Hai quyển sách về soạn giả Viễn Châu của tác giả Huỳnh Công Tín
NXB Văn hóa – Văn nghệ vừa giới thiệu đến độc giả 2 quyển sách viết về soạn giả cải lương Viễn Châu gồm quyển “Soạn giả Viễn Châu – Tác giả và tác phẩm vọng cổ” và quyển “Soạn giả Viễn Châu – 120 bài vọng cổ đặc sắc” do tác giả Huỳnh Công Tín biên soạn nhằm gửi đến giới mộ điệu của dòng nghệ thuật truyền thống này.
Quyển “Soạn giả Viễn Châu – Tác giả và tác phẩm vọng cổ” lần lượt nhắc đến những đặc thù văn hóa Nam bộ; Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật tác phẩm vọng cổ; Từ ngữ, điển tích trong tác phẩm Viễn Châu. Ngoài việc giới thiệu con đường sáng tác của soạn giả Viễn Châu, tác giả Huỳnh Công Tín còn dày công kể những câu chuyện sầu muộn thì nhiều mà vui thì ít ẩn chứa bên trong những bản vọng cổ quen thuộc. Trong khi đó quyển “Soạn giả Viễn Châu, 120 bài vọng cổ đặc sắc” được trình bày với hình thức mới hiện đại, trang nhã; phù hợp với yêu cầu của tác phẩm bài ca vọng cổ. Quyển này tập hợp các bài ca được sắp xếp hệ thống theo bốn thể loại gồm: Vọng cổ lịch sử – Vọng cổ tâm lý xã hội – Tân cổ giao duyên – Vọng cổ hài.
Soạn giả Viễn Châu đã viết trên 50 vở cải lương, hơn 2.000 bài vọng cổ, gồm cổ nhạc và tân cổ. Trong đó, có thể kể đến các bài vọng cổ: Tình anh bán chiếu, Tu là cội phúc, Mẹ dạy con, Trái khổ qua, Ông lão chèo đò, Sầu vương ý nhạc, Anh đi xa cách quê nghèo, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Tần Quỳnh khóc bạn, Lòng dạ đàn bà… Những sáng tác tiêu biểu của soạn giả Viễn Châu không chỉ trên phương diện nghệ thuật ca từ mà còn chứa đựng những giá trị hiện thực phản ánh đời sống, tâm lý xã hội Việt Nam của những thập kỷ trước. Trên bình diện hiểu biết xã hội, ông cũng như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… quả là những pho “tự điển” sống của người Nam bộ, bởi nó không chỉ có giá trị học hỏi cho người đương thời mà còn cho nhiều thế hệ người Việt sau này.
Tin, ảnh: H.Trinh
Bình luận (0)