Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sách giáo khoa: Thống nhất không có nghĩa là duy nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Kế Hào, giảng viên cao cấp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ủng hộ quan điểm cần có nhiều bộ sách giáo khoa và có thể thực hiện được điều này trên cơ sở thực hiện luật giáo dục hiện hành.
TSKH Nguyễn Kế Hào
Vì sức sống của nền giáo dục, cần có nhiều bộ sách giáo khoa
TSKH Nguyễn Kế Hào nói: Trước khi tranh luận về vấn đề nên có một hay nhiều bộ SGK, tôi muốn làm rõ quan niệm về SGK.
Theo tôi, SGK là hình thức cụ thể hóa, sư phạm hóa chương trình học tập của học sinh. Chương trình quy định nội dung cơ bản và nội dung cơ bản ấy được quy định bởi chuẩn kiến thức và kỹ năng.
Như vậy, về logic, trước hết Bộ GD&ĐT phải xây dựng được chuẩn kiến thức, kỹ năng của các môn học cho từng bậc học.
Từ đó, Bộ làm chương trình quy định khung về nội dung. Còn cụ thể hoá thế nào để đến được với học sinh là chuyện của các nhà khoa học kết hợp với các nhà sư phạm. Biểu hiện của sự cụ thể hoá ấy chính là SGK.
Ví dụ, ở cấp tiểu học, với môn Tiếng Việt, khởi điểm là trẻ chưa biết đọc, biết viết. SGK trước đây bắt đầu việc dạy học cho đối tượng học sinh ấy bằng chữ i, chữ tờ.
SGK thời kỳ sau đó bắt đầu bằng chữ o (ò ó o). Bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bắt đầu bằng chữ a. SGK hiện nay bắt đầu bằng chữ e. Khởi điểm có thể khác nhau nhưng đều hướng về một đích. Đó là, sau khi hết lớp Một, trẻ đọc được, viết được.
Và đó là lý do ông ủng hộ quan điểm có nhiều bộ SGK?
Tôi không hiểu tại sao hiện tại chúng ta lại chỉ có một bộ SGK duy nhất.
Năm 1981, khi bắt đầu thực hiện chương trình cải cách giáo dục ở cấp tiểu học, chúng ta chỉ có một bộ sách.
Nhưng qua thực tiễn nhiều nơi giáo viên và học sinh không dạy học được từ một bộ sách đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn bốn bộ SGK tương ứng với các đối tượng học tập khác nhau:
sách 165 tuần (dạy cho đối tượng học sinh bình thường ở các vùng kinh tế xã hội bình thường); sách 100 tuần (dạy cho trẻ lang thang cơ nhỡ, vừa đi học vừa kiếm sống); sách 120 tuần (dành cho học sinh miền núi); sách theo chương trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Sở dĩ thập kỷ  90 thế kỷ trước chúng ta đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục, xoá mù chữ là nhờ đa dạng hoá các loại hình, phương thức dạy học, đa dạng hoá SGK. Việc có nhiều bộ SGK là phù hợp với quy luật.
Nước ta có bảy vùng kinh tế xã hội, có 54 dân tộc anh em thì không thể nào có một bộ SGK duy nhất. Việc thực hiện chỉ một bộ SGK duy nhất là làm nghèo sức sống, sự phát triển của giáo dục nội tại các vùng miền. Tôi xin nhắc lại, vì sức sống của nền giáo dục, SGK cần được đa dạng hoá trên sự thống nhất về mục tiêu kiến thức và kỹ năng.
Lỗi quản lý
Về bốn bộ SGK mà ông đề cập ở trên, mỗi bộ phù hợp với một đối tượng học sinh nhất định. Nhưng  vấn đề là có nên có nhiều bộ SGK  cho  cùng một đối tượng học sinh không, có nên tạo điều kiện cho các em được học một trong những bộ sách tốt nhất?
Thế nào là tốt nhất, điều đó chưa biết được. Hãy chỉ đặt ra yêu cầu, SGK đạt chuẩn. Từ bộ SGK đạt chuẩn, dạy học thế nào với từng đối tượng học sinh là phụ thuộc vào thầy. Nếu thầy giỏi, với sách đạt chuẩn, thầy có thể mở ra với học sinh khá giỏi. Có phải nhất nhất phải theo SGK đâu.
Tôi muốn nhấn mạnh cái nguy hiểm của một bộ sách duy nhất. Phàm cái gì chỉ có một thì tốt xấu anh vẫn phải dùng. SGK cũng vậy, nếu chỉ có một bộ, đạt chuẩn hay không đạt chuẩn, học sinh vẫn phải học.
Nhưng có ý kiến cho rằng điều kiện dân trí nước mình hiện nay khó mà có sự chính xác trong việc lựa chọn bộ sách nào là tốt nhất với học sinh. Nếu vậy, cho dù có nhiều bộ SGK, các em học sinh vẫn  chịu thiệt?
Tất cả các bộ SGK đã đạt chuẩn rồi thì học sinh dẫu học bộ nào cũng được lợi. Hơn nữa, việc lựa chọn bộ sách nào còn có sự đóng góp ý kiến của các phụ huynh, giáo viên, rồi các cấp quản lý.
Nếu lựa chọn không đúng để học sinh chịu thiệt thì vai trò của nhà quản lý để đâu? Cái lo ngại sự trở lại tình trạng như trước đây, học sinh hai miền Nam – Bắc học hai bộ sách khác nhau, là lỗi do các nhà quản lý.
Cần đặt vấn đề ngược lại, một bộ sách duy nhất mà không đạt chuẩn thì sao? Thì thiệt cho cả nước. Như bộ SGK hiện nay chẳng hạn, theo tôi là chưa đạt chuẩn. 
Nhưng tại sao không đặt vấn đề, làm thế nào để có  một bộ sách duy nhất mà đạt chuẩn?
Như tôi đã nói trên rồi, SGK chỉ là một hình thức sư phạm hoá. Đối tượng học sinh đa dạng thì vật liệu tạo nên nội dung SGK cũng cần đa dạng.
Cảm ơn ông.
"Theo Luật Giáo dục 2005, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT duyệt SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Thống nhất không có nghĩa là duy nhất. Để thực hiện nhiều bộ SGK, chính phủ chỉ cần xử lý bằng một nghị định. Nghị định nói rõ thế nào là thống nhất. Thống nhất trong phong phú đa dạng, thống nhất về mục tiêu, chuẩn kiến thức và kỹ năng. Còn SGK là hình thức sư phạm hoá.
Nếu nói sửa luật là chưa định làm thật. Chưa định làm thật vì còn cơ chế dự án. Còn dự án thì còn độc quyền. Hậu quả của độc quyền thì ai cũng nhìn thấy" – TSKH Nguyễn Kế Hào
Quý Hiên (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)