Y tế - Văn hóaThư giãn

Sách quý hiếm của những nhà sưu tập khủng ở Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

Sài Gòn có những nhà sưu tập thuộc vào hàng 'ngọa hổ tàng long', kín tiếng quanh năm nhưng trong tay có nhiều đầu sách quý, có quyển cực hiếm và thêm chữ ký của tác giả nữa thì thành cực… hiểm!

Nguyễn Tuấn Dũng là một tay điển hình cho dạng đó.

Khác với giới chơi đồ cổ thường chỉ dồn tiền vào cổ vật, giới sưu tập sách khi muốn bước chân vào làng sưu tập sách quý hiếm phải đọc nhiều và đặc biệt phải có công phu khảo cứu thủ bút và chữ ký của nhiều tác giả danh gia của nhiều thời kỳ.

Sách quý hiếm của những nhà sưu tập khủng ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Tuấn Dũng năm xưa khi gia nhập cộng đồng Sách Xưa trên mạng, đã gây chú ý cho mọi người bởi công phu làm thư mục của anh.

Như một cách tự khảo cứu để hình thành kiến thức có hệ thống trước hết là cho nhu cầu tìm hiểu của mình, Dũng lập thư mục của nhiều tác giả Việt Nam và cả danh gia nước ngoài.

Đại khái nếu gặp một người xưng là tay chơi sách, nhưng không rõ Phạm Quỳnh có cả thảy bao nhiêu quyển, in vào thời nào, Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng nhất là quyển gì, cố cả L. Cadiere thì quyển gì là giá trị nhất… thì chỉ là loại tay chơi trọc phú chứ chưa thật am hiểu.

Trước thềm hội sách vừa rồi, Tuấn Dũng vừa "gặt hái" được bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của bản in lần đầu, có cả chữ ký của tác giả.

Những bản quý hiếm như vậy phải trả giá lên đến hàng ngàn USD, nhưng quan trọng là làm sao để giao dịch thành công, vì thường thì Dũng phải mua từ nước ngoài, bởi đơn giản là "trong nước bây giờ đã cạn khô sách quý hiếm rồi".

Trước đó nữa thì cũng chính Dũng đã tìm được hai quyển Con rồng Việt Nam (Le Dragon D’Annam) của Bảo Đại.

Sách này, bản không có chữ ký tác giả đã khó tìm, giới sưu tập vất vả lắm mới có thể sở hữu một quyển, vậy mà Tuấn Dũng tìm được hai quyển đều có thủ bút và chữ ký của vua Bảo Đại.

Giới sưu tập hay tin đều lắc đầu lè lưỡi, đến khi gặp Dũng, hỏi giá, anh lại cũng lè lưỡi lắc đầu.

Ngược lại với Tuấn Dũng, chủ Quán sách Mùa Thu từ khi tham gia Đường Sách TP.HCM thì nhiều người biết đến như một đầu mối kết nối các nhà sưu tập để làm các sự kiện liên quan đến tinh thần chơi sách, tôn vinh giá trị sách quý hiếm và các hoạt động thiện nguyện xoay quanh những nhà sưu tập sách.

Với Phạm Thu – cô chủ của Quán sách Mùa Thu – việc giao dịch và làm quen với các nhà sưu tập sách từ khi cô chưa hiện diện ở Đường Sách đã mang lại cho cô một lợi thế, cộng với niềm yêu thích tổ chức sự kiện để quảng bá sách xưa, sách quý hiếm.

Sách quý hiếm của những nhà sưu tập khủng ở Sài Gòn - Ảnh 3.

"Niềm vui là càng ngày càng có nhiều người đồng cảm với tụi em, hiểu thêm giá trị của các dòng sách quý hiếm, và đây cũng chính là động lực để Quán sách Mùa Thu đồng hành cùng Đường Sách trong nhiều hoạt động về sau", Phạm Thu chia sẻ.

Được biết, hiện tại cô chủ này đang kêu gọi giới sưu tập chung tay quy tụ các bộ sưu tập Truyện Kiều có giá trị để làm một triển lãm Kiều tại Đường Sách.

Ngoài ra, hiện tại Quán sách Mùa Thu cũng còn sở hữu một số bản sách quý đáng để cho giới sưu tập trầm trồ.

Trong làng sưu tập sách ở Sài Gòn còn một tay chơi có hạng nữa, là kiến trúc sư Vũ Hà Tuệ.

Sau nhiều năm theo đuổi các dòng sách quý hiếm thời tiến chiến (trước 1945), thời trước và đầu thế kỷ 20, gần đây, Tuệ quan tâm nhiều đến thủ bút của các nhà văn, người nổi tiếng trong và ngoài nước.

