Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sài Gòn dung dị qua ô kính xe bus

Tạp Chí Giáo Dục

Ở cái tuổi 82, cụ bà Phạm Thị Hoài An (ngụ Q.Gò Vấp) đã có hơn 20 năm đi xe bus. Với cụ, mỗi ngày được đi một tuyến xe mới, được đến một vùng đất mới là một niềm vui, niềm an ủi tuổi già.

Cụ Phạm Thị Hoài An, 82 tuổi nhưng ngày ngày vẫn thích rong ruổi ngắm cảnh Sài Gòn qua khung cửa xe bus

Trung bình mỗi ngày cụ dành ra 3 giờ đi xe bus. Tính ra, hơn 20 năm qua, số giờ cụ ngồi trên xe đã lên đến hàng chục ngàn giờ.

1. Phải hẹn đến ba lần, tôi mới có dịp gặp được cụ Phạm Thị Hoài An. Ở tuổi 82, cụ vẫn giữ được nét minh mẫn, nhanh nhẹn hiếm có. Câu chuyện chiều tà bên tách café pha vội khi cụ vừa kết thúc cuộc hành trình lên Chợ Lớn mua nhang, xoay quanh những chuyến đi mà theo cách cụ gọi, là những chuyến đi tuổi già.

Bén duyên với xe bus từ khi còn là cô công nhân của HTX Vận tải số 5. Công việc phải di chuyển nhiều, cụ chọn phương tiện công cộng để “vừa tiết kiệm chi phí lại an toàn” nhưng trên hết, theo cụ, khi ngồi trên xe bus, cụ được ngắm nhìn phố phường. “Thích nhất là vào những ngày cận Tết, thành phố như khoác áo mới vậy, đâu đâu cũng là mai, là lan nhộn nhịp. Những ngày đó, cụ chỉ muốn được ngồi trên xe ngắm phố phường hoài…” – Cụ An nhớ lại.

Thời đó, vận tải hành khách công cộng chỉ là những xe ba gác cọc cạch, những chiếc xe lam cũ kỹ. “Ngồi còn nghe mùi bụi đường thông thốc. Thỉnh thoảng còn nghe mùi mắm, mùi khô sặc sốc thẳng vào mũi. Nhưng đổi lại, người với người thấy gần nhau, san nhau từ bịch bánh tráng trộn, hễ lên xe là bạn đường…”.

Năm 2002 là năm đánh dấu sự hồi sinh của xe bus thành phố. Cụ An kể, thời đó, vé xe chỉ có một ngàn đồng thôi vì thành phố trợ giá, khuyến khích người dân đi mà. “Mới đầu người dân hồ hởi, đi xe bus nhiều lắm. Khi đó, cụ mới có gần 70, đi khỏe lắm. Ngày nào cũng phải đi, không đi là chồn chân, bứt dứt không chịu được…”.

Hàng ngàn cuộc hành trình, có những chuyến quen mặt, thuộc tên cả người tài xế. Là những sáng cuối tuần rảnh rỗi, bắt xe xuống Củ Chi thăm địa đạo, cụ bảo áp mặt xuống đất còn nghe như tiếng người xưa thầm thì, là đến Biên Hòa thăm những người bạn cũ, gặp nhau chút, thấy tóc mai dù đã bạc nhưng đứa nào cũng còn minh mẫn, ôn lại thời xưa hái me, hái ổi rồi vội vã ra về, là ngược dòng chạy ra tít bến xe miền Tây bắt xe đi Cần Thơ xem người Tây Đô thông cầu. Hay những chiều buồn, cụ bắt xe lang thang vô định, ngồi hết tuyến này đến tuyến khác đến khi thành phố lên đèn.

Hay đơn giản, là những chuyến xe đi Chợ Lớn mua nhang về thắp cho ông nhà, sắm đồ chưng Tết, là những chiều Sài Gòn nắng thì sóng sánh mà lòng người thì như rượu, buồn đến xanh xao, cụ bắt xe xuống tận Gò Đen (Bình Chánh) thăm mộ ông nhà, âm dương chẳng muốn rời. Cụ bảo, ngày cụ ông còn sống, hai cụ thường rủ nhau ngồi xe lên tận Biên Hòa thăm bạn cũ, rồi có khi ngẫu hứng, hai ông bà già dắt nhau lang thang Chợ Lớn, đi một vòng quanh thành phố rồi về. “Có bữa con cái gọi quá trời, kêu ba má muộn rồi sao chưa thấy về” – Cụ An cười hồn hậu.

