Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sacombank và Eximbank ký kết “nghiên cứu” sáp nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29.1, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã ký kết hợp tác toàn diện.
Sacombank và Eximbank đã ký kết để nghiên cứu sáp nhập với nhau – Ảnh: D.Đ.M
Sáu nội dung cơ bản trong đợt ký kết lần này giữa hai đơn vị được thông qua. Trong đó có nội dung thứ 6 khá đặc biệt là: trong vòng từ 3 – 5 năm, hai bên sẽ nghiên cứu, xem xét trình Đại hội cổ đông cũng như xin phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện chiến lược sáp nhập.
Trước buổi lễ ký kết, ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Eximbank – cho biết: “Trong thời gian này, hai bên nghiên cứu tìm hiểu nhau. Thời điểm, hình thức, nội dung thực hiện cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận sau tùy theo nhu cầu và xu hướng kinh tế trong từng thời kỳ. Nếu như hai ngân hàng sáp nhập lại được với nhau sẽ nâng cao thế mạnh, tăng cường sức cạnh tranh, mở rộng thị phần lớn hơn và đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn”.
Đến hết quý 3/2012, vốn điều lệ của Eximbank là 12.355 tỉ đồng, tổng tài sản hơn 160.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của Sacombank là 10.739 tỉ đồng, tổng tài sản ở cùng thời điểm trên là 147.000 tỉ đồng.
Cũng theo ông Dũng, sau khi sáp nhập hai ngân hàng lại, sẽ có một ngân hàng cổ phần lớn với 600 chi nhánh, vốn điều lệ hơn 30.000 tỉ đồng, tổng tài sản từ 400.000 – 500.000 tỉ đồng. Nếu từng ngân hàng muốn đạt được quy mô lớn như vậy thì phải mất khoảng 20 năm nữa mới có thể thực hiện được, nhưng nếu thực hiện việc sáp nhập lại thì chỉ có thể mất khoảng 2 – 3 năm là làm được. Việc sáp nhập này nếu được sẽ góp phần phát triển được kinh tế, thực hiện việc tái cấu trúc có ngân hàng tầm vóc quốc tế.
Hiện nay Eximbank đang là cổ đông lớn của Sacombank với tỷ lệ 9,73%.
Trong một năm trở lại đây, việc các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất lại với nhau xuất phát từ sự yếu kém của một ngân hàng kia, thế nhưng cả Sacombank, Eximbank đều là ngân hàng nằm trong top trên của khối ngân hàng cổ phần. 
Ông Phạm Hữu Phú – Chủ tịch HĐQT Sacombank – cho hay: “Ý tưởng này đã được đề cập đến từ nhiều năm trước, trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Sáp nhập không có nghĩa chỉ có các ngân hàng nhỏ mà các ngân hàng lớn, mạnh sáp nhập với nhau để có được một ngân hàng có quy mô tầm vóc lớn. Ngân hàng này (tức ngân hàng sau sáp nhập) sẽ có đủ sức cạnh tranh đối với các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam”.
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM,  cho biết: “Hiện nay cả hai bên đều mới bắt đầu thực hiện ý tưởng chứ chưa có một kế hoạch cụ thể chi tiết về tên gọi của hai ngân hàng sau sáp nhập, tỷ lệ cổ phiếu chuyển đổi như thế nào. Cả hai ngân hàng có từ 3 – 5 năm để triển khai các biện pháp kỹ thuật thực hiện ý tưởng trên”.
Ngoài nội dung này, một số nội dung khác trong ký kết cũng được đánh giá là “bước đệm” để cả hai bên hiểu nhau và đi đến việc sáp nhập.
Đó là, cho vay đồng tài trợ hoặc ủy thác cho vay phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi bên; cấp hạn mức tiền vay (thanh khoản) để hỗ trợ lẫn nhau trong việc sử dụng tối đa nguồn vốn để sinh lời, đồng thời trợ giúp lẫn nhau khi một trong hai bên có nhu cầu được hỗ trợ về thanh khoản; kinh doanh tiền tệ; nhân sự và đào tạo nhân sự các cấp của các bên cả về nghiệp vụ lẫn hoạt động ngân hàng; hai bên thống nhất hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về công tác tái cấu trúc mọi hoạt động theo chuẩn mực, đặc điểm địa phương và thông lệ quốc tế tốt nhất để hội nhập và cùng phát triển….
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)