Quả tình là anh chị em giáo viên dưới trường có nhiều chỗ còn lúng túng trong giảng dạy. Kiến thức chưa được vững cũng có, phương pháp cũng còn có nhiều lúng túng nữa. Cho nên các thầy cô ở Bộ, ở các trường sư phạm bỏ công sức ra viết sách hướng dẫn tham khảo là rất đáng trân trọng. Nếu lại có các tập thiết kế bài giảng in ra để giúp anh chị em đỡ công soạn giáo án thì càng được hoan nghênh. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, việc giúp nhau như thế không chỉ đòi hỏi cái tâm, hay nói đúng hơn là không chỉ cần cái tâm… nửa vời. Bởi dù có ít tài mà cái tâm trọn vẹn thì người ta cũng ít dám đưa ra những sản phẩm làm ẩu, không xài nổi để mà xui nhau xài! Nói thế có thể sẽ “va chạm”, làm chạnh lòng cả những người vừa có tài vừa có tâm. Thôi thì cứ phải nói cho cụ thể một vài cái sản phẩm để đỡ gây lộn xộn. Đó là mấy chỗ soạn dạy về phần “nghĩa từ” và “sự chuyển nghĩa từ” ở quyển sách Thiết kế bài giảng Ngữ văn lớp 6 (tập I) của hai tác giả N.V.Đ và H.D (NXB Hà Nội tái bản 2003).
Trước hết nói về sự phân biệt nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Người giáo viên bình thường nhất cũng có thể dựa vào sách giáo khoa (SGK) và sách giáo viên (SGV) để phân biệt đúng hai khái niệm này. Và nếu chưa hiểu thì anh chị em cũng có thể dựa vào SGV để tìm ra mấy cái nghĩa khác nhau của chữ chân trong đoạn thơ dẫn ở SGK(1). Khá hơn một chút, cẩn trọng hơn một chút, người ta có thể tra Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ để biết đến 6 cái nghĩa của chữ chân này (phân biệt với chữ chân thứ hai chỉ chân mạ…) mà vận dụng thích hợp với từng từ dùng theo nghĩa chuyển kia. Qua đó có thể cũng giúp HS hiểu được cơ bản cơ sở liên tưởng khi chuyển nghĩa.
Dễ thấy là qua các hoạt động của HS và GV trong bài thiết kế có những kiến thức về nghĩa gốc, nghĩa chuyển nêu ra không đúng. HS nói không đúng, GV không sửa. Cái câu “chốt” về từ chân ấy lẽ ra phải dẫn đến sự hình thành khái niệm lại bị bỏ qua để chuyển sang “Hoạt động 2” củng cố điều vừa học một cách thiếu cơ sở. Hơn nữa tác giả còn đưa ra một cái bảng so sánh để thấy “muốn hiểu được nghĩa chuyển nhất định phải dựa vào nghĩa gốc với những lý giải không thể chấp nhận. Tác giả cho rằng chân người và chân kiềng giống nhau vì cùng nghĩa gốc là “bộ phận tiếp xúc với đất” còn nghĩa chuyển là sự khác nhau ở chỗ có rời chỗ hay không. Thật ra nghĩa gốc là nghĩa nói về chân người, chân động vật (nghĩa 1 ở từ điển). Còn cái nghĩa chuyển ở chân kiềng là nghĩa 4 ở từ điển, chỉ “bộ phận dưới cùng” của một số đồ dùng. Phải thấy cơ chế liên tưởng và phương thức tạo từ bằng ẩn dụ ở sự chuyển nghĩa ấy. Tác giả tỏ ra cũng không hiểu đúng cơ chế này khi chú thích thêm: lấy chân cái võng(1) để chỉ chân của người là ẩn dụ!(2)”. Xin lỗi, dạy dỗ như thế, hay hướng dẫn nhau như vậy là nhân cái sai của mình lên nhiều lần đấy!