2. Hàng trăm tuyến xe bus, cả những tuyến mới và tuyến cũ, được cụ nhớ và đọc tên vanh vách. “Mỗi lần đi tuyến nào mới cụ lại ghi vào một tờ giấy. Để lần sau muốn đi đâu thì còn có cái mà xem” – Cụ An chia sẻ.

Hơn 20 năm đi lại bằng xe bus, cụ An tự hào khoe rằng có lẽ không còn ngóc ngách nào của Sài Gòn mà cụ chưa từng ngắm qua, số ki-lô-mét hành trình cụ đi có khi còn dài hơn chiều dài của nước Việt. “Mỗi một chuyến đi ít nhất cũng cả chục cây số, ròng rã suốt hơn 20 năm như thế, chỉ trừ ngày Tết cụ ở nhà với con cháu…”.

Ngay cả khi đi lễ chùa, nếu chùa gần nhà thì cụ đi bộ, còn xa hơn thì cụ bắt xe bus. “Bạn bè già của cụ, nhiều người thấy cụ đi xe bus cũng ham lắm, nói bữa nào bà xuống Củ Chi cho tui theo cùng với…”.

Cụ kể, từ ngày cụ ông mất, cụ buồn rất nhiều. “May mà có những chuyến xe bus đưa cụ đi thăm những người bạn, ngắm phố phường luôn đổi thay cụ cũng thấy nguôi ngoai…”.

Những tấm vé đi xe bus kể từ khi thành phố phát hành, từ thời vé xe là một ngàn đồng, đến giờ lên đến mười ngàn đồng, cũng được cụ An trân trọng lưu lại, gìn giữ như một niềm hạnh phúc. Cụ An nói: “Nó như chứng minh cho hành trình tuổi già của cụ vậy, để khi nằm một chỗ, biết được mình đã đi đến những đâu, đi nhiều như thế nào”.

Và đó cũng là cách cụ kêu gọi con cháu mình, những người xung quanh mình ủng hộ phương tiện công cộng này. “Đi xe bus vừa tránh kẹt xe, tắc đường, tránh nắng nôi lại thong dong  như một cuộc dạo chơi, không ồn ào vội vã”.

Dù đường xá còn đôi chỗ gập ghềnh, những lô cốt đâu đó còn mọc lên, những chiếc xe bus còn chạy khi thì như chú rùa ì ạch, khi lại là chú ngựa non phi mã… Đôi lần, cụ thấy mình như bì bõm trên xe trong làn mưa trắng trời và đường xá thì ngập úng. Nhưng với cụ, đó lại là tình yêu bất tận của cụ với Sài Gòn. Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc hành trình là một câu chuyện kể. Cụ nói, cụ chỉ ước rằng, bản thân còn đủ sức khỏe và minh mẫn để viết tiếp những chuyến hành trình dọc Sài Gòn. “Ngắm những con phố nhỏ, cụ vui lắm khi đây đó mọc lên thêm những tòa cao ốc, những ngôi nhà khang trang. Hay chạy dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, thấy hàng cây xanh tươi và mùi lá xôn xao, cụ biết thành phố này đã thay da đổi thịt rất nhiều…”.

Tách café nguội ngắt, bóng tối đen dần con ngõ nhỏ, tiếng xe cộ đã bớt lao xao… mà cuộc nói chuyện vẫn chưa tàn. Như một lời nhắn gửi với tôi, cụ An nói rằng, nếu có thể con hãy đi xe bus, ủng hộ phương tiện công cộng là cách mình yêu thành phố này. Không chỉ thế, hành trình trên những chuyến xe bus sẽ giúp các con hiểu, Sài Gòn này bao dung, đẹp và dễ thương đến nhường nào…

Bài, ảnh: Đỗ Yến

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)