Dù chưa thực sự phổ biến nhưng sách nói đang dần trở thành xu hướng mới được yêu thích ở thị trường Việt Nam bởi những tiện ích mà nó mang lại.
Ra mắt không lâu nhưng các kênh này đều tăng trưởng ở mức ấn tượng. Hiện Voiz FM có hơn 500.000 triệu người dùng với trên 20 triệu phút nội dung được trả phí, sở hữu hơn 2.000 đầu sách best seller (sách bán chạy nhất) ở các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật đến giáo dục, y tế, kinh tế. Trong khi đó, Fonos ghi nhận doanh thu mỗi tháng tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021, với gần 300.000 lượt tải tính đến thời điểm hiện tại. Fonos sản xuất trung bình 20-30 đầu sách nói/tháng, tập trung vào sách best seller và sách có nội dung độc đáo. Kho nội dung của Fonos còn có hơn 500 eBook, 300 tóm tắt sách, 100 bài thiền… để người bận rộn có thêm lựa chọn.
Ông Lê Hoàng Thạch, Tổng Giám đốc Công ty Voiz FM, cho rằng thị trường Việt Nam đang có những điều kiện được đánh giá là vừa đủ cho sự phát triển của sách nói. Kết nối internet được phổ cập khắp nơi, số lượng người sử hữu điện thoại thông minh ngày càng cao, thời gian dành cho các loại hình nội dung ngày càng tăng. Đặc biệt, người trẻ Việt Nam vốn ham học nhưng quá bận rộn, thiếu thời gian thưởng thức một cuốn sách.
Giới chuyên môn khẳng định sách nói sẽ còn phát triển hơn nữa ở thị trường Việt Nam bởi dư địa có thể khai thác còn nhiều. Chẳng hạn, phát triển sách nói trên hệ thống như tàu điện, xe buýt, xe hơi… Đó là một trải nghiệm thú vị.
Những sự kiện liên quan sách nói mới chỉ được tổ chức tại các phố đi bộ, đường sách… nhưng lượt người đọc đến trải nghiệm đã đạt con số ấn tượng. Lo lắng lớn nhất của các đơn vị làm sách nói không phải là có thêm nhiều hơn những địa điểm để triển khai đưa sách nói đến với người đọc mà làm thế nào để quy trình sản xuất sách nói tốt hơn với phần nội dung mạch lạc và ổn định hơn?
Các đơn vị đã tìm ra giải pháp để "nâng cấp" chính mình với mục tiêu đáp ứng được một lượng lớn sách nói cho độc giả. Bên cạnh hình thức sản xuất sách nói truyền thống từ các voice talent (giọng đọc tài năng), các đơn vị đầu tư phát triển công nghệ AI Voices. Với cách làm này, dự kiến, mỗi đơn vị có thể sản xuất 1.000 đầu sách/tuần trong điều kiện bảo đảm tính tự nhiên của giọng đọc. Trong cuộc thử nghiệm với hơn 800 người tại Voiz FM, hơn 70% đã không nhận ra giọng đọc AI và cho biết sẵn sàng trả tiền để mua sách.
Trong bối cảnh thị trường nội dung âm thanh trở thành xu hướng được ưa chuộng mà minh chứng là sự thành công của những ông lớn như Spotify, Apple Podcasts.., sách nói được dự báo có một tương lai rộng mở. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số trên 90 triệu người, trong đó có 56% dân số dưới 35 tuổi. Việt Nam còn là nước có dân số sử dụng smartphone đứng thứ 2 Đông Nam Á năm 2020 với 61,3 triệu smartphone. Đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của các nội dung số cũng như sách nói. Theo nghiên cứu của Voiz FM, thị trường sách nói Việt Nam hiện ở mức 300 triệu USD và cả khu vực Đông Nam Á là 3 tỉ USD.
Nắm bắt xu hướng phát triển của sách nói, các đơn vị xuất bản đã có động thái liên kết cùng phát triển. Ví dụ, Voiz FM ký kết hợp tác với các nhà xuất bản, công ty sách như: First News, Saigonbooks, NXB Tổng hợp TP HCM, NXB Văn học, NXB Kim Đồng, Học viện PACE, Bách Việt, Quảng Văn, Alpha Books, Nhã Nam, Riobook, Ecoblader… và một số nhà xuất bản nước ngoài ở Anh, Mỹ, Nhật.
Fonos trở thành đối tác chiến lược của những đơn vị như NXB Trẻ, Alpha Books, Thái Hà Books, Nhã Nam, NXB Kim Đồng, NXB Tri Thức, Đông A, Gieo Books, Thiện Tri Thức, Phanbook… Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books, khẳng định sự hợp tác giữa hai bên sẽ đem lại những bước tiến vượt bậc trong ứng dụng công nghệ vào xuất bản. "Nhất định chúng ta có những sản phẩm chất lượng, tiện lợi để bạn đọc có thể tiếp cận tri thức từ sách ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào" – ông Hùng tự tin.
Theo Thùy Trang/NLĐO
Bình luận (0)