Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sách ngoại văn – hỏi đâu, bí đó

Tạp Chí Giáo Dục

Chị  Phượng ở hiệu sách Toàn Cầu (81 Trần Phú-Hội An- Quảng Nam), có thâm niên 10 năm cho đổi và mua bán sách với khách nước ngoài. Kinh doanh như chị Phượng, ở phố cổ Hội An cũng khá nhiều.

Sách hướng dẫn du lịch, tiểu thuyết, chính trị là những thứ khách chuộng. Người nước nào hỏi sách nước đó. Chị bảo: “Thiệt khó, mình đi Hà Nội, Sài Gòn hỏi mua sách ngoại văn, lần nào cũng cố tìm thật nhiều, đa dạng chủng loại, nhưng  quá thiếu. Có khách hỏi tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh bằng ngôn ngữ Bỉ, Tây Ban Nha, càng không có. Ngay đặc sản ẩm thực Hội An như cao lầu, bánh vạc, người ta muốn tìm hiểu, hỏi nhưng mình chịu chết bởi có ai  dịch ra đâu”.

Tại hiệu sách của chị, sách ngoại văn về Hội An chỉ vỏn vẹn  hai cuốn. Một là Hội An bằng tiếng Anh-Pháp-Việt của học giả Nguyễn Văn Xuân do NXB Đà Nẵng ấn hành và một cuốn giới thiệu thời trang của cửa hàng may Thu Thủy do chủ cửa hàng bỏ tiền ra in.

Dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài đang là chuyện nóng trên báo. Muốn biết võ công anh đến đâu, anh phải múa người ta xem. Câu chuyện bỏ ngỏ lâu nay có thể xem là đường dẫn cho bệnh tự kỷ của nhà văn lẫn người đọc Việt Nam về chỗ ngồi của chúng ta trên văn đàn thế giới. Ở đây xin không sa vào chuyện tầm vóc. Văn học cũng như lễ hội, phải tham gia làm diễn viên mới vui chứ thập thò lấp ló giấu giấu giếm giếm làm khán giả thì một vài trống canh cũng  chẳng ra hồn.

Quay lại nỗi niềm của người bán sách ngoại văn kia. Có thể thấy thêm một lỗ hổng trong việc quảng bá văn hóa, văn học Việt Nam. Sân chơi ngoài nước trống hoác đã đành. Khách sang ta du lịch, đâu chỉ có ăn chơi nhảy múa, đem đô la làm giàu cho ta, mà còn có nhu cầu đọc.

Chị chủ quán kể, thấy cảnh khách lắc đầu thất vọng mà buồn tênh. “Nếu tôi thật giỏi ngoại ngữ, đã đi làm nghề khác, kiếm tiền nhiều hơn chứ bu bám làm chi cái quầy sách bé nhỏ lời lãi chẳng bao nhiêu này”. Nhưng rồi chị tâm sự: Bao nhiêu năm theo nó, bây giờ thành tình yêu, tôi yêu sách, bằng lòng với sách, góp thêm một cầu nối văn hóa với người ta.

Những người làm văn hóa văn nghệ xứ sở này, chừng  hai thập niên trở lại đây, có thể nói đã có thêm một khả năng làm đình đám hội hè hoành tráng, bạc tỷ bên cạnh cái phẩm hàm mà họ đã có. Đành phải thở dài rằng, chút niềm riêng ở cái quán sách bé nhỏ nơi phố cổ kia, hình như vô tăm tích trong chuỗi những dự định, dự án chất ngất xanh đỏ tím vàng.

Trung Việt (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)