Y tế - Văn hóaThư giãn

Sách văn học thiếu nhi: Điệp khúc tái bản

Tạp Chí Giáo Dục

 
Trên kệ sách của hầu hết các nhà sách trên địa bàn thành phố từ lâu đã khủng hoảng thiếu các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Những tác giả quen thuộc với lứa tuổi này có thể kể đến như Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Hoài Dương, Thy Ngọc lác đác xuất hiện nhưng cũng chỉ dừng lại ở các sách tái bản như Của thiên trả địa, Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), tập truyện Trăm tay nghìn mắt (Thy Ngọc), Cô bé mảnh khảnh, tuyển tập Cô bé và bông hồng

, Hoa của biển và hai tiểu thuyết về trẻ em là Miền xanh thẳm Cỏ hoang (Trần Hoài Dương). Truyện tranh nhiều vô kể, sách văn học thì  ít cũng là điều đáng lo ngại cho văn hóa đọc của lớp trẻ ngày nay. Tác phẩm văn học trong nước dành cho thiếu nhi đã ít lại thiếu sách hay càng làm cho các bậc phụ huynh lo ngại.

Các tác phẩm dành cho thiếu nhi chủ yếu là truyện dịch từ các tác phẩm nước ngoài như 80 ngày vòng quanh thế giới, Henry quái quỷ gấp rút làm già, Những cuộc phiêu lưu của Giu-li-vơ, Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Ô-đi-xê… cũng chưa làm vừa lòng độc giả “nhí”.

Thế giới tuổi thơ bị “choáng” bởi hình dáng thế giới phim Disney’s, bé học vẽ tranh, vẽ tranh căn bản, truyện tranh của nước ngoài cũng chiếm đại đa số nhưng tính hữu ích chưa cao (nếu không muốn nói là không có).

Tìm một cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi của các em đã khó, việc sở hữu sách lại càng khó hơn vì giá sách tương đối cao. Cuốn 10 vạn câu hỏi vì sao dành cho học sinh tiểu học  nhằm cung cấp những tri thức khoa học cơ bản về thế giới động vật, thực vật, những bí ẩn trong cơ thể con người, hiện tượng thiên văn… được xem là sách bổ ích nhưng giá lên đến 100.000 đồng/ cuốn.

Lớn hơn nữa, lứa tuổi thiếu niên cũng phải chịu chung cảnh ngộ vì “không tìm thấy hình bóng của chính mình trong văn học”. Một thời gian dài, các em ở độ tuổi cấp 2 lại  “ngấu nghiến” những tác phẩm biên dịch như Đoá hồng cho tình yêu, Yêu là thế đó… (NXB Trẻ, tác giả Hà Hải Châu biên dịch). Ở đó, là những câu chuyện có thật với đủ hương vị ngọt, bùi, đắng cay. Những cảm xúc rung động tuyệt vời, những giây phút ấm áp, hạnh phúc đến ngất ngây mà chỉ những kẻ đang yêu mới có được. Không ít các em quá mê muội, dấn thân sống theo các nhân vật trong truyện và hình ảnh ấy cũng theo các em đến lớp, giờ ra chơi không còn tâm trí học hành. Nguy hiểm hơn, các em tìm thấy trong những tác phẩm này là ý nghĩa đích thực của sự lãng mạn, câu chuyện của sự đam mê, sự dâng hiến, bước vào thế giới riêng tư của hai người nam, nữ…

Cần lắm những tác phẩm hay như Đôi cánh thiên thần (Thy Huyền), Hạ đỏ, Chú bé rắc rối, Cháu của bà (Nguyễn Nhật Ánh) Đôi tay của mẹ (Hương Lan)… những câu chuyện xoay quanh quan hệ gia đình, cuộc sống đời thường, tình cảm giữa các thế hệ, tình yêu thương bao la… Những câu chuyện ấy sẽ là hành trang không thể thiếu cho cuộc sống ở tương lai.

Trần Trọng Tri

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)