Phố nhậu đêm trên đường Hoàng Sa (Q.1)
|
Trước đây, nhiều ngôi nhà ở mặt tiền đường có diện tích nhỏ như cái… lỗ mũi treo bảng cho thuê hàng tháng trời chẳng ai thèm để mắt tới. Nhưng nay những nơi này bỗng dưng lại có giá.
“Mặt bằng ngang 3m, dài 5m, tôi cho thuê mỗi tháng gần 10 triệu đồng”, anh Thắng (ngụ đường Rạch Bùng Binh, P.11, Q.3, TP.HCM), nói. Từng là ông chủ quán nhậu bình dân nhưng anh Thắng quyết định đóng cửa bởi “thức đêm thức hôm, tiền lãi chỉ đủ để “chung chi”, cho thuê mặt bằng đến tháng cầm gần chục triệu đồng cho nhẹ cái thân”.
Tranh nhau… đặt cọc
Bà Nguyễn Thị Ba (ngụ đường Hoàng Sa, P.Tân Định, Q.1), chủ căn nhà có diện tích khá khiêm tốn nằm giữa hai quán nhậu, cho biết khu vực này cứ màn đêm buông xuống là nhộn nhịp cho đến sáng. Nhà tôi nhỏ nhưng lại được hai chủ quán nhậu kề bên tìm mọi cách để được thuê, mở rộng diện tích quán.
Ngày nào cũng vậy, cứ khi nào bà Ba mở cửa là có người đến gợi ý muốn thuê mặt bằng với giá cao. Bà Ba cho biết thêm: “Tôi không cho thuê cũng bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của xe cộ, bàn ghế bày trước cửa nhà mỗi đêm. Có mặt bằng mà bỏ không nghĩ cũng tiếc nên gia đình tôi chuyển hết lên lầu, để tầng trệt cho thuê. Chỉ với diện tích chừng 20m2, tôi cho thuê với giá 6 triệu đồng/tháng. Đó là giá mà người thuê đưa ra, chứ tôi không kỳ kèo thêm. Với số tiền này gia đình tôi cũng có điều kiện làm việc khác”.
Trước đây bà Ba treo bảng cho thuê nhà hàng tháng trời nhưng chẳng ai thèm hỏi, từ khi quán nhậu bình dân thi nhau mọc lên thì lắm người tranh nhau bỏ cọc để được thuê. Mặt bằng nhỏ, không cần không gian đẹp nhưng nằm trong phố nhậu đang thời ăn nên làm ra thì bỗng dưng… có giá. Mặt bằng tầng trệt nhà bà Ba cũng là một trong số mặt bằng “may mắn” lọt giữa phố nhậu đêm được xem là sầm uất nhất nhì ở thành phố.
Tương tự, khu nhà “ổ chuột” ẩm thấp trong hẻm nay thành mặt tiền khi Nhà nước mở đường vành đai Bình Lợi – Tân Sơn Nhất (thuộc Q.Gò Vấp và Bình Thạnh) bỗng dưng có giá cao. Đại lộ Phạm Văn Đồng thông xe chưa lâu nhưng hàng quán mọc lên như nấm sau mưa, từ hàng ăn, cà phê đến quán nhậu. Do nhu cầu mở quán nhiều nên giá thuê mặt bằng cũng được đẩy lên chóng mặt. Anh Tiến, chủ một quán nhậu bình dân ở đây, cho biết nhà cấp 4 rộng hơn chục mét vuông, nhưng hỏi tới là không dưới 6-7 triệu đồng/tháng. Vậy mà không có để cho thuê. “Hàng đêm dân nhậu dạt về đây đông lắm, tầm 22 giờ trở lên là đông nghịt người. Những người có quán muốn mở rộng thêm, kẻ thấy người khác kinh doanh được cũng muốn nhảy vô”, anh Tiến nói.
