Giới trẻ tìm đọc sách ngôn tình tại nhà sách. Ảnh: Yên Hà
|
Trong lúc dọn dẹp đồ đạc, mẹ tôi thấy những cuốn sách dày cộm được cháu gái đang học lớp 9 giấu trong chỗ kín đáo của góc học tập. Không phải là người hay chữ nhưng bà cũng có thể đoán ra những cuốn sách ấy không phải phục vụ cho học tập.
Khi mẹ tôi hỏi sách của ai thì cháu mới thú thật là sách của đứa bạn học chung lớp nhờ giữ giùm vì sợ bố mẹ phát hiện được. Đó là 6 cuốn sách dày, toàn là tiểu thuyết về tình yêu. Đọc tựa đề của những cuốn sách ấy với tên tác giả lạ hoắc, tôi khuyên cháu trả lại cho bạn. Không có thời gian để xem nội dung nhưng tôi biết đây chỉ là những cuốn truyện ngôn tình. Tôi khuyên cháu: “Ba mẹ bạn cấm đọc những cuốn sách này là có lí do. Nhận giữ giùm cho bạn ấy khác nào cháu đang làm việc xấu và đang hại bạn. Nếu những cuốn tiểu thuyết hay và đậm chất nhân văn, những câu chuyện giáo dục, các cháu đọc để mở mang tầm hiểu biết và sống đẹp, đó là điều đáng quý. Cậu chưa nói số sách này là xấu hay tốt nhưng nhìn vào tên tác phẩm, tác giả và nhà xuất bản thì chưa tin tưởng lắm. Có thể nội dung sách bình thường nhưng có nên tốn thời gian để đọc nó không? Với lại, các cháu đang học lớp 9, năm nay thi chuyển cấp, đọc những truyện này tốn rất nhiều thời gian và sẽ ảnh hưởng tới việc học tập. Cháu nên gửi lại cho bạn và khuyên bạn một cách tế nhị mà chân thành để bạn hiểu và học tốt hơn”.
Tôi không biết cháu tôi có đọc hay không, hay chỉ đơn thuần là giữ giùm bạn. Có điều, là người lớn, nhất là những bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn. Nếu hiểu biết ít nhiều về sách ngôn tình, thấy con đọc, cha mẹ cần tế nhị và hướng cho trẻ tìm đọc những cuốn sách có giá trị về mặt nội dung cũng như nghệ thuật. Cháu tôi học giỏi môn văn nên ngay từ nhỏ tôi cũng hướng cho cháu đam mê văn chương, thường gửi sách báo hay cho cháu. Đó cũng là tôi dạy cháu một cách gián tiếp.
Mấy hôm trước, tôi đang dạy chuyên môn, có một học sinh nam hỏi tôi về một truyện mà em vừa đọc. Trong truyện ấy có những “tình tiết hấp dẫn” em nói ra. Tôi làm lơ vấn đề đó bởi nó không phù hợp và tiếp tục nội dung bài học. Mấy em ngồi xung quanh lại bàn tán, có một em nữ nói: “Mày ngu quá! Ai bảo mày hỏi thầy về quyển sách ấy”. Em kia đáp lại: “Chuyện bình thường sách viết ra mà. Sách tốt chứ đâu phải sách đen đâu”. Không chỉ một em mà rất nhiều em đọc. Khi nghe các em nói đến, tôi nghĩ ngay đó là sách ngôn tình.
Rõ ràng tuổi teen từ thôn quê đến thành phố lớn đang “ưu ái” thời gian để đọc sách ngôn tình. Các em tìm đọc những truyện “nhừa nhựa” này vì nó có “chất kết dính”. Tuổi teen chưa nhận thức được cái hay, cái đẹp thực sự của văn chương hay cái gốc của “Văn học là nhân học” nên dễ lệch hướng. Từ đó, các em đã vô tình mang đến nỗi lo cho thầy cô, cha mẹ.
Làm sao để sách ngôn tình không phải là “món ăn tinh thần” của học sinh nói riêng và tuổi teen nói chung? Điều đó rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp, các nhà xuất bản, thầy cô giáo và phụ huynh. Mong rằng giới truyền thông đừng vì chạy theo lợi nhuận mà tình nguyện làm cầu nối để sách ngôn tình “lên ngôi”.
Thái Hoàng (GV Trường THPT Bác Ái, TP.HCM)
Tuổi teen từ thôn quê đến thành phố lớn đang “ưu ái” thời gian để đọc sách ngôn tình. Các em tìm đọc những truyện “nhừa nhựa” này vì nó có “chất kết dính”. |
Bình luận (0)