Y tế - Văn hóaThư giãn

Sách vén màn bí mật về bùa ngải xứ Mường

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tập phóng sự vừa xuất bản, nhà báo Hoàng Anh Sướng viết về hiện tượng người Mường tin và dùng nhiều bùa ngải để chữa bệnh, hàn gắn tình cảm.

Hoàng Anh Sướng là nhà báo nhiều năm gắn bó với thể loại phóng sự xã hội. Theo đuổi những đề tài lạ, độc đáo, anh dành tâm sức lên rừng, xuống biển, ra đảo… để mang về những câu chuyện hấp dẫn. Bùa ngải xứ Mường tập hợp các bài viết của Hoàng Anh Sướng, mới được nhà xuất bản Công An Nhân Dân phát hành. 

sach-ven-man-bi-mat-ve-bua-ngai-xu-muong

Bìa sách "Bùa ngải xứ Mường".

Chiếm dung lượng lớn trong cuốn sách là các bài viết về chủ đề bùa ngải của người Mường. Năm 2003, Hoàng Anh Sướng khăn gói lên Phú Thọ tìm hiểu về những bí ẩn của bùa ngải. Anh dành ba tuần ăn, ở trong nhà các thầy mo người Mường nổi tiếng trong vùng như Nguyễn Văn Thục, Hoàng Văn Nhẻo. Để hiểu thêm về vấn đề, Hoàng Anh Sướng cũng tìm gặp, phỏng vấn những nhà nghiên cứu như Nguyễn Hữu Nhàn – người chuyên tìm hiểu về văn hóa Mường. Những điều mắt thấy, tai nghe về bùa ngải được Hoàng Anh Sướng kể lại trong sách. 

Theo tác giả, gần đây trong xã hội, đặc biệt là trong giới showbiz thường kháo nhau về việc dùng bùa ngải để hãm hại người khác. Anh khẳng định chuyện dùng bùa ngải của người Mường là có thật, và đó là cách để họ chữa bệnh, hàn gắn tình cảm, chứ không dùng để gây chuyện tiêu cực. Hoàng Anh Sướng nói: "Bùa ngải có tiêu cực hay không là do người dùng, chứ không phải cứ nhắc đến nó là người ta nghĩ tới những chuyện hại nhau như hiện nay. Thông qua những trang viết, tôi cũng muốn mọi người không chỉ có cái nhìn khác về bùa ngải, mà còn hy vọng văn hóa Mường được nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn". 

Bên cạnh viết về bùa ngải xứ Mường, cuốn sách còn dành ba phần viết về những vấn đề khác nhau của đời sống xã hội. Trong đó, tác giả đưa vào loạt bài điều tra tệ nạn xã hội như buôn hổ, buôn tê giác. Anh kể với người đọc câu chuyện của những gã lục lâm thảo khấu buôn động vật quý hiếm với đường dây xuyên quốc gia cùng đủ chiêu làm ăn tinh quái. 

Trước đây, Hoàng Anh Sướng nổi tiếng với loạt phóng sự về những nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt liệt sĩ. Trong cuốn sách này, anh đưa vào loạt bài viết về cuộc đi tìm 1000 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. 

Tác giả cũng dành một phần sách để tôn vinh những con người bình thường nhưng âm thầm làm việc thiện. Trong đó, anh viết về ông lão cả đời sống lênh đênh trên sông nước, sống bằng nghề câu xác người. Sự hy sinh của người phụ nữ tình nguyện lấy chồng nhiễm HIV cũng đi vào trang sách. "Chúng ta vẫn thường nghĩ văn chương tải đạo, còn báo chí chỉ thuần thông tin. Nhưng tôi nghĩ báo chí cũng phải truyền những thông điệp tích cực. Bên cạnh phơi bày cái xấu, cái ác, phóng sự báo chí cũng phải nói những điều yêu thương, để tôn vinh ca ngợi cái đẹp của cuộc sống", Hoàng Anh Sướng nói. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét về cuốn sách: "Đây là một cuốn sách hay, hấp dẫn. Tư duy khoa học kết hợp với tài dẫn dắt chuyện khiến ai cầm sách đều không muốn buông. Đó là cái tài đặc biệt không phải nhà văn, nhà báo nào cũng làm được".

Hoàng Anh Sướng (1973) là tác giả của nhiều đầu sách tâm linh và các tập phóng sự xã hội. Năm 2015, anh ra mắt tập sách Hạnh phúc đích thực- sách ghi lại những cuộc trò chuyện giữa Hoàng Anh Sướng và thiền sư Thích Nhất Hạnh – được nhiều bạn đọc quan tâm.

 

Lam Thu/ VNE

Bình luận (0)