Qua hai bài học, sách có nhắc đến Nguyễn Tri Phương ba lần, nhưng học sinh không biết Nguyễn Tri Phương là ai. Lịch sử 8 gồm 150 trang nội dung; trong đó phần "Lịch sử thế giới" gồm 111 trang; phần "Lịch sử Việt Nam" chỉ có 39 trang. Như vậy, ở lớp 8, học sinh học quá nhiều về lịch sử thế giới…
Đây là những chi tiết trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử 8 mà theo các tác giả Thanh Huyền và Văn Hiến chỉ ra trong mạch bài viết "dọn vườn" SGK lịch sử.
Nguyễn Tri Phương là ai?
Bìa sách giáo khoa Lịch sử 8
|
– Trang 113, sách có viết:
"Bồi thường chiến phí 288 vạn lạng bạc" sai lệch với Lịch sử 11, trang 111 "280 vạn lạng bạc".
– Trang 133, dòng 9
"… tiêu biểu là các cuộc đấu tranh do Hà Văn Mao (dân tộc Mường), Cầm Bá Thước (dân tộc Thái) cầm đầu". Câu này phải sửa thành "… tiêu biểu là các cuộc đấu tranh do Hà Văn Mao (dân tộc Mường), Cầm Bá Thước (dân tộc Thái) lãnh đạo".
– Trang 115; dòng 120
Ngay trong bài đầu tiên của phần Lịch sử Việt Nam, Lịch sử 8 viết: "Rạng sáng 1- 9 – 1858, quân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Quân dân ta, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, anh dũng chống trả".
Tiếp đó ở bài sau, soạn giả vẫn viết "7000 quân triều đình, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, cố gắng cản giặc nhưng thất bại". Qua hai bài học, sách có nhắc đến Nguyễn Tri Phương ba lần, nhưng học sinh không biết Nguyễn Tri Phương là ai.
"Rạng sáng 1/9/1858", khi "quân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta", đã có sự tham gia chống trả anh dũng của "dân" dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương?
Vì vậy, ở hai trang này, cần bổ sung chức vụ của Nguyễn Tri Phương trong cuộc chiến ở Đà Nẵng và khi Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất (1873).
– Trang 121
Bổ sung chú giải về Hoàng Kế Viêm và quân Cờ đen.
– Trang 122
Sách có viết: "Đến trưa, thành mất. Hoàng Diệu thắt cổ tự tử". Cách viết như vậy không có mấy sự khác biệt với cách ghi nhận "Sầm Nghi Đống … thắt cổ tự tử" (Lịch sử 7 trang 130). Thiết nghĩ, câu này nên sửa lại thành: "Đến trưa, thành mất. Hoàng Diệu tuẫn tiết" (tự sát để giữ tròn khí tiết).
– "Hình 87.Hoàng Diệu (1829 -1882)" nên sửa thành "Hình 87.Tổng đốc Hà Nội: Hoàng Diệu (1829 -1882)".
– Trang 126
"Hình 89.Hàm Nghi (1872-1943)" nên đổi thành "Hình 89. Vua Hàm Nghi (1872-1943)".
-"Hình 90.Tôn Thất Thuyết (1835 – 1913)" cần sửa thành "Hình 90. Thượng thư Bộ binh: Tôn Thất Thuyết (1835 – 1913)". Các hình tương tự cũng nên ghi chú theo hướng này.
– Trang 138
Có đoạn "Thực dân Pháp đẩy mạnh việc cướp đoạt ruộng đất… Riêng Giáo hội Thiên Chúa giáo chiếm 1/4 diện tích cày cấy ở Nam Kì". Chúng tôi nghĩ rằng nên bỏ câu "Riêng Giáo hội Thiên Chúa giáo chiếm 1/4 diện tích cày cấy ở Nam Kì". Cách viết trên dễ dẫn đến cách hiểu Giáo hội với thực dân Pháp là một (?) Theo cách viết trên, các học sinh và nhân dân theo đạo Thiên Chúa sẽ nghĩ gì?
– Trang 139
Nên bổ sung xuất xứ, nguồn gốc, tác giả ảnh "Hình 98. Ga Hà Nội (năm 1900)".
– Góc trái "Hình 98. Ga Hà Nội (năm 1900)" có những chi tiết khó lí giải". Theo chúng tôi, nên bỏ chi tiết này.
Sửa lỗi viết hoa tại các dòng 3; 5; 6 (dl). Chữ "Quốc ngữ". Để thống nhất với các cuốn sách giáo khoa khác, không viết hoa chữ "quốc".
– Trang 141
Bỏ chữ "các" trong câu "Dưới thời Pháp thuộc, các giai cấp địa chủ phong kiến và nông dân có những thay đổi gì ?"
