Ở bậc tiểu học, việc giảng dạy những kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý giữ vai trò rất quan trọng. Muốn học sinh hiểu đúng vấn đề sự kiện thì sách giáo khoa cần phải thống nhất, viết đúng và chính xác.
Tuy nhiên, sách giáo khoa Tiếng Việt 4 có những chi tiết chưa chính xác làm cho học sinh nhận thức không đúng và hiểu sai sự kiện: ví dụ: Sách Tiếng Việt 4 – Tập I của NXB GD, xuất bản năm 2005, bài Một người chính trực trang 36, viết: “nhưng một bà thái hậu khác lại muốn lập con mình là Long Xưởng…”. Còn sách xuất bản năm 2007 lại viết: “nhưng bà Chiêu Linh thái hậu lại muốn lập con mình là Long Xưởng…”. Bài: Ông trạng thả diều trang 104, sách xuất bản năm 2005 viết: “Vào đời vua Trần Nhân Tông…” còn sách xuất bản năm 2007 lại viết: “Vào đời vua Trần Thái Tông…”. Những chi tiết không thống nhất trên không hề được đính chính, gây thắc mắc cho học sinh, còn giáo viên không biết giải thích như thế nào, sách nào viết đúng? Riêng bài: Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa. Sách Tiếng Việt 4 – Tập II, xuất bản năm 2007, lại viết chưa chính xác về những công lao đóng góp của Trần Đại Nghĩa – một người có công lớn với đất nước, một nhân vật lịch sử. Bài có đoạn: “Trên cương vị Cục trưởng Cục Quân giới ông đã cùng anh em nghiên cứu chế ra những vũ khí có sức công phá lớn như súng Bazoka, súng không giật, bom bay tiêu diệt xe tăng và lô cốt của giặc…”. Trời đất: Bazoka và súng không giật thực chất chỉ là một. Đó là một loại pháo chế tạo theo nguyên lý phản lực “không giật” (Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam). Nếu nói ông đã chế tạo ra Bazoka thì thôi không nói chế tạo ra súng không giật nữa. Viết như sách, học sinh dễ hiểu ông đã chế tạo ra hai loại vũ khí. Hoặc viết: “Bazoka là súng không giật” đừng có dấu phẩy. Tương tự bài tập đọc còn đề cập là ông đã chế tạo ra “bom bay” mà không có ở phần chú giải. Đây cũng là chi tiết không chính xác. Vì, cũng theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, “bom bay là tên thường chỉ các loại tên lửa có điều khiển do Đức chế tạo và sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ II”. Thực ra ông là người chế tạo ra bom phóng. Bom phóng có tính năng kỹ thuật khác hẳn bom bay. Bom bay là tên lửa đất đối đất có tầm bắn xa. Còn bom phóng được chế tạo bằng cách cải tiến từ đầu đạn pháo cỡ 75-105mm thu được của địch, là loại đạn phóng có tầm bắn gần.
Những sai sót không đáng có của sách Tiếng Việt 4 cần được đính chính và sửa sai ngay để con em chúng ta có được bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh và giảm tải chuẩn với chương trình.
Nguyễn Tiến Tỏa
Bình luận (0)