Đặc biệt trong hành trình sưu tập của mình, đôi khi bám theo những chi tiết trong cuộc đời và sự nghiệp của một tác giả, anh tìm thấy những tư liệu quý, đó là trường hợp Tuệ tìm được một bức tranh của nhà văn Nhất Linh.

Sách quý hiếm của những nhà sưu tập khủng ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Hoặc trong quá trình sưu tập thủ bút, anh có duyên sở hữu được trọn vẹn bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ do chính tác giả chép.

Bộ sưu tập của Vũ Hà Tuệ có nhiều tư liệu quý, nhưng Tuệ lại lặng lẽ làm một người quan sát hơn là xuất hiện trên các diễn đàn.

Nhân nói chuyện đọc sách hôm nay, anh cho biết vừa tìm được chữ ký và thủ bút của học giả Nguyễn Văn Huyên, điểm đặc biệt là thủ bút do Nguyễn Văn Huyên viết và ký tặng Gustave Cohen tập luận án tiến sĩ của ông: Les Chants Alternés des Garçons et des Filles en Annam – Nguyen Van Huyen. 1934 (tạm dịch: Hát đối đáp của thanh niên nam nữ Việt Nam).

Trong giới sưu tập có trường hợp một nhà sưu tập theo đuổi một dòng sách chuyên biệt, xem như mối quan tâm sâu sắc và tình cảm tha thiết dành cho dòng sách đó.

Ở Sài Gòn, nhà sưu tập Phan Thành Nhơn nổi tiếng với niềm đam mê Tam Quốc Chí.

Anh có hầu hết các truyền bản Tam Quốc ChíTam Quốc diễn nghĩa từng được dịch sang tiếng Việt. Và đáng kể nhất là anh có đủ bộ Tam Quốc diễn nghĩa do Nguyễn Liên Phong dịch, Đinh Thái Sơn in tại Sài Gòn năm 1907.

Dù vậy, Phan Thành Nhơn vẫn không tự nhận mình là một nhà sưu tập thuần túy, bởi đằng sau những bản sách đặc biệt sưu tầm được, anh còn đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến truyền bản, dịch thuật, những đóng góp của các dịch giả như thế nào…

Sách quý hiếm của những nhà sưu tập khủng ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Anh tâm sự: "Riêng với dòng "truyện Tàu", có thể có người xem là ít giá trị văn chương, nhưng với tôi, tôi lại thấy ở đó một chìa khóa để tìm lại hình ảnh xã hội Việt Nam của một thời kỳ, mở ra chiêm ngưỡng tâm hồn chính của người Việt ở một thời đoạn chưa xa.

Từ nhỏ tôi vẫn luôn thắc mắc trong truyện Tàu có cái gì, mà theo ba tôi kể lại, lúc trước tối nào ba tôi cũng phải ngồi đọc cho ông ngoại của ba nghe? Và đến khi biết tự đọc lấy, tôi may mắn mượn được trọn bộ Tam Quốc Tử Vi Lang đọc ngấu nghiến.

Đọc, rồi tìm hiểu thêm những cái xung quanh tác phẩm. Nhiều điều sáng ra, nhiều điều vẫn là thắc mắc để nửa chừng chưa thể giải đáp, vì ngoài thú vui vẫn còn cuộc sống thường ngày.

Tam Quốc có thể là bộ truyện Tàu được nhiều thế hệ dịch giả qua các thời kỳ dịch ra tiếng Việt nhất. Đã có bao nhiêu người như thế, ai là người đầu tiên, bản in đầu tiên dưới dạng sách là vào thời điểm nào, đến nay vẫn là câu hỏi mở.

Chẳng hạn, có nhà nghiên cứu từng khẳng định: "Tam Quốc là truyện Tàu đầu tiên được dịch ra tiếng Việt", nhưng hình như không phải là như vậy. Hay, bảnTam Quốc in trên báo Nông Cổ Mín Đàm thực sự ai là người dịch? Riêng điều đó đã là một đề tài lý thú.

Sách quý hiếm của những nhà sưu tập khủng ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Mối tương quan nào giữa hai dịch giả đồng thời là nhà kinh doanh xuất bản Nguyễn An Cư và Nguyễn Chánh Sắt?

Cơ duyên nào để dịch giả Nghiêm Xuân Lãm dịch lại bộ này khi đã có khá nhiều bản dịch thành công? Sau đó nữa, Tử Vi Lang đã triển khai việc dịch lại như thế nào cho bản in của Ngôn Luận/Á Châu?

Thật nhiều vấn đề còn cần tìm hiểu tiếp, và đâu đó, vẫn có những câu trả lời đang lẩn khuất, đang chờ ai đó đến đào xới".

Lam Điền/Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)