Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sách ngôn tình, nỗi lo không của riêng ai!: Cần tập kỹ năng đọc sách cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (ảnh do nhân vật cung cấp)

Để kết thúc diễn đàn “Sách ngôn tình, nỗi lo không của riêng ai!”, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: Việc học sinh “ngấu nghiến” và quá say mê với sách ngôn tình điều dễ nhận thấy trước tiên là sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập của các em. Hơn nữa, khi các em còn trẻ, việc quá say sưa với sách ngôn tình sẽ làm cho các em nhận thức không chuẩn mực những kiến thức về giới tính, tình dục, đặc biệt là những giá trị trong quan hệ nam nữ – quan hệ lứa đôi. Đó là chưa kể có những “áng” ngôn tình đã làm cho nhiều bạn trẻ có những hành vi lệch lạc ngay trong chính mối quan hệ mình đang có cũng như định hướng sai lệch về những giá trị trong quan hệ cuộc sống, quan hệ lứa đôi hay mất niềm tin vào quan hệ yêu đương khi bị lệch pha trong cái nhìn, trong đánh giá một chiều.

PV: Sách ngôn tình còn có nguy cơ tạo cho người đọc tâm lý chán nản, tự ti khi gấp trang sách lại, bởi cuộc sống thực không đẹp như tiểu thuyết. Ở độ tuổi đang hình thành nhân cách và chưa thể tự định hướng thẩm mỹ văn hóa cho mình, việc say mê sách này sẽ dẫn đến những hệ lụy nào cho các em, thưa ông?

Hệ lụy mà chúng ta có thể nói dễ đau lòng nhất đó chính là định hướng cuộc sống sẽ mang màu sắc bi quan, chán chường, thiếu sức sống, thiếu tính thực tế nếu như không muốn nói là sống theo hai thái cực: Quá thực tế đến trần trụi và quá ảo đến mức viển vông. Ngoài ra, hệ lụy cũng không kém phần đắng lòng đó là chứng tự ti cá nhân khi buông lỏng bản thể mình để sống vô tư và thiếu sự định hướng. Một số bạn trẻ dễ dàng cho phép mình bay theo những vần chữ của sách ngôn tình và hàng loạt sai sót của các bạn trong cuộc sống đẩy đến những hành vi ngây ngô hay những định vị bản thân sai, ứng xử hời hợt… Từ đó làm cho các bạn dễ dồn ép mình theo hướng không có sự kiên định, thiếu những chân đế định hướng. Luôn cảm thấy mình biết nhưng không biết cái gì, luôn muốn sống chan hòa và chung thủy nhưng khó, luôn muốn ổn định nhưng không… Tất cả đẩy mọi thứ vào ngõ cụt.

Nhiều sách ngôn tình đã đánh trúng điểm yếu tâm lý, tạo nên xu hướng lệch lạc trong giới trẻ. Theo ông, các bậc cha mẹ có vai trò như thế nào trong việc định hướng việc đọc sách cho con em mình?

Phụ huynh cần giữ nếp sinh hoạt trao đổi với các thành viên trong gia đình về sách và các câu chuyện của cuộc sống.

Trước hết, chúng ta cũng không nên vội vã cho rằng mọi truyện có chút hơi hướng tình dục đều là ngôn tình. Việc phủ thuật ngữ “ngôn tình” vào các quyển sách cũng cần cẩn trọng. Thứ hai, chính các bậc cha mẹ phải là những người có đọc và biết đọc. Vì có đọc và biết đọc thì mới có thể đọc cùng trẻ để hướng dẫn con đọc sách và chọn sách. Thứ ba, phụ huynh cần khuyến khích trẻ đọc, chọn sách và tập dần kỹ năng đọc sách. Với kỹ năng đọc sách, trẻ sẽ biết phân loại và chẳng dễ gì lệ thuộc hay ngây ngô trở thành “tù nhân” của loại sách ngôn tình. Thứ tư, phụ huynh cần giữ nếp sinh hoạt trao đổi với các thành viên trong gia đình về sách và các câu chuyện của cuộc sống. Cần hướng con cái đến việc tiếp cận giới tính, tình yêu tình dục một cách nghiêm túc, khoa học thay vì kín kín, hở hở hay tế nhị không đúng hướng.

Thứ năm, cần thẳng thắn và trao đổi với con cái khi phát hiện con cái xem sách ngôn tình rằng đó là điều chẳng có lợi và nên chuyển đổi hứng thú hay lựa chọn hoạt động khác một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Yên Hà (thực hiện)

PV: Phải chăng hiện nay văn hóa đọc của học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung đang có vấn đề, thưa ông?

– PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Trước hết, chúng ta nên nói rằng văn hóa đọc của học sinh có hay không hơn là văn hóa đọc của một số bạn trẻ ngày nay đang có vấn đề. Vì sao ư? Vì đơn giản là các bạn có chịu đọc sách hay các bạn có đọc sách một cách đúng nghĩa cũng như xây dựng cho mình một văn hóa đọc hay không? Câu hỏi này xem chừng thật khó trả lời. Thứ nữa, dễ thấy ngày nay một số bạn trẻ, không phải tất cả, vẫn thích quan tâm đến các bài viết – tôi không muốn nói là bài báo – hơn sách. Vì sao? Vì thông tin nhanh – gọn – nhẹ – hiệu quả – vui – không suy nghĩ – dễ có cảm xúc… Những điều đó lâu dần tạo thành thói quen lười đọc và văn hóa đọc trở thành cái gì đó rất xa vời với các bạn.

Ngoài ra, dễ thấy là các bạn thiếu hẳn kỹ năng xây cho mình một bộ lọc. Bộ lọc chọn sách, bộ lọc chọn thông tin, bộ lọc chọn quan điểm, bộ lọc thể hiện quan điểm khi đọc, và bộ lọc để dựng xây văn hóa đọc cũng như thể hiện nó ra trong các hoạt động khác nhau của cuộc sống.

 

Bình luận (0)