Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sách tham khảo trước mùa thi: Hoa mắt!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các nhân viên bán sách tại cửa hàng của Công ty sách – thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội ở 45B Lý Thường Kiệt, Hà Nội, có đến 10.000 đầu sách tham khảo khiến học sinh và phụ huynh luôn hoa mắt khi phải lựa chọn.

Thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp đến, thí sinh nên chọn sách nào trong “rừng” sách tham khảo ấy?

Biết chọn STK nào trong những chồng STK môn toán dày cộp thế này?
Ảnh: Hồ Thu

Trong cửa hàng, tiếng điểm sách của nhân viên bán hàng chốc chốc lại vang lên khiến khách không khỏi giật mình: Sách tham khảo môn toán: gần 300 cuốn; Lớp 11: 150 đầu sách; lớp 10 cũng với số lượng sách tham khảo (STK) ấy…

Một nhân viên bán sách của cửa hàng cho biết với lượng sách tham khảo khổng lồ như thế, học sinh vẫn còn hỏi đến những tên sách mà ở cửa hàng không bày bán và phải ra mua ở các cửa hàng của tư nhân. Khi được khách hàng hỏi, nhân viên bán hàng lấy ra một lượng rất lớn STK Toán chuyên đề lớp 12 của 3 tác giả khá nổi tiếng, mỗi bộ có đến 6 -7 cuốn.

Anh Võ Hoàng Minh, khách mua sách cho biết anh phải chọn sách của các tác giả nổi tiếng do giáo viên hướng dẫn. Một nhân viên bán hàng cũng cho biết học sinh thường mua sách của các tác giả có tên tuổi. Sách của tác giả mới ít được người mua xem đến. Tuy nhiên, có những cuốn sách giống hệt nhau về tên, hình thức, cùng tác giả, chỉ khác thời điểm phát hành khiến  người mua dễ mất phương hướng.
“Đủ loại tham khảo. Sách của trung ương, sách ngành GD&ĐT địa phương, sách nhà xuất bản địa phương, sách của nhóm giáo viên… Học sinh không biết đường nào mà lựa chọn. Sách được xào đi xào lại, in đi in lại sau mỗi năm học nhưng nội dung vẫn thế vì chúng ăn theo sách giáo khoa và chương trình” – Ông Lê Phạm Hùng, giáo viên Văn trường THPT Hà Nội -Amsterdam nhận xét.
Một thầy giáo cho biết ông đang được rủ làm sách,  chứ không phải viết sách như trước kia vốn được viết ra thậm chí suốt cả cuộc đời lao tâm khổ tứ. “Sách đã nhiều đến vậy nhưng người ta vẫn rủ nhau “làm tiếp” – Vị giáo viên này than vãn.
Chọn sách nào?
Thầy giáo Lê Phạm Hùng đưa ra lời khuyên: Học sinh chỉ cần đọc sách chuẩn. Điều quan trọng là thí sinh biết cách chọn và khai thác STK.
Ví như STK môn Văn. Loại sách này có 2 dạng: một là trình bày nội dung như một bài tập làm văn theo nhiều khía cạnh khác nhau cho các tác phẩm văn học; hai là phân tích nội dung nghệ thuật chính của tác phẩm giống như bài giảng được viết một cách đầy đủ. Nếu thí sinh muốn hiểu sâu, có một cái nhìn chặt chẽ cho các tác phẩm thì chọn loại trình bày toàn bộ.
Tuy nhiên, nếu không hiểu, không biết vận dụng, gặp đề nào cũng đưa nguyên xi vào bài làm thì kể như không học. Ngoài ra, thí sinh cũng cần lựa mua sách của NXB Giáo dục hay của các trường đại học lớn và chỉ nên chọn 1-2 cuốn.
Theo thầy giáo Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm khối THPT chuyên Toán-Tin, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, trong mấy trăm cuốn STK của môn Toán cũng có tới 50 cuốn hay và học sinh chỉ nên mua các sách cơ bản mà không cần sách chuyên đề.
Với môn thi trắc nghiệm như Vật lý và Hóa học, thí sinh cũng cần có cách khai thác STK riêng. Theo thầy giáo Nguyễn Cảnh Hòe, giáo viên khối THPT chuyên Vật lý, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, trong khoảng 30-40 đầu STK các môn này, thí sinh nên đọc các sách trắc nghiệm và sách tự luận với tỷ lệ 50-50. Thầy Nguyễn Cảnh Hòe còn lưu ý: Tất cả thí sinh nên chú ý chương 1 dành cho ban A.

Với STK môn Toán, các tác giả viết sách chất lượng mà thí sinh có thể tham khảo là: Đoàn Quỳnh, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Vũ Lương, Đỗ Thanh Sơn, Văn Như Cương, Lê Bá Khánh Trình. Các NXB tin cậy là: ĐHQG, Bộ GD&ĐT, Giáo dục.

Với các môn trắc nghiệm như Vật lý và Hóa học, các tác giả đang được giới chuyên môn đánh giá viết sách chất lượng là: Mạnh Tuấn, Trịnh Giang Sơn, Nguyễn Cảnh Hòe, Nguyễn Văn Báu.

Theo Hồ Thu / TPO

 

Bình luận (0)