– Trang 142
Có hai trích dẫn như sau:
-"Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống – Xi-xê-rông (Nhà chính trị Rô-ma cổ)".
-"Vậy thì bây giờ muốn tìm ngoại viện không gì bằng sang Nhật là hơn cả" (Nguyễn Hàm).
Trích dẫn thứ nhất có ghi thông tin về Xi – xê – rông, tác giả của trích dẫn. Tuy nhiên, trong chú thích thứ 2 lại không có thông tin nào về Nguyễn Hàm. Do đó, học sinh không biết Nguyễn Hàm là ai.
– Trang 143
Tiêu đề "Phong trào yêu nước chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918" nên đổi thành "Phong trào yêu nước, chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến cuối năm 1918" , vì "Đến năm 1918" chưa bao hàm năm 1918. (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, diễn ra từ tháng 8 năm 1914 đến tháng 11 năm 1918).
– Trang 144
"Nhật Bản ở phía đông nước ta nên cuộc xuất dương sang Nhật học gọi là Đông du" – Đó là một cách lí giải chưa thuyết phục. Thực ra, Nhật Bản ở phía đông bắc nước ta.
Theo nhiều người: Đông du là để đối lập với Tây du (đi học ở phương Đông và phương Tây bán cầu). Trong các bản điều trần, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị triều đình cần gửi người đi Hồng Công, Singapore, Pháp và các nước Tây Âu để học ngoại ngữ, thương mại và kỹ thuật. Phan Bội Châu đã chọn phương Đông, trước hết là nước Nhật.
– Trang 145
Sửa lỗi viết hoa "… các nhà Nho tiến bộ" (không viết hoa chữ "nho").
– Trang 146
Các dòng 4; 5 ;6 ;7 – Phải sửa lại đoạn "Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt bớ tù đầy, tuyên án xử tử nhiều nhà yêu nước trong đó có Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp..." vì sai lệch so với "Năm 1908, Phan Châu Trinh bị khép tội xúi giục nhân dân nổi loạn…nên bị bắt đày ra Côn Đảo; đến tháng 6 năm 1910, nhờ can thiệp của Hội Nhân quyền (Pháp), ông mới được tha"( Ngữ văn 8, tập một, trang 149); càng sai lệch hơn so với Lịch sử 11, trang 142, dòng 4; 5; 6; 7 "năm 1908, Phan Châu Trinh bị bắt và chịu mức án tù ba năm ở Côn Đảo. Năm 1911, chính quyền thực dân đưa ông sang Pháp. Suốt những năm sống ở Pa-ri, Phan Châu Trinh vẫn theo đường lối cải cách, kêu gọi thực hiện dân quyền, cải thiện dân sinh".
– Trang 148
Nên để mục "3. Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành sau khi ra đi tìm đường cứu nước" trong bài "Phong trào yêu nước chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918" thành một bài riêng. Hoặc bỏ mục này, đưa vào bài đầu của Lịch sử 9.
Vả lại, mục "3. Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành sau khi ra đi tìm đường cứu nước" cũng có nhiều chỗ cần chỉnh sửa.
Khẳng định "Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình trí thức yêu nước..." là có phần sai lệch với Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam (Người sinh ra trong một gia đình: Bố là một nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân; mẹ là nông dân; chị và anh đều tham gia chống Pháp và bị tù đày").
Chỉ giới thiệu tên quê hương của Hồ Chí Minh theo địa danh hiện nay (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) .
Chi tiết "Giữa năm 1911, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành xuống làm phụ bếp cho tàu... " phải sửa thành -"Ngày 3/6/1911, tại cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tất Thành xuống làm phụ bếp cho tàu... ". "Giữa năm 1911" không phải là cách viết của nhà khoa học lịch sử về sự kiện quan trọng này.
Đoạn sử viết về hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong hai năm 1917-1918 ở Pháp: "Người viết báo, truyền đơn, tranh thủ các diễn đàn, các buổi mít tinh để tố cáo thực dân Pháp và tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam" nên chăng bổ sung thông tin?
Sách nên chỉ rõ Nguyễn Tất Thành trong thời gian đó đã viết bài báo nào? tranh thủ diễn đàn nào, cuộc mít-tinh nào? Hãy nghe Hồ Chí Minh kể về những hoạt động của Người trong giai đoạn sau năm 1918, trong bài "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin": "Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tôi làm thuê ở Pa-ri… Tôi ủng hộ Cách mạng tháng Mười chỉ theo cảm tính… Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các "ông bà" ấy … tỏ đồng tình với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức…".
