Gần đây, có một số người nêu ý kiến về vấn đề sách giáo khoa (SGK), trong đó có những ý kiến như “dạy học không cần SGK”, “SGK triệt tiêu sáng tạo của người thầy”, “phải trao cho người thầy quyền chủ động khi sử dụng SGK”… Những ý kiến này được nhiều người tán thành nhưng cũng không ít người băn khoăn.
Theo tác giả, quan điểm dạy học không cần SGK cần phải xem lại, bởi không có một căn cứ “khung”, “chuẩn” thì giáo viên có thể dạy tùy tiện hoặc sai lệch, thậm chí sai lầm. Trong ảnh: Học sinh lớp 9 trong giờ học môn địa lý. Ảnh: Y.Hoa
SGK là một loại sách cung cấp kiến thức (và những điều liên quan, như tranh ảnh, bản đồ, biểu đồ…), được biên soạn với mục đích dạy và học trong trường học. Cũng có ý kiến nói rằng thuật ngữ SGK còn nghĩa mở rộng là một loại sách chuẩn cho một ngành học, mà hiểu theo cách đó thì các loại sách phục vụ giảng dạy ở bậc sau trung học (là giáo trình) cũng là một dạng SGK. Nhìn chung, ở Việt Nam cũng như nhiều nước, riêng bậc phổ thông, SGK là sự thể hiện những nội dung cụ thể của chương trình phổ thông, dù rằng có nước ban hành nhiều bộ SGK cho một môn học, có nước (như Việt Nam) chỉ có một bộ duy nhất dành cho môn học đó.
Khi thể hiện nội dung “chuẩn” cho một môn học, ngành học thì SGK mang cả tính chất quy ước về mặt chương trình học (bao nhiêu tiết học, trong đó có phân chia rõ ràng thời lượng dành cho lý thuyết, thực hành, ngoại khóa…) định hướng về mặt nội dung (với từng bậc học thì kiến thức nên tiếp cận ra sao…), khá chuẩn mực về mặt kiến thức (các thông tin, kiến thức trong SGK mang tính khuôn mẫu nhất định)… Vì vậy, ở nước ta, có lúc từng có quan niệm SGK là pháp lệnh, bởi sự ràng buộc của nó.
Thí dụ, sách Đạo đức lớp 5 hiện hành có 14 bài, với những yêu cầu kiến thức và kỹ năng dành cho học sinh lớp 5 (10 – 11 tuổi). Tính khuôn mẫu thể hiện ở số lượng và nội dung các bài học, thứ tự các bài học, các đòi hỏi về kiến thức mà học sinh phải đạt được… Giáo viên không thể tùy tiện thêm bài này, bớt bài kia, cũng không thể đảo lộn thứ tự các bài, lược bỏ kiến thức hoặc thêm nhiều kiến thức mới một cách tùy tiện. Đặc biệt, với những môn học có kỳ thi chung cả nước (ngữ văn, toán, lịch sử, vật lý, sinh học, hóa học…), nếu giáo viên dạy những kiến thức khác với SGK thì có thể làm cho học sinh bị mất điểm ở phần câu hỏi đó, vì đáp án bắt buộc phải theo SGK.
SGK chưa phải là “khuôn vàng thước ngọc”!
Dẫu SGK có tính khuôn mẫu nhưng không phải mọi điều trong sách đều là “khuôn vàng thước ngọc”. Có những kiến thức, thông tin do khác biệt vùng miền, chưa kịp cập nhật… nên có thể có khác biệt so với thực tế. Thí dụ, SGK môn địa lý lớp 8 có nội dung về cơ cấu tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam trong hai năm 1990 và 2000, thì rõ ràng đây là số liệu rất cũ, có tìm hiểu, so sánh, nhận xét, đánh giá cũng không có nhiều ý nghĩa cho học sinh, bởi thời điểm đó đã cách xa hiện tại hàng chục năm rồi. Tương tự như vậy, các số liệu về dân số, sản lượng lương thực và các loại khoáng sản, chỉ số tăng trưởng, cơ cấu kinh tế vùng miền… cũng đều lạc hậu sau một số năm.
Hay một số vấn đề khác do sự thay đổi trong thực tiễn mà nhận định về nó cũng có thể thay đổi sau một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, 10 năm trước, biến đổi khí hậu chưa phải là vấn đề được đặc biệt quan tâm như bây giờ, trong khi đó khi ấy, đại dịch HIV/AIDS có xu hướng được chú ý nhiều hơn nhưng hiện ở một số nước (trong đó Việt Nam), bệnh dịch này đã cơ bản được khống chế. Hay vấn đề ô nhiễm môi trường tuy đã được đề cập nhưng trước đây lại nói nhiều đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm mà chưa nói sâu đến ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm đại dương…
Tương tự như vậy, ở môn vật lý, hiện nay các vấn đề trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối (internet vạn vật), các loại vật liệu mới… được đề cập nhiều và thực tiễn đã có tác động sâu rộng trên toàn thế giới. Và từ điều này cũng gợi mở việc cập nhật kiến thức thường xuyên cho các bộ SGK, cũng như tạo sự chủ động nhiều hơn cho giáo viên, tùy thuộc vào từng vùng miền, thời điểm, đối tượng học…
Cần sự chủ động, linh hoạt của người thầy!
Từ thực tế đó, giáo viên rất cần sự chủ động, linh hoạt thay vì cứ bám hoàn toàn theo SGK. Giáo viên cần cập nhật thông tin, kiến thức mới để bổ sung cho sách nhưng vẫn nên dựa vào chương trình khung và cơ cấu bài học. Ở đây, nếu cho rằng SGK triệt tiêu sự sáng tạo của người thầy thì có vẻ đặt người thầy vào tâm thế quá thụ động và làm theo sách một cách cứng nhắc. Với giáo viên nào có óc tìm tòi, có tư duy đổi mới, có kỹ năng khám phá… thì SGK cũng không thể ràng buộc sự sáng tạo.
Do đó, quan điểm dạy học không cần SGK cũng cần xem lại, bởi không có một căn cứ “khung”, “chuẩn” thì rõ ràng giáo viên có thể dạy tùy tiện hoặc sai lệch, thậm chí sai lầm. Ngay cả đã có một khung kiến thức chung mà cách hiểu và sự vận dụng còn không giống nhau, trong đó có người hiểu sai lầm, thì khi không có cái “khuôn” nào, ai bảo đảm tất cả học sinh sẽ được giảng dạy phù hợp, tất cả giáo viên sẽ có kiến thức đúng để dạy đúng?
Trên thực tế, SGK là công trình mang tính khoa học, được thẩm định nghiêm túc, đôi lúc vẫn có những chỗ chưa phù hợp, huống hồ nếu tự mỗi giáo viên dạy theo cách của mình thì kiến thức đó sẽ được thẩm định như thế nào, ai giám sát chất lượng giảng dạy? Xét cho cùng, dạy học là một hoạt động sáng tạo thì mỗi giáo viên phải luôn sáng tạo, trong từng bài giảng, từng bài tập, từng bài kiểm tra…, mà SGK là cơ sở vững chắc để sự sáng tạo đó không đi lệch quá xa so với những yêu cầu cụ thể của một chương trình học!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)