Giáo viên gặp những trở ngại gì trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy? Cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn đó? Yếu tố nào có ý nghĩa quyết định trong công tác đổi mới? Đó là những vấn đề đã được thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 17/11.
Thi kiểu nào, dạy kiểu đó!
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Đức Huy, giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 4 nói: “Sách hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên là còng số 8 còng tay giáo viên, không cho giáo viên sáng tạo, đổi mới phương pháp”.
Để chứng minh cho nhận xét này ông Huy đã đưa ra ví dụ: trong một bài giảng, sách hướng dẫn giáo viên phải thực hiện theo một số bước nhất định và theo đúng nội dung của từng bước. Ông đặt câu hỏi: “Nếu giáo viên cứ phải răm rắp làm theo những quy định này thì lấy đâu ra sáng tạo?”
Từ một điểm nhìn khác, cô giáo Nguyễn Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) cho rằng: điều khó thực hiện nhất hiện nay là đánh giá kết quả học tập của học sinh. Việc đánh giá dựa trên điểm số qua các kỳ thi đã phần nào tạo áp lực cho giáo viên. Thậm chí, phụ huynh tự đánh giá khả năng của giáo viên thông qua kết quả học tập của con em mình. Vì thế, giáo viên chỉ còn cách dạy thế nào để học sinh đi thi tốt, làm bài thi đạt điểm cao.
Chia sẻ quan niệm này cùng cô Nguyễn Ngọc Hạnh, bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, khẳng định: “Chính cách đánh giá trình độ học sinh một cách máy móc, bất di bất dịch như hiện nay khiến học sinh không hứng thú trong học tập và giáo viên không dám sáng tạo. Ví dụ như môn Văn vốn là môn học của sự sáng tạo và cảm xúc, nhưng môn này vẫn được học sinh học theo gợi ý của giáo viên, bài văn nào có đủ 4 ý thì được 8 điểm…”
Bà Bạch nhận xét thêm: “Thi kiểu nào dạy kiểu đó” từ lâu đã trở thành một “thói quen” trong phương pháp giảng dạy của giáo viên”. Bà còn cho biết một thực tế là giáo viên chỉ dám mạnh tay đổi mới những bài học nào không thuộc nội dung thi. Nhiều giáo viên chỉ dám đổi mới phương pháp giảng dạy đối với lớp 10 hay lớp 11. Nhưng đối với lớp 12 thì giáo viên “cất hết” các phương pháp sáng tạo và chỉ “chuyên tâm” vào việc dạy thế nào để học sinh có thể đạt điểm cao khi đi thi.
Cô giáo Hà Thu, đến từ một trường quốc tế tại TP.HCM, lại nhìn nhận sự thiếu chặt chẽ về chương giảng dạy ở các trường quốc tế nhưng đây lại chính là khoảng mở cho sự sáng tạo của giảng viên: “Giáo viên ở các trường quốc tế dạy theo chương trình nước ngoài 100%, không hề có sách giáo khoa để bấu víu. Giáo viên ở đây chỉ biết vài dòng quy định của Bộ GD-ĐT yêu cầu học kỳ này học sinh cần nắm rõ điểm gì. Và rồi, giáo viên tự tìm cách để thiết kế một bài giảng riêng cho mình. Vì thế giáo viên luôn tự chủ, sáng tạo và không ngừng học hỏi”
Tại sao giáo viên quay lưng với đổi mới phương pháp dạy?
Ngoài những trở ngại nêu trên, một vấn đề quan trọng khác cũng được nêu ra là: bản thân mỗi giáo viên có thực sự muốn đổi mới phương pháp giảng dạy hay không?
Ông Nguyễn Việt Bắc, Hiệu phó trường ĐH Sài Gòn, khẳng định: “Đổi mới phương pháp giảng dạy không nhất thiết phải là thay đổi từng cách giảng dạy này bằng cách giảng dạy khác mà là sử dụng những phương pháp giảng dạy hiện tại như thế nào để tạo ra những giờ học hiệu quả. Tự thân từng phương pháp giảng dạy chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không được sử dụng một cách đúng lúc, đúng chỗ và đúng mức”.
Ông Bắc ví von: “Cùng một bộ đồ nghề, nhưng người thợ mộc biết khi nào dùng bào, khi nào dùng khoan… Với nghề giáo cũng thế, áp dụng phương pháp đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ hiệu quả”.
Cô Hoàng Tuyết, giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM thẳng thắn hơn khi chỉ ra nguyên nhân của sự trì trệ trong đổi mới phương pháp dạy chính là sức ỳ của giảng viên: “Tại sao có những giáo viên cự tuyệt, quay lưng với đổi mới? Hiện nay chúng ta đang quan tâm tới việc cải cách cấu trúc hơn là văn hóa. Có hay không việc giáo viên bảo thủ theo quán tính?”
Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, cũng thừa nhận: “Chủ thể để đổi mới phương pháp giảng dạy là giáo viên. Vì thế, chúng ta phải đổi mới ngay từ cách đào tạo giáo viên về chương trình và nội dung. Giáo viên phải được đào tạo luân lý sư phạm để họ có lòng yêu nghề”.
Bà Hải kiến nghị: “Nên có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hàng năm, và nội dung bồi dưỡng nên xoáy sâu vào những gì giáo viên cần”.
Sau khi lắng nghe các ý kiến thẳng thắn tại cuộc tọa đàm này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết bộ sẽ tập hợp và nghiên cứu các vấn đề mà thầy cô nêu, để xác định rõ hơn những vấn đề quan trọng như: mục đích của đổi mới; cách thức thực hiện đổi mới; những rào cản hiện nay và cách tháo gỡ; và làm thế nào để phát huy sáng kiến của giáo viên”.
Để thực hiện tốt công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, ông Nhân cho rằng cần giải quyết 4 vấn đề cơ bản sau: giáo viên nên làm gì để nâng cao chất lượng giảng dạy; nhà trường làm gì để khuyến khích và hỗ trợ thầy cô phát huy tinh thần sáng tạo; các địa phương làm gì để tạo ra phong trào đổi mới cách dạy và học; và Bộ GD-ĐT làm gì để động viên thầy cô dạy tốt”.
Đoan Trúc (Vietnamnet)
Bình luận (0)