Trong tuần này có một bài mà mình thích, đó là bà"Em oi, Hà Nội…phố” của bác Phan Đăng ở Hà Nội
Hai quán chả giò – miến cua đều có tên “94 gốc” trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM – Ảnh: GIA TIẾN |
Đọc đoạn bác viết về những tấm biển quảng cáo “lạc bà Vân xịn”, “lạc bà Vân chính gốc”, “lạc bà Vân thật 100%”… mình thấy chuyện này đâu chỉ riêng Hà Nội mà Sài Gòn cũng có. Mình từng thấy trên một đoạn đường Võ Thị Sáu (Q.3) có một dãy biển hiệu giò chả Phú Hương, nhưng mỗi tiệm ghi khác nhau: “Giò chả Phú Hương chính hiệu”, “Giò chả Phú Hương cũ”, “Giò chả Phú Hương địa chỉ duy nhất”… Còn ở trên đường Đinh Tiên Hoàng (góc Điện Biên Phủ, Q.1) thì có hai quán chả giò, miến cua; nhưng nơi nào cũng tranh nhau “gốc”: “Chả giò cua biển 94 gốc không chi nhánh”, “Quán Thúy (cũ) 94 chính hiệu, gốc, không chi nhánh”… Mình cũng nhớ ngày xưa, nơi gần cầu Thị Nghè có quán thịt chó Hai Mơ ngon nức tiếng, quán này nằm ở mặt tiền đường, sau dẹp quán cất lên một nhà lầu cao ngất. Thế rồi trong hẻm cạnh quán Hai Mơ cũ lập tức mọc lên một dãy quán thịt chó, nhưng nhất loạt lấy tên là Hai Mơ. Cứ làm như là một “tập đoàn thịt chó” thương hiệu Hai Mơ vậy!
Với một dãy biển hiệu, nơi nào cũng khẳng định mình là “chính hiệu”, “cũ”, “duy nhất”, “gốc”… thì khách hàng chắc chắn sẽ phải động não ghê gớm lắm. Nhưng trí thông minh dùng vào mấy chỗ này thì e hơi uổng phí…
2 Dạo trước mình hay ăn bún bò trên một con đường thuộc quận Bình Thạnh. Quán này ban đầu trương tấm biển là “Bún bò Huế X”, nhưng chừng năm sau bỗng dưng thấy thay tấm biển: “Bún bò Huế o Bé”. Tưởng quán đã sang, chủ đã đổi, nhưng không, vẫn chủ cũ, “phong cách” bún bò y cũ, nhân sự không có thêm một o Bé hay o Nhỏ nào. Nhưng sao quán đổi tên? Chủ quán tủm tỉm giải thích: “Tui bắt chước làm vậy, nghe cho nó rặt Huế”. Từ đó về sau mình hay để ý mấy quán bún bò, thấy “o” lên ngôi quá: “Bún bò o Nhi”, “Bún bò o Huệ”, “Bún bò o Thắm”… Theo mình biết thì tiếng Huế o tức là cô gái, nhưng người em gái của cha cũng được gọi là o. Nếu quán bún bò của một bà già Huế thì không thể gọi o mà gọi mụ! Vậy mà mình từng vào một quán bún bò… thương hiệu o, nhưng chủ quán là một… ông sồn sồn, gốc Nam bộ. Đó là chưa nói bún bò tuy được quảng cáo là “rất Huế”, nhưng nấu hoàn toàn không theo kiểu Huế.
Sài Gòn là đất có nhiều người Hoa sinh sống, mà người Hoa thì cực kỳ nổi tiếng với các món mì nên đi đâu cũng thấy những biển hiệu ăn theo, ví như: “Tiệm mì Hưng Ký”, “Châu Ký mì gia”, “Tiệm mì Đạt Ký”, “Nhà hàng Gia Ký”… Mình hỏi một người Hoa sao các quán của họ lại gắn với một chữ “Ký”, người nọ giải thích chữ Ký có nghĩa là hiệu, là tiệm, ví dụ Hưng Ký tức là tiệm Hưng. Như vậy gọi “tiệm mì Hưng Ký” thì đã thừa chữ “tiệm”. Thì ra là vậy.
3 Bác Phan Đăng tỏ ra cắc cớ khi bàn về chuyện thật – giả: “Có phải con người đang dối nhau nhiều quá nên ở đâu cũng phải giăng ra những biển hiệu gắn liền với một chữ “thật” như thế?”. Ôi, đúng là khi chữ “thật” được giăng ra thì cái bẫy của sự “giả” cũng đang rình chờ. Có lẽ cứ sống theo phép thắng lợi tinh thần kiểu AQ là hay nhất. Theo kiểu AQ thì sống ở Sài Gòn là sung sướng nhất: hủ tiếu thì toàn hủ tiếu Nam Vang, bún bò thì toàn bún bò Huế, phở thì toàn phở Bắc gia truyền số 1, gà thì toàn gà ta miền Trung v.v và v.v…
Chỉ tiếc là phép thắng lợi tinh thần không thể kéo dài lâu, mà quán xá trong thành phố thì ngày càng như một mê hồn trận.
Theo TTO
Bình luận (0)