Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sách ngữ văn cần sớm được thay đổi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình giáo dục THCS và THPT hiện hành, nhiều tác phẩm văn học, nhiều văn bản nhật dụng, nhiều bài tập… không phù hợp với thời đại, lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh nên cần sớm được điều chỉnh, thay đổi.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, trong chương trình ngữ văn bậc THCS và THPT có nhiều tác phẩm không còn phù hợp với thời đại (ảnh minh họa). Ảnh: A.K

Trên thực tế, người dạy và người học đang bị “hành” bởi những thứ cũ kỹ, những vấn đề, những số liệu không phù hợp với thời đại. Có những nội dung lại phản tác dụng. Riêng bộ môn ngữ văn, tôi xin đưa ra một số điều không phù hợp ở cả ba bậc học, nhất là THCS và THPT.

Văn bản phản tác dụng

Ở Tiếng Việt 5, tập 1 (NXB Giáo dục Việt Nam) có bài tập đọc Lòng dân (trang 24) viết: Nhân vật dì Năm – 29 tuổi; An – 12 tuổi, con trai dì Năm. Đây là phần giới thiệu trước lúc vào nội dung. Dì Năm và An là hai mẹ con, dì Năm hơn An 17 tuổi có nghĩa là dì Năm lấy chồng lúc 16 tuổi. Liệu đưa vào điều này có phù hợp với thời đại này không? Có nhất thiết khi đưa phần giới thiệu này? Đây là một thí dụ trong rất nhiều “sạn” không phù hợp ở sách Tiếng Việt bậc tiểu học.

Văn bản nhật dụng không phù hợp với hiện tại

Chẳng hạn, chương trình ngữ văn 8, tập 1 có ba bài văn bản nhật dụng: Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000; Ô dịch, thuốc lá; Bài toán dân số có nội dung và số liệu không còn phù hợp với thời đại. Như bài Ô dịch, thuốc lá được ghi chú: Theo Nguyễn Khắc Viện, trong Từ thuốc lá đến ma túy – Bệnh nghiện (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992). Điều đó cho thấy nguồn tài liệu cách nay 24 năm thì ắt hẳn không phù hợp với bây giờ. Nếu cần đưa vấn đề này vào chương trình thì nên đưa kiến thức gần gần, cụ thể, thiết thực trong những năm gần đây. Hay Bài toán dân số cũng vậy, được ghi chú: Theo Thái An, Báo Giáo dục & Thời đại Chủ nhật, số 28, 1995. Ở sách Ngữ văn 9 cũng có những văn bản như thế. Chẳng hạn: Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới. Nội dung những văn bản rất ý nghĩa, nhưng không phù hợp với thời đại hôm nay.

Tác phẩm không phù hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh

Điều này thấy rõ nhất ở bậc THCS, cụ thể là chương trình lớp 7. Các tác phẩm ở học kì 1 có quá nhiều thơ Đường luật được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Học sinh lớp 7 phải tiếp cận với 13 tác phẩm và đoạn trích (trong đó có 8 tác phẩm và đoạn trích thơ Đường luật của văn học Việt Nam và 5 tác phẩm thơ Đường luật của Trung Quốc). Đây là những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam và Trung Quốc nhưng rất khó tiếp cận được cái hay, cái đẹp bởi trình độ lớp 7 và thời đại khác xa. Đặc biệt tác phẩm Bánh trôi nước và đoạn trích Sau phút chia li lại càng không phù hợp.

Nhiều bài học tiếng Việt không phù hợp

Chẳng hạn như bài học Chương trình địa phương (lớp 8), Tổng kết về từ vựng học quá nhiều tiết (lớp 9) – (kể cả những bài học về Chương trình địa phương phần văn và phần tập làm văn cũng không phù hợp).

Có thể nói sách giáo khoa hiện nay quá nhiều bất cập: Kiến thức nặng, nhiều bài học quá lạc hậu và xa rời thực tế. Do đó cần sớm thay đổi nội dung chương trình để nền giáo dục Việt Nam ngày càng vững bước, bởi không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ. Sách giáo khoa của nhiều bộ môn cũng cần phải sớm thay đổi.

Thái Việt Hùng
(Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)