở TH và THCS, nhằm hình thành năng lực tổng hợp và cách giải quyết các vấn đề, đồng thời tránh sự trùng lặp. Theo đó một số môn học như: Lý, hóa, sinh được tích hợp thành môn khoa học tự nhiên (KHTN); tương tự, các môn sử, địa và một số kiến thức về xã hội, kinh tế… tích hợp thành môn KHXH. Yêu cầu phân hóa sâu được thực hiện ở THPT bằng việc học ít các môn bắt buộc, dành nhiều thời gian cho HS tự chọn các môn học/các chuyên đề chuyên sâu/nâng cao gắn với nghề nghiệp, cần cho định hướng nghề nghiệp. CT hiện hành coi trọng tính hệ thống, logic chặt chẽ của kiến thức, của khoa học chuyên ngành nên có phần xa rời thực tế.

Ông có thể nói cụ thể hơn SGK sẽ thay đổi như thế nào không?

Với các môn học tích hợp nhiều lĩnh vực ở tiểu học như cuộc sống quanh ta, tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội sẽ tăng cường thiết kế các nội dung dạy học dưới dạng câu chuyện lịch sử, câu chuyện về các hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội nhằm giúp HS có được hiểu biết sơ giản, gần gũi về tự nhiên và xã hội xung quanh, đồng thời có tác dụng giáo dục đạo đức, hình thành thói quen tốt. Môn đạo đức cũng chuyển tải nội dung tới HS qua các câu chuyện được chuẩn bị sẵn hoặc liên hệ với các sự kiện hàng ngày địa phương, trong nước…

Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) học môn vật lý theo tài liệu do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn. Ảnh: A.Khôi

Ở bậc THCS, so với hiện nay, môn KHTN sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh, khoa học về trái đất bằng cách sắp xếp các phân môn học trong cùng một cuốn sách; tương tự, môn KHXH được tích hợp chủ yếu từ các môn sử, địa và một số nội dung về kinh tế, xã hội cũng được thiết kế tương tự như môn KHTN. Ngoài ra, ở cả hai môn sẽ có những chuyên đề học tập tích hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực kiến thức, kỹ năng khác nhau nhằm rèn luyện năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của HS.

Bậc THPT, môn công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc trong cả 3 năm học sẽ tích hợp các nội dung về giáo dục công dân, quốc phòng và an ninh, truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế, khắc phục sự trùng lặp nội dung giữa một số môn học hiện nay… Các môn học được tích hợp ở THCS sẽ tách thành các môn học độc lập: Lý, hóa, sinh, sử, địa (tương tự như hiện nay). Ở lớp 10 và lớp 11 nếu HS học môn tích hợp KHTN thì không phải học các môn lý, hóa, sinh; tương tự, môn tích hợp KHXH sẽ thay thế các môn sử, địa. Sự phân hóa sẽ sâu dần từ lớp 10 đến lớp 12 bằng cách giảm môn học bắt buộc, tăng thời lượng cho các môn học và chuyên đề tự chọn ở các năm lớp 11, lớp 12.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê

“Chúng ta phải xây dựng một CT tổng thể và các CT môn học từ lớp 1 đến lớp 12 làm cơ sở cho việc viết SGK, đảm bảo mối liên thông, thống nhất chương trình, SGK giữa các lớp học, cấp học, giữa các môn học với nhau. Cùng một thời điểm có thể đồng thời xây dựng CT và viết SGK nhưng việc xây dựng CT phải bắt đầu trước và kết thúc trước, việc viết SGK phải bắt đầu sau và kết thúc sau. Đây cũng là giải pháp giúp cho việc bảo đảm sự thống nhất giữa CT và SGK, đồng thời bảo đảm sự tuân thủ hợp lý theo CT của SGK, bảo đảm rút ngắn thời gian của toàn bộ quá trình, bảo đảm bắt đầu từ năm học 2018-2019 sẽ tiến hành thay SGK cuốn chiếu từ 3 lớp học đầu của 3 cấp là lớp 1, lớp 6 và lớp 10”, ông Hiển nói. 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)