Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sách thiếu nhi phải vừa hay vừa đẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Khi thị trường xuất hiện những bản sách thiếu nhi được chăm chút để thiết kế đẹp, dàn trang sang trọng, chọn giấy in đặc biệt hơn, nhiều người tấm tắc ủng hộ và cộng đồng bạn đọc nhỏ tuổi cùng ghi nhận nỗ lực của những người làm sách.

Ông Phạm Quang Vinh – Ảnh: L.Điền

Tuổi Trẻ trò chuyện với một trong những người vừa giữ vai trò phụ huynh đi tìm sách đẹp, vừa là người chủ trương làm ra các bản sách đẹp cho các em. Ðó là họa sĩ Phạm Quang Vinh – giám đốc NXB Kim Ðồng.

Thị trường sách thiếu nhi ngoại văn rất đa dạng

* Bà Hoàng Yến – phó giám đốc Alpha Books:

– Hiện nay thị trường sách thiếu nhi ngoại văn rất đa dạng, nhất là các sách giải trí, truyện tranh. Song có lẽ cần thiết cho độc giả nhỏ tuổi Việt Nam là sách kỹ năng và sách văn học. Việc mua bản quyền sách thiếu nhi hiện nay không khó.

Cái khó với các đơn vị xuất bản là phải làm sao để các đầu sách hay tới được các em và cả phụ huynh ở khắp mọi vùng miền. Có những bộ sách đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới như Tư duy cùng bé, Kỹ năng sống cho bé rất hay, chúng tôi đang nỗ lực phát hành ở Việt Nam.

L.Đ. ghi

* Vài năm trở lại đây, nhiều bạn đọc nhận thấy NXB Kim Ðồng ra mắt một loạt sách đẹp, như Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài bản in có thủ bút tác giả, các sách của Vũ Bằng, sách về Thăng Long – Hà Nội… thể hiện ở khổ in, thiết kế bìa, dàn trang, loại giấy… đều bắt mắt. Có phải Kim Ðồng đang có chủ trương khởi động một hành trình làm ra và mang đến cho thiếu nhi những bản sách đẹp?

– Ðối tượng của sách Kim Ðồng là độc giả trẻ với nhu cầu luôn thay đổi: đòi hỏi hay hơn và đẹp hơn. Ðối với sách Kim Ðồng, mỹ thuật là nội dung thứ hai của cuốn sách. Ðể nâng cao chất lượng mỹ thuật đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ làm sách: vừa giữ gìn bản sắc văn hóa mỹ thuật người Việt, và tiếp thu học hỏi từ tinh hoa mỹ thuật thế giới, rồi định hướng thẩm mỹ cho các em và tạo dấu ấn, phong cách riêng của NXB Kim Ðồng.

Chúng tôi luôn đề cao sự sáng tạo của đội ngũ làm sách với một định hướng chung "dành cho trẻ em những điều tốt nhất" mà chúng ta có thể.

* Trong bối cảnh xã hội có nhiều phương tiện chi phối việc đọc sách, ông có ghi nhận trong các bạn đọc thiếu nhi hiện nay có sự chuyển dịch gì về thị hiếu?

– Sự đa dạng phong phú của thời đại truyền thông đa phương tiện khiến các em có rất nhiều sự lựa chọn. Trẻ em thành phố – đối tượng mua và đọc sách chính – đòi hỏi những nội dung hiện đại hơn: phục vụ kỹ năng sống, giải trí… bên cạnh việc đọc để thu nhận kiến thức. Cách thể hiện cũng phải nhanh hơn, linh hoạt hơn, thích nghi với nhịp sống hiện đại. Nhiều em còn rất nhỏ đã đọc và hiểu khá tốt 1-2 ngoại ngữ… Làm sách cho những đối tượng đó bắt buộc người làm sách phải thông minh hơn, nhanh hơn, biết lắng nghe và quan sát hơn.

* Việc tiếp cận sách của các em đang có sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, cách những trung tâm đô thị lớn chừng 50-100 km việc tìm mua sách, cập nhật sách mới của các em đã là chuyện khó khăn. NXB Kim Ðồng có quan tâm đến vấn đề này không?

– Ðó là một thực tế đáng buồn mà chỉ có các NXB không thôi thì không đủ sức cải thiện thực trạng này. Sự chênh lệch mức sống và mức hưởng thụ văn hóa quá lớn đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa đọc.

Biết là cố gắng của mình cũng chỉ như muối bỏ biển, nhưng từ nhiều năm nay NXB đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và khuyến khích văn hóa đọc: hàng ngàn Tủ sách Kim Ðồng đã được trao tặng tại các địa phương: Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ. Hàng ngàn bản sách trao tặng thư viện trường học các tỉnh. Trong khuôn khổ hoạt động của dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Ðan Mạch, 15 câu lạc bộ đọc sách cho các em đã được thành lập trên cả nước…

Hi vọng trong tương lai, khoảng cách về sách của thiếu nhi nông thôn và thành thị được rút ngắn dần. Nhưng tôi cũng nhắc lại là điều này cần phải trở thành một nhu cầu và là mối quan tâm chung của toàn xã hội, thì việc đọc của trẻ em nông thôn mới có thể được cải thiện cơ bản.

L.ÐIỀN – V.HOÀI (Theo TTO)

Bình luận (0)