Trong vai người đi thuê mặt bằng, chúng tôi tìm đến phố nhậu ở đường Trường Sa, đoạn gần cầu Lê Văn Sỹ (Q.3). Gõ cửa một căn nhà có treo tấm bảng “cho thuê mặt bằng” phía trước, mãi 5 phút sau mới nghe tiếng dép sột soạt từ nhà dưới lên. Người phụ nữ ra dáng chủ nhà kéo cánh cửa sắt chỉ đủ ló đầu, hỏi: “Cậu tìm ai, có việc gì?”. “Chúng tôi hỏi thuê mặt bằng”, chúng tôi đáp. Bà chủ nhà đưa mắt nhìn từ đầu đến chân rồi nói tiếp: “Tôi chỉ cho thuê để mở quán nhậu, còn bán quần áo, cà phê hay ăn sáng thì không”. Câu hỏi “tại sao” chúng tôi đã chuẩn bị trong đầu nhưng chưa kịp hỏi thì bà chủ nhà đã giải thích luôn: “Cửa hàng thời trang, ăn sáng chỉ rình rang ngày khai trương, mấy bữa sau thì im ắng. Sớm thì vài hôm, trụ được lâu thì cũng chỉ hơn tháng là cuốn gói trả mặt bằng, cầm tiền của người thuê cũng chẳng sung sướng gì”, bà chủ nhà nói.
Cho thuê luôn vỉa hè
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “khách hàng tiềm năng” của những người có mặt bằng cho thuê dọc theo đường Hoàng Sa – Trường Sa, đại lộ Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ (ngã tư Hàng Xanh), Công trường Dân Chủ (góc Lý Chính Thắng, Q.3)… không ai khác là các chủ quán nhậu. “Cho thuê mở quán nhậu được giá hơn cho thuê kinh doanh các mặt hàng khác. Hơn nữa, do nhu cầu cao nên thời hạn thuê cũng dài hơn”, ông Nguyễn Minh Chí, người sở hữu hai mặt bằng rộng hơn 40m2 ở đường Hoàng Sa (gần cầu Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) đang cho thuê với giá gần 20 triệu đồng/tháng, đúc kết.
Một ông chủ quán nhậu (xin giấu tên) có 3 quán nhậu ở Q.Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp, khẳng định: “Đi thuê mặt bằng để mở quán nhậu mà nói cho người ta biết mình là chủ quán này, quán kia chẳng khác nào tạo cơ hội cho họ “cứa cổ”, đặc biệt là khi muốn thuê mặt bằng ở các phố nhậu nổi tiếng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hợp đồng giữa người thuê và người cho thuê mặt bằng có sự thỏa thuận khá rõ ràng. Theo đó, ngoài các điều khoản thông thường thì còn có một điều khoản có phần nhạy cảm liên quan đến… vỉa hè. “Với giá 15 hay 20 triệu đồng, người thuê hay người cho thuê “lo” luôn khoản lấn chiếm vỉa hè là do hai bên thỏa thuận. Khi cơ quan chức năng đến xử lý vi phạm, người thuê đứng ra lo mọi thứ rồi chủ nhà sẽ thanh toán lại, nếu người cho thuê chịu trách nhiệm theo hợp đồng hoặc ngược lại”, anh Minh – chủ một quán nướng trên đường Trường Sa – bật mí. Cũng theo anh Minh, đó là cách có lợi cho cả đôi bên. Người thuê không cảm thấy lo lắng, thậm chí là cụt vốn vì bị xử phạt. Còn người cho thuê được giá cao, lại có hợp đồng lâu dài.
Bài, ảnh: Trần Anh
Luật sư Trần Thảo Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, 10 năm trong nghề bà không nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu vụ tranh chấp dân sự. Đọc hồ sơ, hợp đồng cười ra nước mắt với những thỏa thuận “có một không hai” và chuyện hợp đồng “chịu trách nhiệm với địa phương về… cái vỉa hè” là một ví dụ. “Ban đầu người thuê còn thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký nhưng mấy tháng sau, liên tục hết phường rồi đến quận đến thu dọn bàn ghế, xử phạt… theo quy định của pháp luật đến nỗi cụt vốn, phát cáu, thế là đi kiện”, luật sư Trần Thảo Uyên nói. |
Bình luận (0)