Giải thưởng hạng mục sách văn học trong nước hoàn toàn bị bỏ trống với lý do: chưa tìm được sách thuyết phục để trao giải!
Lễ trao giải Sách hay 2019 đã diễn ra sáng 15/9 với các tác phẩm được vinh danh ở nhiều thể loại, đồng thời giới thiệu đến độc giả nhiều tựa sách giá trị. Tuy nhiên, giải thưởng hạng mục sách văn học trong nước hoàn toàn bị bỏ trống với lý do: chưa tìm được sách thuyết phục để trao giải!
Trong lễ trao giải Sách hay 2019, giải sách nghiên cứu thuộc về tác phẩm Hoàng Sa Trường Sa – Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc (tác giả Phạm Hoàng Quân, nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ); cùng tác phẩm dịch: Tri thức khách quan – Một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa (Karl R. Popper, nhà xuất bản Tri thức). Giải Sách thiếu nhi thuộc về bộ sách Con gà đẻ trứng vàng và Mỗi hơi thở một nụ cười (Thiền sư Thích Nhất Hạnh), dịch phẩm Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà (Kenji Miyazawa, dịch giả Thanh Điền).
Quyển Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới – Từ Trung cổ đến hiện đại được nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 2/2019 của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh được vinh danh ở hạng mục sách giáo dục. Tác phẩm nghiên cứu toàn cảnh lịch sử của đại học – một định chế giáp dục cao phát triển tri thức của châu Âu Kitô giáo từ thời Trung cổ. Ngoài ra, hội đồng xét giải Sách hay 2019 cũng chọn trao giải cho các tác phẩm thuộc hạng mục sách kinh tế, sách quản trị. Giải Sách hay do Viện giáo dục IRED, dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện giáo dục IRED, thành viên hội đồng xét giải nhận định: “Đây có lẽ là cuốn sách hay nhất viết về nền giáo dục đại học của một tác giả Việt mà tôi từng biết. Cuốn sách này góp phần định nghĩa lại khái niệm “đại học”. Việt Nam có hàng trăm đại học, hàng triệu sinh viên, hàng trăm ngàn giảng viên và người công tác trong các trường đại học. Nhưng để hiểu thế nào là đại học cũng không phải dễ dàng. Có rất nhiều sách nói về đại học nhưng không có nhiều cuốn sách viết về “tinh thần đại học”. Nếu muốn tìm một cuốn sách thế nào là “đại học” từ trung cổ đến hiện đại, từ đông sang tây thì chính là cuốn này”.
Qua chín mùa giải, giải thưởng Sách hay 2019 đã giới thiệu đến công chúng nhiều tựa sách giá trị. Nhiều tựa sách hay in lần đầu không có sức lan tỏa, nhưng khi được vinh danh giải thưởng, đã nhanh chóng trở thành sách bestseller. Điển hình như cuốn Bàn về tự do (John Stuart Mill, Nguyễn Văn Trọng dịch), in lần đầu 1.000 bản, cuốn Khuyến học (Fukuzawa Yukichi, in lần đầu cùng số lượng) phải “chịu cảnh” cất kho. Nhưng sau khi được chọn trao giải Sách hay, các đầu sách này đã tái bản nhiều lần, với hàng chục ngàn bản in, tạo thành hiện tượng và lan tỏa giá trị thật trong cộng đồng.
Điều bất ngờ nhất là hạng mục sách văn học trong nước đã bị bỏ trống. Lý do: “Chưa tìm được sách thuyết phục để trao giải”. Ở mảng văn học dịch, giải thưởng thuộc về tác phẩm Vết nhơ của người (Philip Roth, dịch giả Phạm Viêm Phương – Huỳnh Kim Oanh, Nhã Nam và nhà xuất bản Hội Nhà văn).
Tiêu chí xét giải Sách hay rất rộng: bao gồm tất cả tác phẩm in hoặc tái bản hợp pháp từ sau năm 1975 đến nay. Có năm giải thưởng trao cho các tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi). Việc vinh danh tác phẩm đã khẳng định giá trị hàng thập niên từng tạo ra nhiều tranh luận. Nhưng việc không tìm thấy một tựa sách hay trong suốt một tiến trình văn học cũng là một điều đáng nói. Ở hạng mục này, các kỳ giải thưởng trước từng gọi tên Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái)…
Có ý kiến cho rằng, đó là điều rất đáng “báo động về tình hình văn học nước nhà”. Tuy nhiên, tính tương đối của vấn đề nằm ở cách tiếp cận các tựa sách dự giải của hội đồng xét giải: thông qua người đề cử hoặc các nhà xuất bản tự đề xuất. Với nhiều giải thưởng văn học khác, trường hợp bỏ sót tác phẩm hay hoặc các tác giả chủ động không tham gia giải thưởng cũng không hiếm. Điều đáng tiếc nhất là năm nay cũng không có tác phẩm được trao giải ở hạng mục phát hiện mới. Các tác phẩm từng được nhận giải này đều là những thành tựu rất có giá trị của những gương mặt trẻ, như Có 500 năm như thế (Hồ Trung Tú), Những thiếu thời lơ lửng (Hạnh Nguyên), Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức)… đều ghi dấu ấn với bạn đọc.
Thay vào đó, giải thưởng năm nay được làm mới bằng danh sách Sách cho người trẻ do Cộng đồng sách trẻ bình chọn. “Có thêm hoạt động này vì chúng tôi mong muốn giải Sách hay đến được nhiều đối tượng độc giả khác nhau, ngày càng gần gũi hơn với người trẻ” – ông Giản Tư Trung cho biết. Một số tựa sách kinh điển và đương đại do cộng đồng trẻ bình chọn: Nhà giả kim, Giết con chim nhại, Sapiens – Lược sử loài người, Bức xúc không làm ta vô can, Cà phê cùng Tony, Lối sống tối giản của người Nhật…
Theo Lục Diệp/Phunuonline
Bình luận (0)