Tham nội dung, chương trình nặng, là những ý kiến của các đại biểu tham gia Hội thảo Đánh giá về 3 năm thực hiện Chương trình dạy học và sách giáo khoa Trung học phổ thông.
Tham nhưng vẫn thiếu
Sau 3 năm triển khai, nhìn nhận đánh giá lại Chương trình dạy học và SGK đã bộc lộ một số hạn chế.
Các trường THPT gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết, xét toàn bộ chương trình SGK mới thì không nặng nhưng xét về cục bộ còn nặng và chồng chéo.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Công Thành đưa ra nhận xét: "Các môn đều tham, nhồi nhét nhiều kiến thức, trong khi đó nội dung có sự trùng lặp ở một số môn như: Công nghệ và Vật lý, An ninh quốc phòng và Lịch sử".
Bộ GD&ĐT cũng nhận thấy sự quá tải của chương trình, vì vậy đã tăng thời gian học từ 35 lên 37 tuần. Lượng kiến thức mà học sinh THPT tiếp nhận quá nhiều dẫn đến tình trạng học nhồi nhét, học không hiểu.
Bản thân giáo viên đứng lớp giảng dạy cũng thừa nhận gặp không ít khó khăn, lúng túng khi áp dụng Chương trình và SGK mới. Cô Nguyễn Thị Vinh, Trường THPT Ngô Sỹ Liên, Bắc Giang cho rằng: "Mục tiêu đặt ra là giảm tải chương trình nhưng môn Ngữ văn còn quá nặng. Thời gian để học sinh củng cố kiến thức và luyện tập chưa có".
Ông Nguyễn Tài Công, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cho hay: "Dạy kỹ năng sống chưa được quan tâm nhiều trong chương trình SGK mới," trong khi giáo dục kỹ năng sống đối với lứa tuổi học sinh THPT, lứa tuổi đang có chuyển biến trong tâm sinh lý là rất cần thiết.
Đi tìm nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân đưa ra lý giải tình trạng Chương trình, SGK mới còn nhiều bất cập. Đó là thiếu cơ sở vật chất, nội dung chương trình nặng, giáo viên còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa chuẩn bị tốt về phương pháp dạy học và phương pháp chấm điểm, xu hướng thi gì học nấy của các em học sinh…
Về cơ sở vật chất, các trường THPT chủ yếu học 1 buổi/1 ngày, với thời lượng học dưới 1050 tiết/năm (với 45phút/tiết) thấp hơn mức trung bình của Thế giới, khó cho việc bố trí kế hoạch giáo dục.
Chương trình mới thiết kế theo ba ban (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Cơ bản) nhưng kết cục là trong suốt ba năm qua, học sinh cả nước chủ yếu hướng vào học ban Cơ bản. Vì theo học ban cơ bản sẽ linh hoạt hơn, dễ lựa chọn.
Năm học vừa qua, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 theo học ban Cơ bản và chỉ có chưa đến 2% theo học ban Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cũng vì học để thi nên giáo viên và học sinh không cần thiết phải thay đổi phương pháp dạy và học, chỉ chú trọng kỹ năng làm bài trắc nghiệm.
Một đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long bức xúc: "Môn ngoại ngữ được xem là môn học áp dụng phù hợp nhất hình thức thi trắc nghiệm. Nhưng cách tổ chức thi trắc nghiệm của chúng ta chỉ đòi hỏi thí sinh có kỹ năng đọc hiểu, còn kỹ năng nghe, nói không cần thiết. Thế thì làm sao đòi hỏi học sinh lớp 12 có thể giao tiếp những nội dung đơn giản với người nước ngoài?
Những kiến nghị đưa ra
Để Chương trình dạy học và SGK mới đem lại hiệu quả, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định đưa ra ý kiến: Nên mạnh dạn cắt một số phần trùng lặp ở các môn, biên soạn một bộ sách giáo khoa mới bên cạnh bộ sách cũ. Việc tổ chức học nhiều bộ SGK là phù hợp với xu hướng của Thế giới. Ngoài ra nên tăng thời lượng học chứ không phải tăng nội dung, áp dụng việc học 2 buổi/ngày.
Đại diện cho các thầy cô trực tiếp giảng dạy, cô Nguyễn Thị Vinh, giáo viên Ngữ văn mong muốn đổi mới trong thi cử, kiến nghị nên áp dụng chương trình học mềm dẻo hơn, xây dựng một chương trình riêng trên cơ sở một chương trình chung. Hai cuốn sách trong chương trình nâng cao và chương trình cơ bản nên do một nhóm biên tập, tránh độ vênh quá lớn giữa hai chương trình.
Thiết nghĩ Bộ GD&ĐT nên tổ chức nhiều hội thảo như thế này để tiếp thu ý kiến thẩm định, đóng góp từ các cấp quản lý, từ những giáo viên trực tiếp đứng lớp để chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không làm tốt công tác thẩm định ngay từ đầu, trước khi đưa vào áp dụng đại trà để không gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước, tạo tính ổn định cho chương trình SGK.
Theo Nguyễn Trang
(khoahocphattrien)
Bình luận (0)