Các tác phẩm viết về tâm lý tội phạm hay truyện trinh thám đang vươn lên vị thế mới trên thị trường sách. Nhiều tác phẩm mới ra thị trường trong thời gian qua được độc giả đón nhận, trong đó có nhiều độc giả trẻ.
Đa dạng thể loại
Sách viết về tâm lý tội phạm là những tác phẩm dựa trên sự kiện có thật hoặc hư cấu, đề cập đến những hành vi phạm tội, lệch lạc tâm lý…, đưa độc giả đến với suy nghĩ, động cơ đằng sau những hành động ấy. Những câu chuyện này thường đặt câu hỏi về giới hạn của tâm lý con người, tạo ra không gian tư duy sâu sắc và thú vị để người đọc suy ngẫm.
Thời gian gần đây, rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại này được tái bản, in nối liên tục. Chỉ trong tháng Chín, nhiều tựa sách đã được xuất bản. Từ những tên tuổi đã quá quen thuộc như Sir Arthur Conan Doyle (bộ Sherlock Holmes liên tục được tái bản mới), Agatha Christie (Áo quan đóng nắp), Edogawa Ranpo (Gã hề địa ngục), Higashino Keigo (Nỗi niềm của thám tử Galileo)… đến mới hơn, như Arthur B. Reeve (Bàn tay đen), Ellen Marie Wiseman (Những cô gái mất tích ở Willowbrook)… Hay dòng sách trinh thám Ý với Cô gái đến từ Milan, Giorgio Scerbanenco… Cá biệt, nhà văn Nhật Bản Higashino Keigo đến nay đã có hơn 40 tác phẩm ra mắt tại Việt Nam.
Một số tác phẩm trinh thám, tâm lý – tội phạm được ra mắt trong thời gian qua
Các đơn vị làm sách cũng mở rộng phạm vi khai thác khi tiếp cận với các nền văn chương ngoài Âu – Mỹ cũng như Bắc Âu đã quá nổi tiếng. Một trong số đó là Trung Quốc, nơi nhiều tác phẩm đang rất được quan tâm. Có thể kể đến Mê cung ký ức (Đới Tây), Nhật ký pháp y – Da người, đuốc sống và đá hồng (Hồng Mâu), Vườn hoa Mạt Dược ký sự (Hà Mạt Bì)… Nhật Bản với 2 tên tuổi Higashino Keigo và Edogawa Ranpo cũng có các tác phẩm ra mắt gần như liên tục. Gần đây Uketsu với cách viết mới, kết hợp trinh thám cùng bản vẽ kiến trúc, bức tranh vẽ tay… cũng được quan tâm, đón nhận.
Hòa chung vào xu hướng này, các tác giả Việt Nam cũng giới thiệu một số tác phẩm thuộc đề tài này như Phong Điệp với cuốn trinh thám – hình sự Cuốn sổ máu, Đỗ Quang Vinh với Trường hợp số 7…
Sức hút lớn
Chia sẻ với PV, nhà văn Đức Anh – tác giả của những tác phẩm Đảo bạo bệnh, Thiên thần mù sương – cho biết: “Xã hội ngày càng quan tâm đến vấn đề tinh thần và tâm lý hơn. Đề tài trinh thám và tâm lý tội phạm có thể nói là cánh cửa dễ tiếp cận nhất. Tôi không nói rằng việc đọc những tựa sách này sẽ giúp hiểu được con người, hiểu được thời đại nhưng nó sẽ là món ăn tinh thần, giúp khám phá phần tối bên trong con người vốn rất quan trọng”.
Những tựa sách của nhà văn Higashino Keigo đã xuất bản ở Việt Nam
Thạc sĩ tâm lý Lại Vũ Kiều Trang – giảng viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội – bày tỏ: “Ngành tâm lý tội phạm và văn chương tập trung vào việc phân tích những yếu tố đã biến đổi một người bình thường thành một tội phạm. Những yếu tố này có thể xuất phát từ môi trường gia đình, vết thương tinh thần, sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Khao khát về nhận thức luôn luôn hiện diện trong mỗi con người và việc đọc văn học, nghiên cứu sách cũng là một cách để hiểu hơn những khía cạnh tâm lý phức tạp mà chúng ta gặp phải”.
Từ góc độ của đơn vị xuất bản, đại diện Linh Lan Books cho biết: “Chúng tôi thường đọc kỹ bình luận của độc giả bản địa đối với tác giả nước ngoài. Các chi tiết quá bạo lực cũng sẽ được xem xét và thảo luận lại với nhà xuất bản liên kết. Các biên tập viên tại đây thường cho chúng tôi những lời khuyên chuyên môn dựa trên tiêu chí xác đáng của họ. Quan trọng hơn cả, chúng tôi luôn lấy tiêu chí sách phải có những thông điệp nhân văn, những câu chuyện đáng suy ngẫm thì mới đầu tư liên kết xuất bản”. |
Tuy vậy, việc xuất hiện quá nhiều tác phẩm trên cũng tạo nên tâm lý e ngại về tác động và sức ảnh hưởng của nó đến người đọc. Liên quan đến góc nhìn này, nhà văn Đức Anh chia sẻ: “Sách trinh thám, tâm lý tội phạm là một thú vui giải trí vừa phải, không có dụng ý xui khiến ai đó làm những điều ác. Nó cũng chưa hấp dẫn đến mức ảnh hưởng lệch lạc đến các độc giả. Theo tôi, xã hội sẽ tốt hơn nếu như mọi người có thể dành thời gian đọc một dòng sách mang tính đấu tranh với cái ác, từ đó ca ngợi sự thông minh, chiến thắng của lý trí, lòng bao dung và trách nhiệm”.
Anh cũng chia sẻ về sự cân nhắc trong quá trình sáng tác của mình: “Tâm lý tội phạm chỉ là một trong những yếu tố văn chương làm nên tổng thể của một tác phẩm. Người viết phải rất tỉnh táo và tinh tế khi sáng tác, không thể để sách tội phạm trở thành sách dạy trở thành tội phạm và học cách che giấu tâm lý, cảm xúc. Mô tả và đấu tranh với tội phạm, với cái ác giữa đời thường cũng quan trọng không kém so với mô tả đói nghèo, dịch bệnh và chiến tranh… Tôi đang tham gia cuộc vận động sáng tác Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống của Bộ Công an, thường xuyên trao đổi với các biên tập viên và chuyên gia trong lĩnh vực để tìm ra những cánh cửa cho văn học trong thể loại này. Người đọc của thể loại này cởi mở đón nhận nhưng luôn nhạy bén tiếp thu”.
Theo Ngô Minh/PNO
Bình luận (0)