Năm 1919, khi đưa "Yêu sách của nhân dân An Nam", Nguyễn Ái Quốc chưa thành thạo Pháp văn, Người còn phải nhờ cậy một luật sư người Việt đang sống ở Pa-ri giúp đỡ. Sau khi đọc Luận cương Lê-nin, chuẩn bị tham gia Đại hội Tua, Người vẫn "chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình". Vì lẽ trên, tôi nghĩ đoạn sử về Nguyễn Tất Thành nên viết lại.
Lỗi chính tả: "mít tinh" phải sửa thành mít-tinh; "Hội những người Việt Nam yêu nước" nên sửa thành "Hội Những người Việt Nam yêu nước".
"Ngoại nặng hơn nội"?
Lịch sử 8 gồm 150 trang nội dung; trong đó phần "Lịch sử thế giới" gồm 111 trang; phần "Lịch sử Việt Nam" chỉ có 39 trang. Như vậy, ở lớp 8, học sinh học quá nhiều về lịch sử thế giới. Chúng tôi đề nghị người soạn chương trình cũng như soạn sách nên rút gọn phần sử thế giới để học sinh nắm được những điều cốt yếu.
Với tiêu đề: "Lịch sử thế giới cận đại (từ giữa thế kỉ XVI đến năm 1917)" nhưng chương V của phần này lại học "Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 -1918)".
"Cáo trạng về triều Nguyễn"?
Đọc phần "Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1918", hầu như bài nào, trang nào cũng có lời kết tội nhà Nguyễn. Hãy theo dõi phần "ghi nhớ" in chữ nghiêng, màu xanh dưới các tiêu đề bài học.
Bài 24: "quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch. Tuy vậy, triều đình Huế vẫn kí Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862) nhượng cho Pháp nhiều quyền lợi".
Bài 25: "Sau năm 1867, hai lần quân Pháp đánh Bắc Kì. Nhân dân kiên quyết kháng chiến còn triều đình Huế do dự, tiếp tục cắt đất cầu hoà."
Bài 27: Ca ngợi khởi nghĩa Yên Thế và đồng bào miền núi không nghe lệnh triều đình vẫn quyết tâm chống Pháp.
Bài 26: "Sau hiệp ước 1884…, triều đình hoàn toàn đầu hàng. Nhân dân tiếp tục đấu tranh dưới ngọn cờ Cần vương".
Bài 27: "Các đề nghị cải cách duy tân đều không thực hiện được".
Hầu như trang nào cũng có lời phê phán, kết tội nhà Nguyễn.
– Trang 115:
"Quân triều đình chống cự yếu ớt rồi tan rã, mặc dù có nhiều binh khí và lương thực."
– Trang 116
"… triều đình Huế kí hiệp ước Nhâm Tuất" nhượng cho Pháp nhiều quyền lợi: "Thừa nhận quyền cai quản của Pháp ở ba tỉnh miền Đông… mở ba cửa biển … cho Pháp vào buôn bán … bãi bỏ lệnh cấm đạo … bồi thường … chiến phí tương đương 288 vạn lạng bạc....".
– Trang 117
"Trương Định không những không hạ vũ khí theo lệnh triều đình …".
"Sau Hiệp ước Nhâm Tuất, triều đình Huế tập trung lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Kì, Bắc Kì, đồng thời ra sức ngăn trở phong trào kháng chiến của nhân dân ta ở Nam Kì".
– Trang 118
"Lợi dụng sự bạc nhược của triều đình Huế … quan Pháp đã chiếm các tỉnh miền Tây…".
– Trang 119
"Hiệp ước Pa-tơ-nốt … chấm dứt sự tồn tại của triều đình phong kiến nhà Nguyễn".
– Trang 120
"Triều đình Huế vẫn tiếp tục thi hành các chính sách đối nội, đối ngoại lỗi thời".
"Triều đình ra sức vơ vét tiền của trong nhân dân để phục vụ cho cuộc sống xa hoa và bồi thường chiến phí cho Pháp...".
"Lợi dụng việc triều đình Huế nhờ đem tàu ra vùng biển Hạ Long đánh dẹp cướp biển…, thực dân Pháp đã nắm được tình hình Bắc Kì".
– Trang 121
"Giữa lúc đó, triều đình Huế lại kí với Pháp hiệp ước Giáp Tuất… chính thức thừa nhận sáu tỉnh Nam Kì hoàn toàn thuộc Pháp".
"Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây".
– Trang 122
"Triều đình Huế vội vàng cầu cứu quân Thanh… Thừa thế, quân Thanh ồ ạt kéo sang nước ta đóng ở nhiều nơi".
Những trích dẫn trên đây trong Lịch sử 8 có phần mâu thuẫn với Hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn gần đây ở Thanh Hoá. Hội Sử học đã kiến nghị viết lại sách giáo khoa lịch sử giai đoạn này là có cơ sở khoa học.
Thanh Huyền – Văn Hiến (Vietnamnet)
Bình luận (0)