Y tế - Văn hóaThư giãn

Sách tranh minh họa: Làn gió mới cho ngành xuất bản

Tạp Chí Giáo Dục

Đang có ngày càng nhiều các tác phẩm văn học được khoác áo mới với tranh minh họa màu, hoặc được thể hiện dưới các hình thức mới, khác biệt. Các công ty xuất bản và nhà làm sách ngày càng quan tâm hơn đến việc minh họa, nhằm mang đến những kết hợp thị giác, giúp tối ưu hóa trải nghiệm đọc sách của người đọc trẻ.

Hàng loạt những tác phẩm mới gần đây được cho ra mắt theo hướng đi này, có thể kể đến như Người trồng rừng của Jean Giono được minh họa bởi họa sĩ Trần Quốc Anh, Nhìn lại cuộc sống đẹp biết bao của ông Chan Jae Lee và bà Kyong Ja An, Sapiens Lược sử loài người bằng tranh của Yuval Noah Harari, Vườn bách thảo, Vườn bách thú bằng tranh của tác giả Adrienne Barman, Aftermath – Ác quỷ rừng phế tích của Nguyễn Hải Nam…

Tiềm năng của tranh minh họa màu

Việc kết hợp với tranh minh họa màu cho thấy nhà xuất bản đang đa dạng hóa độ tuổi của lứa độc giả ngày nay. Những cuốn sách vốn dĩ đã mang nội dung phù hợp với mọi lứa tuổi nay được minh họa mới, càng tăng thêm phần cuốn hút với những bạn nhỏ. Trong lần phát hành gần đây, phiên bản Việt của cuốn Người trồng rừng là ấn bản duy nhất trên toàn thế giới có thêm phần minh họa; hay Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài được tái sinh lần nữa qua minh họa của Đậu Đũa, đã cho thấy xu hướng đón đầu của các nhà làm sách hiện nay.

Tranh minh họa trong tác phẩm Người trồng rừng

Việc kết hợp này cũng mang đến một sự phổ quát rộng rãi trong người đọc. Nếu trước đây, những cuốn sách phi hư cấu như Sapiens Lược sử loài người đòi hỏi người đọc một vốn kiến thức nền, sự ham thích cũng như thời gian theo đuổi khá dài thì nay, với ấn bản gần như truyện tranh, người đọc vừa tiết kiệm được thời gian, nhưng vẫn đảm bảo tiếp nhận nội dung một cách đơn giản và đầy đủ nhất.

Điều này cũng được thấy ở bộ Vườn bách thảo, Vườn bách thú bằng tranh của tác giả Adrienne Barman, khi được giới thiệu như một bách khoa thư cho mọi lứa tuổi. Sự đón nhận từ phía độc giả cũng vô cùng lớn, khi Người trồng rừng liên tục được các bạn trẻ chia sẻ lên Instagram bởi sự hồn nhiên, dễ gần; trong khi Sapiens Lược sử loài người bằng tranh liên tục được nhắc đến qua các bài điểm, cảm nhận và chia sẻ ở các hội nhóm sách khác nhau trên Facebook.

Anh Lê Nguyễn Đại Việt – Trưởng ban Khai thác bản quyền của Công ty sách Phương Nam – chia sẻ: “Đơn vị làm sách nào cũng muốn tự tạo ra nội dung riêng của mình. Nội dung đó bao gồm tranh vẽ trong các sách minh họa. Với những nội dung đó, đơn vị xuất bản vừa tạo được dấu ấn riêng, vừa sở hữu được bản quyền, thay vì cứ phải chạy theo việc mua bản quyền sách nước ngoài”.

Vườn bách thú bách thảo bằng tranh

Về phía người đọc, anh cũng chia sẻ thêm: “Có lẽ người đọc luôn yêu thích sự kết hợp giữa tranh vẽ minh họa và phần chữ. Nhưng cũng có những người không thích. Yếu tố quan trọng nhất là người đọc luôn thích những gì sáng tạo và khác biệt. Tranh vẽ minh họa luôn đem lại sự mới mẻ đó, chưa bàn là tốt hay xấu. Nếu tranh minh họa không phù hợp vẫn có thể gây ra ép phê ngược”.

Các tác phẩm văn học kinh điển cũng không đứng ngoài trào lưu này, khi các nhà làm sách ngày càng đẩy mạnh chất lượng bằng việc tìm tòi và mua bản quyền các tranh minh họa từ các ấn bản nước ngoài. Đại diện của xu hướng này có thể nhắc tới Đông A, với những cuốn sách như Truyện cổ Grimm hay Cuốn theo chiều gió, họ là nhà phát hành đầu tiên có sử dụng tranh minh họa, nên người đọc vẫn luôn lựa chọn thương hiệu của họ trước nhất, dù thị trường có nhiều công ty cạnh tranh.

Do đó, xu hướng ngày càng hoàn thiện chất lượng các sản phẩm của mình để tạo ra sự mới mẻ không chỉ cho thị trường trong nước, mà còn có thể cạnh tranh với thị trường nước ngoài, là một hướng đi vô cùng tiềm năng. Nó cũng phá vỡ định kiến vốn ăn sâu từ bao lâu nay rằng truyện tranh chỉ dành cho trẻ con, còn những bộ sử lớn chỉ dành cho người lớn. Với sách ảnh minh họa màu, mọi người đều tiếp cận như nhau, đọc sách cùng nhau trong thời đại quá nhiều bận rộn.

Sự trỗi dậy của instagram 

Về phía người đọc, dễ thấy với sự trỗi dậy của các mạng xã hội mà điển hình là Instagram, người ta ngày càng có ít thời gian và chú tâm nhiều vào mặt hình ảnh hơn là nội dung. Cuốn Sữa và mật của nhà thơ Rupi Kaur cũng thuộc làn sóng này, khi được cấu thành từ các hình ảnh được vẽ dưới dạng line-sketch art cùng những khổ thơ nhỏ bao trọn màn hình điện thoại. Với việc tạo ra một bố cục mới, cô đã định nghĩa một cách hoàn toàn mới khái niệm thơ của thời hiện đại.

Tương tự, Nhìn lại cuộc sống đẹp biết bao của hai ông bà người Hàn Quốc – Chan Jae Lee và Kyong Ja An là những lời nhắn gửi, tâm tình đến ba người cháu của mình. Nội dung do bà viết – ông vẽ và được dịch, đăng trên tài khoản Instagram Drawings for my grandchild đã thật sự gây tiếng vang trên toàn thế giới, với ý nghĩa cùng nội dung vô cùng cảm động.

Như vậy, dù ở mặt nào, các nhà làm sách hiện nay cũng đều muốn hoàn thiện sản phẩm của mình một cách chất lượng nhất, vừa để nâng cao vị thế bản thân, vừa không thụt lùi so với thời đại. Người đọc của thời kỳ này, vì thế cũng có nhiều lựa chọn, mà hơn hết, trải nghiệm đọc sách cùng nhau sẽ ngày càng củng cố các mối quan hệ, điều những tưởng từ lâu đã không còn nữa trong guồng quay công nghiệp hóa. 

Theo Ngô Minh/PNO

 

Bình luận (0)