Sách ngôn tình xuất hiện và được đọc rộng rãi khá lâu nhưng tôi chỉ mới biết nó một năm nay. Lần đầu tiên tôi biết là khi xem một clip thi hùng biện của học sinh ở Hà Nội về tác hại của sách ngôn tình. Lần thứ 2 là một tiết dạy trên lớp, một nhóm học sinh có bài tưởng tượng với bối cảnh “Xuyên không”. Cụm từ này khiến tôi mù mịt. Từ tiết học đấy, tôi quyết tâm phải tìm hiểu sách ngôn tình. Từ đó tôi nghiệm ra: Cái “được” của loại sách này là giải trí, còn cái “mất” là nếu đặt vào tình trạng nghiện thì nó tiêu tốn thời gian không khác gì game và truyện tranh.
Nhiều học sinh nói với tôi: Em thấy sách ngôn tình hay mà cô? Tại sao mọi người lại phản đối? Điều chúng ta có thể nhận rõ là hầu hết sách ngôn tình phản ánh một thế giới ảo. Thế giới ấy được xây dựng từ ảo tưởng và mơ mộng về hạnh phúc, thành công dễ dàng, vốn không tồn tại trong hiện thực. Nhiều tác phẩm rất logic nhưng cái logic ấy là logic tâm lý trong truyện – không phù hợp với thực tế cuộc sống. Chìm vào trong đó, người đọc dễ buông thả tâm hồn mình ở một thế giới đẹp, dẫn đến dễ chán chường với đời sống thực tại. Tại sao nghiện game hay truyện tranh lại khó bỏ? Bởi ở trong thế giới ấy, người ta được sống và thỏa mãn với những gì người ta không có khả năng trong thế giới thực. Ở thế giới ấy, người ta tìm thấy niềm an ủi, tìm thấy đồng cảm, tìm thấy ước mơ mà trong cuộc sống thực bản thân tự ti vì sự yếu kém của mình, hoặc có thể mình bị coi thường, thất bại (về ngoại hình, về tính cách, về học tập, công việc, gia đình…). Thứ nữa, sách ngôn tình bị phản đối vì ngoài chức năng giải trí thì không hướng con người tới giá trị thẩm mỹ, hoặc đủ sức định hướng người đọc tới những giá trị nhân văn phổ quát. Bên cạnh đó, nó tạo ra những giá trị hời hợt, dễ lôi cuốn bạn đọc.
Đọc sách là quyền tự do của mỗi người. Tôi chỉ luôn nói với học sinh rằng, bản thân tôi không ủng hộ việc đọc và nghiện sách ngôn tình bởi thời gian là rất quý giá. Phung phí thời gian vào những quyển sách không mang lại giá trị nhiều cho bản thân thì đó là điều vô cùng đáng tiếc.
Lê Quỳnh Trang
(Giáo viên môn văn Trường Quốc học Huế, Thừa Thiên – Huế)
Bình luận (0)