Lại phải nói đến việc chữa bài tập ở bài dạy về “Nghĩa của từ”. Tác giả có lẽ không ý thức đầy đủ rằng chữa bài tập là dạy học sinh vận dụng kiến thức đã được học để giải quyết các bài tập, các thực tế ngôn ngữ đối chiếu với điều đã học. Qua việc hướng dẫn ở “thiết kế” ta thấy tác giả còn làm HS hiểu sai kiến thức đã học. Với chú thích về từ “hồng mao” ở SGK (bài Sơn Tinh Thủy Tinh) ta thấy SGK chỉ “dịch” từ mượn này ra tiếng Việt (gọi là “định nghĩa” hẳn là chưa đúng). “Bờm ngựa” đâu phải là “khái niệm” của hồng mao mà tác giả bảo đó là “cách giải thích bằng khái niệm”! Khi SGK giảng (chú thích) từ nao núng là (lung lay, không vững lòng tin ở mình nữa” thì SGK đã giảng từ theo cách nêu khái niệm(3). Đó đâu phải là “giải thích bằng từ đồng nghĩa” (lung lay)! Từ điển tiếng Việt giảng nghĩa từ “lung lay” khác nghĩa nao núng nhiều: “làm cho nghiêng ở trạng thái nghiêng bên này, ngả bên kia, không còn giữ được thế đứng vững chắc”.
Càng khó mà chấp nhận việc tác giả lưu ý giáo viên về việc giải nghĩa từ “mất” trong câu chuyện “Thế thì không mất”. Thôi thì bỏ qua đi cách hiểu nghĩa đen là nghĩa từ điển và nghĩa bóng là nghĩa văn cảnh, ta vẫn phải nói về điều tác giả chỉ ra được cái hay ở câu chuyện. Với câu chuyện này phải dựa vào đặc điểm nhiều nghĩa của từ (đặt sau bài “Nghĩa của từ” là chưa hợp). Cái nghĩa đầu tiên của mất, từ điển ghi là “không còn thấy, không còn tồn tại, cần thêm “không biết nó ở đâu”. Cái nghĩa thứ hai từ điển ghi “không còn thuộc về mình nữa” (dù vẫn tồn tại). Cái hay của câu chuyện là sự thông minh của cái Nụ. Nó đã đánh tráo cái nghĩa 1 không quan trọng bằng nghĩa 2 ở trường hợp này. Nó định nghĩa từ mất bằng “không biết nó ở đâu” để gài bẫy cô chiêu trong truyện. Cô đã theo lẽ thường chấp nhận cái nghĩa 1 mà cái Nụ đưa ra. Vô tình công nhận việc đánh rơi đồ vật không lấy lại được là “không mất”. Phải chỉ ra cơ sở vận dụng kiến thức ngôn ngữ học về nghĩa, về tính nhiều nghĩa của từ và cái giỏi ở việc khai thác tính nhiều nghĩa của từ trong cuộc sống. HS sẽ khó mà hiểu được việc nêu ra cụm từ “biết nó ở đâu có thể gọi là mất” để hỏi hay ở chỗ nào. Càng khó mà hiểu được cái kết luận tác giả nêu ra “Như vậy, mất có nghĩa là không mất, nghĩa là vẫn còn” “Chỗ lắt léo của bài tập này là ở đó”. Kể ra tác giả chỉ cần đọc kỹ SGK một chút cũng đã có thể tránh được việc làm thiếu cẩn trọng này.
Đến đây xin khép lại bài viết nhỏ. Chỉ mong rằng khơi lên một chút ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc nghiêm túc trọng người và trọng mình ở những người viết sách, nhất là viết sách dạy người khác. Có thể gợi cho các bạn giáo viên đã mua các loại sách kiểu này nên có thái độ cổ nhân đã dạy: đừng quá tin sách, tin hết ở sách thà không có sách!
Ghi chú:
(1) Đoạn thơ thiếu nhi về những cái chân: Cái gậy có một chân/ Biết giúp bà khỏi ngã/ chiếc com pa bố vẽ/ Có chân đứng, chân quay/ Cái kiềng đun hàng ngày/ Ba chân xòe trong lửa/ Chẳng bao giờ đi cả/ Là chiếc bàn bốn chân/ Riêng cái võng Trường Sơn/ Không chân đi khắp nước.
(2) Tác giả đã nói “cái võng không chân” rồi. Cũng không có chuyện lấy võng chở người theo phương thức hoán dụ! Cần nói thêm dùng từ “chân” với cái gậy chỉ có thể chấp nhận ở bài thơ cụ thể này, không phải là cách dùng từ ở từ vựng học, ngôn ngữ học.
(3) So với Từ điển tiếng Việt, thiếu vài chữ: Thấy có sự…
Lê Xuân Mậu (Hà Nội)
Bình luận (0)