Cả một rừng sách tham khảo, trong đó NXB “sân nhà” Giáo Dục cũng góp phần làm cho thế giới sách này thêm loạn. Trong ảnh: học sinh chọn mua sách tham khảo tại nhà sách Fahasa Sài Gòn, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 26-4) – Ảnh: MINH ĐỨC
Theo hiệu trưởng của nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội, khi Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản gửi cho các trường về việc “không ép học sinh mua sách tham khảo”, và Bộ GD-ĐT cũng công bố “không chỉ đạo việc phát hành sách tham khảo ôn thi đến các trường THPT”, thì hầu hết các trường đã tổ chức cho học sinh lớp 12 mua sách theo đúng danh mục của NXB Giáo Dục giới thiệu – những bộ sách được xem là “có phối hợp với Bộ GD-ĐT để biên soạn”. Có nghĩa công văn “cấm” ban hành đã đi sau công văn “hướng dẫn mua” một thời gian dài.
Tự chọn… theo công văn
Bối rối với lời chào mời
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.7, TP.HCM bức xúc: “Sách tham khảo ư? Nhiều vô kể, làm sao nhớ nổi có bao nhiêu loại được giới thiệu về trường! Cứ đến đầu mùa thi, các trường lại nhận được rất nhiều thư chào mời mua sách tham khảo. Nhiều thư thậm chí không thèm ghi tác giả sách là ai nữa… Chọn sách nào, học theo sách nào, tôi còn bối rối huống gì học sinh”.
Trong khi đó, một hiệu trưởng khác cho biết: “Có khi một cuộc điện thoại gọi đến giới thiệu sách tham khảo kèm theo khoản hoa hồng khá lớn nếu trường đặt mua số lượng nhiều. Cách quảng bá sách như thế này có lợi cho người làm sách hơn là cho học sinh”.
PHÚC ĐIỀN
|
Có chuyện bán sách tham khảo có tổ chức là do từ tháng 2 và tháng 3- 2010, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận được công văn của NXB Giáo Dục và Cục Khảo thí – kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) với nội dung giới thiệu các bộ sách “Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2010”, gồm sáu môn thi (văn, toán, ngoại ngữ phát hành trước, các môn còn lại sẽ phát hành vào 1-4, sau khi công bố môn thi tốt nghiệp năm 2010 khoảng gần một tuần) và bộ “Cấu trúc đề thi năm 2010” (hai cuốn). Và Sở GD-ĐT đã có công văn đến các trường THPT trên địa bàn với nội dung giới thiệu sách mà “học sinh nên mua”.
Với tựa bìa sách liên quan trực tiếp đến chuyện ôn thi của học sinh và các công văn thể hiện sự “phối hợp của Bộ GD-ĐT”, hầu hết học sinh các trường ở Hà Nội đều mua.
Các trường thống kê số lượng và đến Sở GD-ĐT Hà Nội nhận sách về cho học sinh, giống như quy trình phát hành sách chính thống. Theo thầy Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, mặc dù nhà trường có hướng dẫn học sinh không nên lạm dụng sách tham khảo, nhưng đến giờ vẫn còn nhiều học sinh, phụ huynh đến nhờ trường mua giúp hai bộ sách trên.
Không mua có được không?
Ngày 22-4, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã họp với các đơn vị trực thuộc về vấn đề sách tham khảo. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Bộ không hề có chủ trương phát hành sách tham khảo, càng không có chủ trương ép học sinh mua sách tham khảo”. Ông Vũ Đình Chuẩn – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) – khi trao đổi với Tuổi Trẻ cũng khẳng định: “Vụ không tổ chức viết sách để phát hành, mà chỉ có một số cá nhân tham gia với các NXB”.
Theo quy định tại thông tư liên bộ số 35, có hai loại sách tham khảo. Loại thứ nhất là sách tham khảo viết theo chủ trương của Bộ GD-ĐT nhằm phục vụ công tác chuyên môn, chỉ có NXB Giáo Dục chịu trách nhiệm phát hành. Loại thứ hai là sách tham khảo thông thường, không nằm trong chủ trương của Bộ GD-ĐT và không được phép ép buộc học sinh mua.
Năm 2009-2010, loại sách được biên soạn theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT chỉ có bộ “Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng” ở tất cả các lớp học từ lớp 1-12. Sách này phục vụ chủ trương dạy học bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm giảm quá tải, sát đối tượng học sinh. Nhưng tài liệu trên không phát hành đến học sinh, phụ huynh mà chỉ chuyển về các sở GD-ĐT phục vụ việc tập huấn dạy học. Ngoài bộ sách trên, các sách tham khảo khác Bộ GD-ĐT không chịu trách nhiệm.
Đó là về mặt danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, việc NXB “choàng gánh cùng biên soạn với Bộ GD-ĐT” đã khiến những sách có dính dáng đến ôn luyện đều dễ dàng đi vào hệ thống nhà trường. Chỉ tính riêng lớp 12 đã có đến triệu học sinh và một bộ phận lớn trong số này “tự nguyện” mua sách. Sự lập lờ của NXB Giáo Dục là chiêu đánh lừa nhiều học sinh, dù để “cãi lại”, đại diện NXB cho biết “vẫn làm đúng Luật xuất bản” (về quy trình, thủ tục giấy tờ).
VĨNH HÀ – NGỌC HÀ / TTO
Bình luận (0)